AA VinaCapital, Gamuda Land kiến nghị gỡ khó về đầu tư dự án bất động sản tại TP.HCM

AA VinaCapital đã rót 450 tỷ đồng vào dự án nhưng hiện không triển khai được do chờ điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư, trong khi Gamuda Land gặp khó với các thủ tục hành chính...
Gamuda gặp khó tại dự án Celadon City
Gamuda gặp khó tại dự án Celadon City

Rót 450 tỷ, chờ điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư

Công ty TNHH AA VinaCapital vừa có kiến nghị gửi UBND TP.HCM gỡ khó trong thực hiện dự án trên Lô đất số C7A-01, Khu đô thị mới Nam Thành phố, phường Tân Phú, quận 7.

Công ty nêu, lô đất tại số C7A-01 diện tích 2.475 m2 có nguồn gốc là đất đã được Công ty TNHH AA VinaCapital ký Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất ngày 2/6/2008 với Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng tại Phòng Công chứng Số 2.

Công ty AA VinaCapital đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền thuê đất 1 lần cho cả thời gian thuê với số tiền 87,44 tỷ đồng theo Hóa đơn số 015123 ngày 15/3/2008 của Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng, và đã được cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất ngày 27/10/2010. Các nghĩa vụ tài chính liên quan đến thửa đất này cũng đã được Công ty Tân Thuận và Công ty Phú Mỹ Hưng thực hiện đầy đủ với Nhà nước.

Quy hoạch chi tiết 1/500 của Công trình tại Lô đất số C7A-01 đã được Ban Quản lý Khu Nam phê duyệt theo Quyết định số 107/QĐ-BQLKN ngày 20/11/2012. Trong thời gian qua, Công ty đã thực hiện điều chỉnh một số thủ tục về đầu tư xây dựng và đến nay đã hoàn thành 90% các thủ tục liên quan, chỉ chờ khâu cuối cùng là cấp phép xây dựng để có thể tiến hành đầu tư xây dựng ngay.

Tuy nhiên đến nay, Công ty vẫn không thể triển khai thi công xây dựng do các vướng mắc kéo dài về thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án tại Sở Kế hoạch đầu tư, đã kéo dài trên 24 tháng, từ tháng 2/2020 đến nay vẫn chưa hoàn tất.

AA VinaCapital cho biết, trong suốt quá trình tiến hành các thủ tục xin cấp phép xây dựng nêu trên, Công ty không nhận được yêu cầu, hướng dẫn của các cơ quan chức năng về việc điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của dự án.

Đến ngày 5/2/2020, Công ty AA VinaCapital có đơn đề nghị cấp phép xây dựng gửi Ban Quản lý Khu Nam để hoàn thành khâu pháp lý cuối cùng để triển khai ngay dự án trong quý 1/2020. Lúc này, Ban Quản lý Khu Nam có yêu cầu Công ty liên hệ Sở Kế hoạch và Đầu tư điều chỉnh lại Giấy chứng nhận đầu tư do nguồn gốc dự án nêu trên.

Ngày 20/2/2020, Công ty TNHH AA VinaCapital đã nộp hồ sơ tại Sở Kế hoạch Đầu tư để điều chỉnh tiến độ dự án theo giấy chứng nhận đầu tư và đã đóng tiền phạt vi phạm hành chính là 35 triệu đồng theo Quyết định số 61/QĐ-XPVPHC ngày 23/6/2020 của Thanh tra Sở Kế hoạch Đầu tư, tuy nhiên đến nay thủ tục điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết xong. Do đó đến nay doanh nghiệp vẫn chưa thể triển khai xây dựng dự án.

Công ty đã liên hệ và làm việc với Sở Kế hoạch Đầu tư từ tháng 2/2020 đến nay và đã liên tục cung cấp hồ sơ liên quan đến dự án, giải trình về việc trường hợp đối với Công ty TNHH AA VinaCapital hiện nay đã là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư trong nước (không phải là doanh nghiệp nước ngoài) nên việc duy trì hiệu lực của Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài trước đây là không còn cần thiết.

Do đó, AA VinaCapital đã đề nghị các cơ quan có văn bản hướng dẫn các thủ tục để dự án được triển khai đầu tư, xây dựng theo hồ sơ cấp phép đối với dự án 100% vốn trong nước. Tuy nhiên đến nay sau hơn 24 tháng, hồ sơ của doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết xong.

Công ty cho biết đã đầu tư vào dự án 450 tỷ đồng và trong hơn 3 năm qua Công ty đã nỗ lực thực hiện mọi thủ tục cần thiết để triển khai xây dựng ngay khi tiếp nhận từ các thành viên góp vốn cũ.

Theo đó, AA VinaCapital đề nghị UBND TP giao cho Sở Kế hoạch Đầu tư xem xét chấp thuận điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư, giúp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện để dự án được cấp phép xây dựng và sớm đi vào hoạt động.

