Áp lực tỷ giá, lãi suất đè nặng doanh nghiệp sản xuất

Áp lực tỷ giá và lãi suất tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp, đặc biệt ở các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu gặp khó khăn. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp ghi nhận lỗ tỷ giá cả trăm tỷ đồng, có doanh nghiệp phải đi vay nóng để lấy tiền sản xuất, trả lương.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Áp lực tỷ giá với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu

Thời gian gần đây, tỷ giá bán USD tại các ngân hàng thương mại hầu như đều được niêm yết ở mức trần hoặc sát giá trần biên độ mới so với tỷ giá trung tâm. Như sáng nay (24/11), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.671 VND/USD, tỷ giá trần đang ở mức 24.855 VND/USD, trong khi đó, tỷ giá bán ra USD tại các ngân hàng thương mại cũng dao động quanh 24.854 - 24.855 VND/USD. Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã tăng khoảng 8,4%.

Mặc dù đồng USD tăng giá có thể khiến doanh thu xuất khẩu khi được quy đổi sang đồng Việt Nam tăng, giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi. Song, với doanh nghiệp sản xuất phải nhập khẩu nhiều nguyên phụ liệu, nhất là các doanh nghiệp dệt may, phân bón, thép,… việc giá USD tăng lại tạo ra áp lực không nhỏ khi chi phí nhập khẩu, phí vận tải (logistics), kho bãi tăng, đồng thời phải gánh khoản chênh lệch giá rất lớn nếu vay nợ bằng USD.

Điển hình như trường hợp của Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), trong quý 3 vừa qua, doanh nghiệp đầu ngành thép lỗ sau thuế tới 1.786 tỷ đồng. Nguyên nhân ngoài do nhu cầu thép suy yếu, giá nguyên vật liệu lên cao còn bởi tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.

Trong quý 3, chi phí tài chính của Hòa Phát lên tới 2.309 tỷ đồng, tăng gần 139% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lỗ chênh lệch tỷ giá hơn 1.400 tỷ đồng, cao gấp 5,6 lần cùng kỳ.

Đáng chú ý, biến động tỷ giá USD/VND tập trung trong tháng 10 chưa ghi nhận và chưa phản ánh vào báo cáo tài chính quý 3 vừa qua. Tương tự, lãi suất cũng chỉ thực sự nổi sóng với bước tăng lớn trong tháng 10, nên chi phí liên quan còn "hẹn" ở quý 4 khi Hòa Phát có đặc thù vay nợ lớn.

Nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận mức lỗ tỷ giá lớn trong quý 3/2022 do giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng cao (Ảnh minh họa)
Nhiều doanh nghiệp thép ghi nhận mức lỗ tỷ giá lớn trong quý 3/2022 do giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào tăng cao (Ảnh minh họa)

Tại đối thoại "Điều hành tỷ giá USD-VND: Ổn định kinh tế vĩ mô" mới đây, ông Phạm Công Thảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho rằng 2022 là năm thực sự khó khăn với ngành thép, trong đó áp lực tỷ giá cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh ngành này.

Ông Thảo cho biết, trong ngành thép khi tỷ giá tăng sẽ thuận lợi trong việc xuất khẩu. Tuy vậy, thị trường tiêu thụ chính của ngành thép Việt Nam vẫn là thị trường trong nước, xuất khẩu chỉ chiếm một phần. Trong khi đó, phần lớn nguyên liệu sản xuất thép như quặng sắt, thép vụn… đều phải nhập khẩu. Cho nên, tỷ giá tăng sẽ tác động lớn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp nói chung và với Tổng công ty Thép Việt Nam nói riêng.

Ông cũng dẫn chứng khảo sát của Tổng công ty Thép Việt Nam tại những công ty thành viên, đối với những đơn vị có lượng nhập khẩu lớn, chênh lệch tỷ giá có thể thiệt hại 70-80 tỷ đồng trong năm 2022, các đơn vị quy mô vừa và nhỏ hơn thì vài ba chục tỷ.

Ngoài ra, theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, việc cơ quan quản lý nhà nước tăng lãi suất để kiểm soát tỷ giá, cũng ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thép và phản ánh khá rõ nét trong kết quả kinh doanh quý 3 vừa qua.

Tuy không chịu tác động lớn như doanh nghiệp thép, nhưng với các doanh nghiệp sản xuất phân bón, ông Nguyễn Trí Ngọc, Phó chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết, tỷ giá tăng khiến nguyên liệu nhập khẩu đầu vào của nhiều doanh nghiệp tăng. Song bù lại, tỷ giá tăng cũng mang lại nguồn ngoại tệ lớn hơn cho doanh nghiệp nhờ hoạt động xuất khẩu phân bón. Theo đó, năm 2022, các doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu được 1,7 triệu tấn phân bón, thu về khoảng 1,5 tỷ USD.

Ông Ngọc cho biết thêm, hiện công suất thiết kế của các nhà máy phân bón đang vượt nhu cầu trong nước do đó, Hiệp hội Phân bón đang đề xuất tăng xuất khẩu phân bón để phát huy khả năng của các doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp phải đi vay nóng để trả lương là điều khó có thể chấp nhận được”

Bên cạnh vấn đề tỷ giá, ông Ngọc cho rằng động thái tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của cơ quan điều hành là cần thiết nhưng theo ông tăng trong điều kiện như năm nay với tốc độ tăng lãi suất như vừa qua thì e rằng lại có tác dụng ngược lại đối với phục hồi kinh tế sau đại dịch.

“Hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là doanh nghiệp nhỏ, khả năng tiếp cận với các nguồn vốn rất khó khăn. Vừa rồi thậm chí có những doanh nghiệp phải đi vay nóng để xử lý những vấn đề sản xuất, tiền lương. Điều này khó có thể chấp nhận được”, ông Ngọc nói.

Do đó, ông Ngọc kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước xem xét và điều chỉnh lãi suất, doanh nghiệp tiếp cận được vốn mới có thể phát triển và nền kinh tế mới thực hiện được những chỉ tiêu năm 2023.

Còn với ngành dệt may, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 nhận định tỷ giá tăng có lợi cho xuất khẩu, bất lợi cho nhập khẩu chỉ đúng với một số đơn vị đặc thù.

Với May 10, không bị lỗ chênh lệch tỷ giá là điều may mắn. Tuy nhiên doanh nghiệp cũng gặp khó khăn khi từ thời điểm vay đến thời điểm đáo hạn tỷ giá đã tăng ở một mức khác. Trong tháng 9, tháng 10, công ty gặp khó khăn kép khi Ngân hàng Nhà nước hai lần nâng lãi suất điều hành, đồng thời trong tháng 10 tỷ giá tăng lên 4,6%.

Với tốc độ tăng giá của USD so với VND như hiện nay, Tổng giám đốc May 10 cho rằng “nguy cơ ảnh hưởng đến lãi lỗ chênh lệch tỷ giá cho cả nguyên phụ liệu đầu vào, không cẩn thận chưa làm đã lỗ, chưa nói đến lỗ trong khi làm vì doanh nghiệp còn phải trả tiền lương cho người lao động”.

“Hiện nay May 10 đang chịu lãi suất ưu đãi ngắn hạn 7-8%, trung dài hạn trên 10%. Doanh nghiệp làm gì để tăng trưởng 10% một năm, trong khi đó đóng thuế thu nhập doanh nghiệp 20%, vay ngân hàng bình quân lãi suất 8-10%, cùng với việc mọi chi phí đầu vào tăng, mọi thứ rất khó cho doanh nghiệp”, ông chia sẻ và kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước lưu tâm nhiều hơn về những ảnh hưởng của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với doanh nghiệp.

Đồng tình với ý kiến của các doanh nghiệp, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng cần lưu ý vấn đề lãi suất. Theo ông lãi suất cao gấp 3 lần lạm phát thì các doanh nghiệp gặp khó khăn thực sự.

“Tôi hy vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ giải quyết vấn đề này và sẽ có biện pháp tích cực để chỉnh sửa với mục tiêu không được làm mất đà tăng trưởng, không được làm mất đà hồi phục kinh tế. Bây giờ những căng thẳng về tỷ giá hối đoái đã giảm, tôi nghĩ cần tập trung thanh khoản và lãi suất", TS. Lê Xuân Nghĩa nêu quan điểm.

Trong bối cảnh 95% doanh nghiệp đang gặp khó khăn, ngay kể cả những doanh nghiệp cẩn trọng trong kinh doanh, tài chính đều rất khó tiếp cận vốn vị chuyên gia này khuyến nghị cơ quan quản lý cần tính toán bơm tiền ra cho nền kinh tế và nhanh chóng giải phóng vốn đầu tư công.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE