Áp quan điểm về bất động sản nhà ở vào dự án nghỉ dưỡng, sai lầm của chủ đầu tư?

Những dự án bất động sản nghỉ dưỡng hay ngôi nhà thứ hai ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của con người. Không gian của dự án này cần được thiết kế đặc biệt để mang đến cảm giác thư thái cho du khách, theo chuyên gia.
 Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương.

Nghỉ dưỡng phục hồi theo đà của du lịch

Sau 2 năm gần như “đóng băng” vì bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid -19, từ đầu năm 2022 đến nay, ngành du lịch Việt Nam bắt đầu phục hồi trở lại.

Thời gian qua, tần suất chuyến bay nội địa đã quay trở lại mức năm 2019. Theo công bố từ Cục Hàng không Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường nội địa đạt 20,8 triệu khách, tăng 58,4% so cùng kỳ 2021 và thậm chí tăng 12% so cùng kỳ năm 2019.

Bên cạnh đó, các hãng hàng không tại Việt Nam đã chuyển hướng khai thác sang các thị trường tiềm năng như Ấn Độ và mở rộng đường bay tại các thị trường quen thuộc như Hàn Quốc, Singapore và Malaysia.

Đây là một tín hiệu khả quan trong bối cảnh thị trường quốc tế có tốc độ hồi phục chậm do nhiều quốc gia, khu vực vẫn đang áp dụng các quy định hạn chế đi lại nhằm phòng chống dịch Covid-19.

Theo đà phục hồi của ngành du lịch, hoạt động của thị trường khách sạn cũng được cải thiện. Báo cáo mới nhất của Savills đã ghi nhận công suất thuê phòng tại Hà Nội trung bình tăng 16 điểm % theo năm, so với mức 27% của cùng kỳ 2021. Tại TP.HCM, công suất trung bình cũng đạt 39%, tăng lên từ mức 18% của cùng kỳ 2021.

Theo ông Mauro Gasparotti, Giám đốc, Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, thị trường nghỉ dưỡng đang dần hoạt động sôi động trở lại. Một số khách sạn trong thành phố đã cải thiện công suất nhờ nhu cầu di chuyển và công tác của các khách du lịch và chuyên gia tới Việt Nam.

Một số thị trường mới như Ấn Độ đã xuất hiện loại hình du lịch giải trí. Các thị trường nghỉ dưỡng ven biển có tỷ lệ lấp đầy cao, đặc biệt là đối với phân khúc hạng sang.

Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn đang đứng trước một số hạn chế để có những bước tiến nổi bật. Bên cạnh các vấn đề toàn cầu như lạm phát, sự sụt giảm của du khách Trung Quốc và căng thẳng chính trị, một thách thức lớn mà du lịch nước nhà đang phải đối mặt là sự dư thừa nguồn cung.

Trải nghiệm dịch vụ cần được đưa lên vị trí hàng đầu

Theo như chuyên gia từ Savills Hotels, hiện nay các dự án trên thị trường chủ yếu chú trong về quy mô và sản phẩm bán. Nhiều điểm du lịch có mật độ xây dựng dày đặc, đòi hỏi mỗi dự án cần xây dựng được bản sắc riêng. Đồng thời, các loại hình sản phẩm lưu trú cần được làm đa dạng, kèm theo đó chất lượng quản lý vận hành cũng cần được nâng cao.

Theo vị chuyên gia Savills, với thị trường bất động sản nghỉ dưỡng thì việc trải nghiệm dịch vụ phải được ưu tiên hàng đầu. Tuy việc trải nghiệm khách hàng là điểm then chốt trong ngành du lịch nghỉ dưỡng nhưng hiện nay việc thiết kế và khai thác yếu tố này còn nhiều hạn chế tại Việt Nam.

Nguyên nhân có thể đến từ việc áp dụng quan điểm về bất động sản nhà ở lên phân khúc nghỉ dưỡng. Tại một dự án bất động sản nhà ở như chung cư hay nhà phố, quá trình sinh hoạt hàng ngày của cư dân sẽ là yếu tố được chủ đầu tư chú trọng. Trải nghiệm ấy được mang đến bởi hệ thống tiện ích phục vụ các nhu cầu thường nhật, cùng dịch vụ quản lý vận hành ổn định và chuyên nghiệp.

Trong khi đó, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng hay ngôi nhà thứ hai, ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của con người. Không gian của dự án này cần được thiết kế đặc biệt để mang đến cảm giác thư thái cho du khách.

Do đó, hướng tiếp cận sai có thể sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, điển hình là sự xuất hiện của những dự án có tổng thể kém hiệu quả: thiếu điểm nhấn, thiếu tiện ích chất lượng và không tạo được không gian thư giãn cho khách hàng. Những dự án như vậy sẽ gặp khó khăn trong việc thu hút du khách, dẫn tới nguồn cung dư thừa trong khi nhu cầu của khách hàng lại không được đáp ứng.

Theo ông Giám đốc Savills Hotels châu Á Thái Bình Dương, điều quan trọng nhất là phải thay đổi cách tiếp cận từ “khai thác tối đa không gian” của bất động sản chung cư sang “chú trọng trải nghiệm khách hàng” của ngành nghỉ dưỡng.

“Nếu chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách hàng, chúng ta có dễ dàng thúc đẩy nguồn cầu và thậm chí có thể tạo ra nguồn khách hàng trung thành. Nếu du khách yêu thích trải nghiệm tại điểm đến, họ sẽ quay lại thường xuyên và thậm chí mua bất động sản tại đó. Điều này là cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra câu hỏi làm thế nào để không ngừng đem đến giá trị cho khách hàng”, vị chuyên gia Savills chia sẻ.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE