Ấn Độ phanh gấp, gạo Việt Nam sẽ lên giá?

Từ ngày 9/9/2022, Ấn Độ tăng thuế xuất khẩu gạo trắng lên 20% và cấm xuất khẩu gạo tấm, khi đó các nước mua gạo Ấn Độ chuyển sang mua gạo Việt Nam, Thái Lan...
Không chỉ ở thị trường xuất khẩu, giá gạo trong nước cũng được dự báo sẽ tăng lên (Ảnh minh họa)
Không chỉ ở thị trường xuất khẩu, giá gạo trong nước cũng được dự báo sẽ tăng lên (Ảnh minh họa)

Theo hướng đó, trước mắt nhiều khả năng gạo 5% tấm của Việt Nam sẽ quay lại mức giá trên 400 USD/tấn như trước đây. Và đây mới chỉ là một trong nhiều hướng phản ứng dự kiến trên thị trường...

Vì sao phanh gấp?

Theo tờ Business Standard (Ấn Độ), từ ngày 9/9/2022, Chính phủ Ấn Độ thông báo sẽ chính thức áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo non Basmati (gạo trắng) và cấm xuất khẩu gạo tấm.

Ấn Độ là cường quốc xuất khẩu gạo, chiếm 40% thị phần trong thương mại toàn cầu. Động thái trên của chính phủ nước này chắc chắn sẽ tác động lên thị trường gạo thế giới.

Theo số liệu chính thức, Ấn Độ đã xuất khẩu 21,2 triệu tấn gạo trong năm tài chính 2021-2022, trong đó 3,94 triệu tấn là gạo Basmati và xuất khẩu gạo trắng sang hơn 150 quốc gia trị giá 6,11 tỷ USD trong cùng kỳ.

Theo Chính phủ Ấn Độ, do lượng mưa dưới mức trung bình ở các bang sản xuất lúa gạo quan trọng như Tây Bengal, Bihar và Uttar Pradesh đã làm dấy lên lo ngại về sản lượng gạo ở Ấn Độ. Do vậy, hôm thứ Năm (8/9/2022) chính phủ nước này đã áp thuế xuất khẩu 20% đối với gạo trắng, ngoại trừ gạo đồ để tăng nguồn cung trong nước trong bối cảnh diện tích trồng lúa trong vụ Kharif hiện nay giảm.

Lúa là vụ Kharif chính, bắt đầu gieo sạ khi có gió mùa Tây Nam vào tháng 6 và thu hoạch bắt đầu từ tháng 10 trở đi. Sản lượng gạo tăng lên mức kỷ lục 130,29 triệu tấn trong niên vụ trước so với 124,37 triệu tấn trong năm 2020-21.

Ủy ban Thuế gián thu & Hải quan Trung ương Ấn Độ cho biết thêm, việc xuất khẩu “gạo nửa xay hoặc xát toàn bộ, đã hoặc chưa đánh bóng hoặc tráng men (trừ gạo nấu và gạo Basmati)” cũng sẽ bị đánh thuế hải quan 20%. Thuế xuất khẩu sẽ có hiệu lực từ ngày 9/9/2022.

Cựu Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo toàn Ấn Độ Vijay Setia cho biết ông rất hoan nghênh việc áp thuế xuất khẩu lên gạo, bởi lâu nay Ấn Độ đang được xuất khẩu với “giá rất thấp”.

Thuế xuất khẩu sẽ dẫn đến việc giảm các lô hàng gạo trắng khoảng 2-3 triệu tấn, nhưng thu nhập từ xuất khẩu sẽ không thay đổi do mức thuế 20%.

“Đó là một quyết định đúng đắn khi diện tích lúa giảm”, Vijay Setia nói.

Thống kê phía Ấn Độ cho biết, từ tháng 6/2021 đến 6/2022, nước này đã xuất khẩu gạo tấm sang 22 quốc gia, trong đó Việt Nam nhập khẩu gạo tấm Ấn Độ đạt 345 ngàn tấn (chưa tính gạo), đứng thứ ba sau Trung Quốc và Senegan. Tính riêng từ tháng 4/2022 đến tháng 6/2022 Việt Nam nhập khẩu 130 ngàn tấn tấm từ Ấn Độ.

Một số doanh nghiệp gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết, việc Ấn Độ tăng thuế xuất khẩu gạo trắng và cấm xuất khẩu gạo tấm sẽ tạo điều kiện cho giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan tăng lên sau một gian dài ở mức thấp.

“Cơ hội giá gạo xuất khẩu của Việt Nam quay lại mức trên 400 USD/tấn (FOB) là hoàn toàn có thể, tuy nhiên, nếu doanh nghiệp đã lỡ ký hợp đồng bán gạo giá thấp khi giá gạo lên trên 400 USD/tấn sẽ bị thua lỗ, nhưng nếu nói giá gạo lên doanh nghiệp hoàn toàn thua lỗ là không đúng.

Nhìn chung trong kinh doanh có khi lãi, khi lỗ nhưng để giữ chân khách hàng đặc biệt là khách hàng truyền thống dù lãi hay lỗ gì cũng phải giao hàng đầy đủ, đó là vấn đề uy tín của doanh nghiệp”, một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL nói.

Giá gạo sẽ tăng lên

Ông Nguyễn Ngọc Nam – Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, VFA đã nhìn thấy tình hình hạn hán và tồn kho của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực của nước này nên dự đoán, dự báo trước Ấn Độ sẽ sớm có động thái đối với hoạt động xuất khẩu gạo của họ.

Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nên bất kỳ động thái nào của họ về xuất khẩu gạo cũng đều ảnh hưởng đến tình hình lương thực toàn cầu. Do vậy, sắp tới đây khả năng giá gạo trong nước sẽ tăng lên nhưng tăng lên mức độ nào còn tùy thuộc vào tình hình sản xuất và thu hoạch từ nay đến cuối năm.

Trong 8 tháng đầu năm cả nước đã xuất khẩu được gần 4,7 triệu tấn gạo nếu theo kế hoạch xuất khẩu từ 6,3 đến 6,5 triệu tấn trong năm nay mình vẫn còn khoảng 1,5 triệu tấn sẽ xuất khẩu trong quý 4.

Ở ĐBSCL vụ Đông Xuân đã qua, vụ Hè Thu cũng đã thu hoạch xong còn vụ Thu Đông và vụ Mùa sẽ thu hoạch trong thời gian tới, diện tích sản xuất của hai vụ lúa này khoảng 700 ngàn ha nên sản lượng cũng không nhiều. VFA đang liên hệ với Cục Trồng trọt xin số liệu xuống giống và tình hình gieo sạ của các tỉnh phía Bắc để cân đối sản lượng lương thực trong nước.

“Việc Ấn Độ ngừng xuất khẩu gạo tấm và tăng thuế xuất khẩu gạo trắng có khả năng làm cho giá gạo trên thị trường thế giới sẽ tăng lên, do một số nước nhập khẩu gạo của Ấn Độ chuyển sang tìm mua gạo của Việt Nam và Thái Lan, giúp cho thị trường xuất khẩu gạo các tháng cuối năm sôi động hẳn lên. Đây là tín hiệu tốt cho người nông dân trồng lúa trong điều kiện tất cả vật tư nông nghiệp đầu vào đang tăng cao”, Chủ tịch VFA nhận định.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE