4 cơ sở cho thị trường chứng khoán tìm điểm cân bằng tháng 11

MAS kỳ vọng thị trường chứng khoán sẽ tìm được điểm cân bằng trong tháng 11 trên cơ sở sự phục hồi thị trường tài chính thế giới, tâm lý nhà đầu tư cải thiện, kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12 và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quan điểm được Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) đưa ra trong báo cáo chiến lược tháng 11 với chủ đề “Cẩn tắc vô ưu”.

Về vĩ mô, MAS kỳ vọng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 đạt ít nhất 7,5%-8% trong kịch bản cơ sở, và trên 8% trong trường hợp tốt nhất, với bốn động lực tăng trưởng chính: 1) Tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ, 2) Tăng trưởng FDI giải ngân ổn định, 3) Giải ngân đầu tư công tăng tốc, và 4) Tăng trưởng sản xuất công nghiệp và xuất khẩu tích cực.

Đề cập những yếu tố cần theo dõi trong thời gian tới, MAS nêu, tiêu dùng nhìn chung vẫn là động lực chính cho tăng trưởng GDP quý 4 năm nay, một phần nhờ so sánh với mức nền thấp của cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng có thể sẽ chậm lại so với quý 3 trong bối cảnh lạm phát tăng cao và nguy cơ suy thoái toàn cầu, cũng như bị ảnh hưởng bởi những xáo trộn gần đây trên thị trường tài chính và bất động sản.

Tốc độ giải ngân FDI có thể chậm lại trong thời gian tới do kỳ vọng tỷ giá USD/VND tăng lên. Quan sát thấy, giải ngân FDI tháng 10 tăng chậm lại đạt 2 tỷ USD, tương đương mức tăng 8% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu gần đây đã thể hiện vài dấu hiệu tiêu cực. Xuất khẩu đang chậm lại do tình hình tiêu thụ khó khăn trên toàn cầu. Theo quan điểm của MAS, rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ tăng trưởng đình trệ trong bối cảnh lạm phát cao ở các nước châu Âu.

Về mặt ổn định vĩ mô, áp lực giảm giá của Việt Nam Đồng đã được giảm bớt, đặc biệt là sau hai lần tăng lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vào ngày 23/9 và 25/10 (mỗi lần 100 điểm cơ bản). MAS kỳ vọng việc tăng lãi suất sẽ giúp: 1) ổn định tỷ giá hối đoái; 2) tốc độ tăng tiền gửi ngân hàng sẽ tăng nhanh hơn so tốc độ tăng trưởng tín dụng; và 3) lạm phát được kiểm soát ở mức 4,5%; cả 3 điều này đóng góp đáng kể cho việc ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng.

Thị trường chứng khoán: cần thêm thời gian để thu hút dòng tiền

Bên cạnh các rủi ro liên quan đến suy thoái kinh tế ở một số thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, đồng USD mạnh, lạm phát trong nước gia tăng, thị trường trong tháng 10 còn thể hiện thêm những lo ngại xoay quanh những vụ vi phạm trên thị trường tài chính nói chung, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản nói riêng.

Đáng chú ý, trong tháng 10, áp lực tăng lãi suất của NHNN đã gia tăng đáng kể để đối phó với lạm phát và tỷ giá USD/VND tăng mạnh. Việc lãi suất tăng có tác động trực tiếp đến đến các ngành và công ty có tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao.

Sau hai lần tăng lãi suất gần đây của NHNN, áp lực mất giá của Việt Nam Đồng đã được giảm bớt, cũng như áp lực lạm phát. MAS cho rằng NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, giúp ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững hơn trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu gia tăng.

Như đã đề cập trong các báo cáo chiến lược trước, chỉ số định giá P/E của VN-Index quanh mức 10–10,7 lần (tức là, ngưỡng trung bình 10 năm trừ đi hai độ lệch chuẩn) là cơ hội tốt để tích lũy các cổ phiếu có tính chất phòng thủ và có định giá hấp dẫn. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất gia tăng, định giá hiện tại của VN-Index đang đối mặt với nhiều sự bất định. Do đó, MAS cho rằng vẫn cần thêm thời gian để thu hút dòng tiền tham gia vào thị trường.

Việc các ETF mua ròng trong tháng 10 (trị giá 41 triệu USD) được coi là điểm sáng nhất trên thị trường chứng khoán, phần nào giúp giảm bớt đà giảm của thị trường. Trong đó, dòng vốn chủ yếu đến từ Fubon FTSE Vietnam ETF (35 triệu USD). Tính từ đầu năm, dòng vốn ròng từ các quỹ ETF là 371 triệu USD, trong đó Fubon mua ròng 288 triệu USD.

MAS kỳ vọng thị trường sẽ tìm được điểm cân bằng trong tháng 11 trên cơ sở: 1) Sự phục hồi gần đây của các thị trường tài chính trên thế giới; 2) Tâm lý nhà đầu tư cải thiện; 3) Kỳ vọng Fed sẽ giảm tốc độ tăng lãi suất trong tháng 12; và 4) Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ phục hồi sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp thực hiện zero-COVID, cũng như được thúc đẩy bởi chuyến thăm Trung Quốc gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Về ngành được quan tâm, MAS đánh giá có bất động sản khu công nghiệp. Theo báo cáo thị trường của Cushman & Wakefield trong quý 3/2022, tại thị trường KCN phía Nam, tỷ lệ lấp đầy của các KCN được duy trì ở mức cao quanh 88% với tổng diện tích đất công nghiệp đạt 27,780ha (không có nguồn cung mở mới). Trong thời gian tới, thị trường KCN phía Nam dự kiến đón thêm nguồn cung mới đến từ một số dự án tiêu biêu như: KCN VSIP 3 (1000 ha), KCN NTC3 – mở rộng (346 ha), KCN Phước An (330 ha),…

Với bán lẻ, áp lực lạm phát tăng dần ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng ngành trong ngắn hạn. Lạm phát đến cuối tháng 10/2022 ghi nhận mức tăng tăng 4,16% so với tháng 12/2021 và tăng 4,3% cùng kỳ do các tác nhân chính: 1) tăng giá của các dịch vụ giáo dục do kết thúc các chương trình giảm học phí liên quan đến dịch COVID cũng như giá điều chỉnh tăng tại một số địa phương; và 2) nhu cầu thuê tăng dẫn đến giá thuê tăng cũng như giá dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng nhà tăng. Nhìn chung, tuy lạm phát sẽ gây một áp lực nhất định lên tiêu thụ nội địa trong ngắn hạn, MAS vẫn giữ quan điểm tích cực đối với tăng trưởng của ngành bán lẻ nói chung nhờ sự vượt trội của các yếu tố tích cực so với tiêu cực.

Với Công nghệ thông tin, trong chương trình chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định 749/QĐ-TTg, Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP đến năm 2025 và 30% GDP đến năm 2030 (từ mức 5% GDP trong năm 2019). Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết ngành công nghệ thông tin duy trì khả quan, nhờ vào nhu cầu chuyển đổi số vẫn tiếp tục mạnh mẽ trong 9 tháng đầu năm 2022.

Với Ngân hàng, NIM có thể giảm nhẹ. Việc thắt chặt tính sách tiền tệ và nâng lãi suất sẽ làm gia tăng chi phí huy động của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, theo quan sát, các NHTM cũng đã điều chỉnh lãi suất huy động (mốc tham chiếu cho việc tính lãi suất cho vay) từ giữa năm 2022, vì vậy, MAS cho rằng ảnh hưởng của việc tăng lãi suất lên NIM của ngân hàng sẽ không quá tiêu cực…

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

PVcomBank tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2024.

PVcomBank tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2024

Ngày 20/4/2024, tại Quảng Ninh, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức thành công Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2024. Bên cạnh báo cáo về kết quả đạt được trong công tác quản trị, điều hành, các lĩnh vực hoạt động kinh doanh trong năm 2023, PVcomBank đã thông qua Đại hội nhiều nội dung quan trọng khác.

Chat với BizLIVE