Gỡ khó loạt thủ tục hành chính

Là trường hợp gặp khó của Công ty Gamuda Land tại dự án Khu liên hiệp thể dục thể thao và dân cư Tân Thắng (Celadon City), quận Tân Phú, TP.HCM.

Công ty đề cập, trước đây, do kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đề nghị UBND TP thu hồi số tiền 514 tỷ đồng (là số tiền Công ty đã ứng cho Nhà nước để bồi thường giải phóng mặt bằng đối với 34,6 ha đất giao thông cây xanh mặt nước) với quan điểm cho rằng TP đã khấu trừ khoản tiền này vào tiền sử dụng đất là không đúng quy định.

Do đó UBND TP đã yêu cầu các Sở ban ngành sử dụng biện pháp hành chính như không cho thực hiện cấp Giấy phép xây dựng; không cho chuyển nhượng dự án; không làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở cho các hộ dân tại dự án và cưỡng chế thuế để thu hồi số tiền nêu trên, nên Công ty đã phải nộp 93 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Công ty Gamuda đã làm đơn kiến nghị không thu hồi số tiền 514 tỷ gửi đến Thủ tướng Chính phủ và thông qua Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam để gửi Công hàm đến Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng đã chỉ đạo thành lập đoàn công tác do Thanh tra Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trì để xem xét kiến nghị của Công ty.

Sau khi Đoàn công tác vào kiểm tra và đánh giá lại đã có báo cáo số 548/BTNMT-TTr ngày 01/2/2021, trong đó có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không thu hồi số tiền 514 tỷ và kiến nghị TP.HCM tháo gỡ các thủ tục pháp lý cho Công ty.

Căn cứ Báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đã giao lại cho Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính để có văn bản hướng dẫn UBND TP.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Công văn số 492/BTNMT-TTr ngày 16/11/2021 gửi TPHCM, tiếp đó TP đã đã giao cho Sở Tài nguyên Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Thanh tra Thành phố, Cục thuế Thành phố nghiên cứu đề xuất báo cáo TP trong tháng 01/2022.

Tuy nhiên đến nay, Sở Tài nguyên Môi trường vẫn chưa có báo cáo đề xuất với UBND TP và do chưa có ý kiến của TP nên Công ty hiện chưa được tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính tại dự án như đã nêu trên đây.

Theo đó, Công ty Gamuda đề nghị UBND TP chỉ đạo các Sở, ngành khẩn trương xem xét hỗ trợ Công ty thực hiện các thủ tục hành chính. Cụ thể, đề nghị Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với Khu A5 và Khu A6; Đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường ký Phụ lục Hợp đồng thuê đất cho khu trường học C1 và đổi tên cho trường Quốc tế Á Châu trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thủ tục chuyển nhượng dự án; Đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường tiếp tục cấp Giấy chứng nhận vẫn cấp Giấy chứng nhận cho các căn hộ Ruby (Khu A2); Đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường cập nhật tài sản trên đất cho Khu D của dự án; Đề nghị Cục thuế Thành phố xác định đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính cho các hồ sơ thuế của Công ty.

Đọc tiếp

Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn

Dự án Đà Nẵng Times Square đủ điều kiện huy động vốn

Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng yêu cầu chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Kim Long Nam, chịu trách nhiệm về tính chính xác về thông tin và hồ sơ gửi kèm. Đồng thời, phải sử dụng nguồn vốn đã huy động vào đúng mục đích xây dựng nhà ở thương mại tại dự án tháp CT3 và CT7 - Đà Nẵng Times Square.

Nhịp cầu doanh nghiệp

Viglacera đón thêm một khu công nghiệp nghìn tỷ

Viglacera đón thêm một khu công nghiệp nghìn tỷ

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 234/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Dốc Đá Trắng, tỉnh Khánh Hòa.

Chuyên gia Savills: Nhà đầu tư nước ngoài ngày càng cởi mở hơn khi đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam

Chuyên gia Savills: Nhà đầu tư nước ngoài ngày càng cởi mở hơn khi đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam

Nếu như trước đây nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính dồi dào chủ yếu ưu tiên phương án đầu tư chiếm quyền kiểm soát, thì giờ đây họ cởi mở hơn với nhiều hình thức đầu tư khác nhau, từ đầu tư tài chính, góp vốn, tới việc hợp tác kinh doanh … để khai thác tối đa tiềm năng thị trường Việt Nam.

TS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

Đề xuất xây nhà ở xã hội chỉ cho thuê

Chuyên gia cho rằng cần xác định đúng hơn mục tiêu phát triển nhà ở xã hội là giải quyết nhu cầu về chỗ ở cho những người có thu nhập thấp hay giải quyết nhu cầu sở hữu nhà ở của người thu nhập thấp.

Chat với BizLIVE