Ấn Độ nỗ lực thu hút đầu tư vào công nghệ thông tin

Ngày 17/5, Ấn Độ đã công bố một chương trình khuyến khích để thu hút đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất phần cứng công nghệ thông tin (CNTT), với việc tăng gấp đôi quy mô của chương trình lên 2 tỷ USD nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất máy tính xách tay và máy tính bảng trong nước.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chương trình áp dụng cho cả sản xuất máy tính cá nhân và máy chủ trên dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho các công ty toàn cầu và Ấn Độ như Dell, Wistron Corp, Dixon và Foxconn. Kế hoạch cũng là chìa khóa cho tham vọng trở thành trung tâm toàn cầu về sản xuất điện tử của Ấn Độ, với mục tiêu đạt sản lượng 300 tỷ USD vào năm 2026.

Kế hoạch sửa đổi sẽ kéo dài hơn 6 năm, trong đó Ấn Độ sẽ hoàn lại tiền cho các nhà sản xuất khi bán hàng hóa sản xuất trong nước vượt mục tiêu hàng năm. Kế hoạch khuyến khích ban đầu được công bố vào tháng 2/2021.

Chính phủ Ấn Độ cho biết, các khoản đầu tư thông qua kế hoạch trên dự kiến sẽ tạo ra hơn 75.000 việc làm.

Trước đó, ngày 25/4, Chính phủ Ấn Độ ra tuyên bố bác bỏ mọi tác động tức thì từ phán quyết của hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng quốc gia Nam Á này đã vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu bằng cách áp thuế đối với một số sản phẩm CNTT.

Năm 2019, EU phản đối việc Ấn Độ áp thuế nhập khẩu từ 7,5% đến 20% đối với nhiều loại sản phẩm CNTT, chẳng hạn như điện thoại di động và linh kiện, cũng như mạch tích hợp, cho rằng chúng đã vượt quá mức tối đa. Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) đã nộp đơn khiếu nại tương tự cùng năm đó.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE