ADB nói gì về thị trường trái phiếu và vì sao Việt Nam chưa tăng lãi suất điều hành?

Nhóm đối tượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất Việt Nam chủ yếu là các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, tổng số hai nhóm này chiếm khoảng 55,5% tổng quy mô thị trường trái phiếu đồng nội tệ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày 14/9, ngân hàng ADB công bố báo cáo giám sát trái phiếu châu Á trong đó có nội dung phân tích và nhìn nhận lại về thị trường trái phiếu Việt Nam.

Theo ADB, lợi suất trái phiếu chính phủ đồng nội tệ tại Việt Nam đối với tất cả các thời hạn tăng trong khoảng thời gian từ ngày 15/6 cho đến ngày 15/8, chính vì vậy đường cong lợi suất điều chỉnh theo hướng đi lên.

Lợi suất với trái phiếu thời hạn từ 3 năm trở xuống tăng mạnh nhất, mức tăng trung bình ước tính 81 điểm cơ bản, còn lợi suất trái phiếu thời hạn từ 5 năm trở lên tăng trung bình 23 điểm cơ bản trong khoảng thời gian trên.

Đường cong lợi suất trái phiếu diễn biến phẳng khi mà lợi suất của trái phiếu các kỳ hạn ngắn hơn tăng nhanh hơn, chênh lệch lợi suất trái phiếu thời hạn 10 năm so với 2 năm thu hẹp còn từ 121 điểm cơ bản vào ngày 15/6/2022 cho đến 54 điểm cơ bản vào ngày 15/8/2022.

Diễn biến lợi suất trái phiếu tại Việt Nam như vậy trái ngược với xu thế chung của khu vực bởi đây là thị trường duy nhất tại khu vực mới nổi Đông Á nơi mà lợi suất tăng khắp đường cong. Lợi suất trái phiếu tăng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đã lựa chọn tối đa hóa chức năng của thị trường mở nhằm quản lý nguồn tiền và ổn định tỷ giá.

SBV đặt mục tiêu giữ lãi suất liên ngân hàng ở mức cao bằng việc áp trần lãi suất trên thị trường mở nhằm duy trì chênh lệch giữa khoản vay được định giá bằng đồng Việt Nam và khoản vay bằng đồng USD. Động thái này cũng gián tiếp khiến cho lợi suất trái phiếu khắp đường cong tăng lên.

Những tháng gần đây, SBV đã khôi phục lại việc phát hành tín phiếu và hạn chế hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng, rút bớt thanh khoản khỏi thị trường.

Lợi suất trái phiếu tăng cũng có nguyên nhân từ việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong quý 2/2022. Tăng trưởng GDP thực trong quý tăng lên mức 7,7% so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng 5,0% của quý 1/2022. Đây là tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất cho đến hiện tại và cao hơn mục tiêu cả năm của chính phủ. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam được hỗ trợ bởi việc xuất khẩu hồi phục và nhiều ngành nghề đồng loạt tăng trưởng.

GDP tăng trưởng mạnh đã giúp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thể điều chỉnh nâng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 lên 7% từ mức 6,0% đến 6,5%.

Không giống các nước mới nổi Đông Á khác, SBV cho đến nay chưa nâng lãi suất mà thay vào đó lựa chọn tối đa hóa các hoạt động của thị trường mở nhằm đạt được mục tiêu của mình. Lạm phát giá cả tiêu dùng hiện vẫn được kiềm chế khá tốt so với nhiều thị trường khác trong khu vực. Dù rằng lạm phát đã leo thang trong những tháng gần đây, nó vẫn dưới mức 4% mục tiêu kiểm soát của Chính phủ cho năm 2022.

Lạm phát giá cả tiêu dùng trong tháng 7 và tháng 8/2022 đã xuống còn lần lượt 3,1% và 2,9% từ mức 3,4% của tháng 6/2022. Chính phủ hoàn toàn tự tin về mục tiêu không để lạm phát vượt quá 4% trong năm nay.

Tính đến cuối tháng 6/2022, tăng trưởng của thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ đạt 8,1% và đạt quy mô ước tính khoảng 99,5 tỷ USD. Mức tăng trưởng này cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng 2,4% của quý trước đó. Mức tăng trưởng nhanh này có sự đóng góp của cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Còn so với cùng kỳ năm trước, thị trường trái phiếu tăng trưởng 31,6% về quy mô, cao hơn so với mức tăng 29,2% của quý 1/2022.

Thị trường trái phiếu đồng nội tệ Việt Nam hiện đang bị áp đảo bởi trái phiếu chính phủ với tỷ trọng 70,2% tổng trái phiếu phát hành tính đến cuối tháng 6/2022. Tỷ lệ 29,8% còn lại chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp, tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp như vậy đã tăng một chút so với mức 29,4% của quý 1/2022.

Tính đến cuối tháng 6/2022, tổng giá trị trái phiếu phát hành bởi 30 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam ước tính khoảng 414,7 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 60,1% thị trường trái phiếu đồng nội tệ. Nhóm đối tượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất Việt Nam chủ yếu là các ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, tổng số hai nhóm này chiếm khoảng 55,5% tổng quy mô thị trường trái phiếu đồng nội tệ.

Ngân hàng BIDV đứng đầu về phát hành trái phiếu, tổng giá trị trái phiếu phát hành ở thời điểm cuối tháng 6/2022 ước tính 53,4 nghìn tỷ đồng. BIDV chiếm khoảng 7,7% tổng trái phiếu doanh nghiệp tính đến cuối quý 2/2022.

Tổng giá trị trái phiếu phát hành trong quý 2/2022 ước tính 69,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng đến 120% so với quý 1/2022 bởi kinh tế hồi phục làm tăng niềm tin của nhà đầu tư. Dẫn đầu danh sách phát hành trái phiếu quý này là các ngân hàng BIDV, sau đó đến MB với tổng giá trị trái phiếu phát hành 9,8 nghìn tỷ đồng và Techcombank với tổng giá trị phát hành 8,0 nghìn tỷ đồng.

Đọc tiếp

Lợi nhuận ngân hàng có thể tăng 15% từ nền thấp năm 2023.

Lợi nhuận ngân hàng có thể tăng 15% từ nền thấp năm 2023

Lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng niêm yết năm 2024 được dự báo tăng trưởng ở mức 15% với giả định Ngân hàng Nhà nước không tăng lãi suất trong năm nay và các ngân hàng lớn đẩy được 90% room tín dụng được giao từ đầu năm.

Chat với BizLIVE