ASEAN thúc đẩy xây dựng "hệ sinh thái" thanh toán khu vực

Theo một số nghiên cứu, thị trường thanh toán kỹ thuật số đang bùng nổ của ASEAN dự kiến sẽ đạt 2.000 tỷ USD tính theo giá trị giao dịch vào năm 2030.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhận thức được những lợi ích tiềm năng của việc sử dụng đồng nội tệ, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phục hồi tài chính, tăng cường hội nhập tài chính khu vực và củng cố chuỗi giá trị khu vực.

Để đạt được những mục tiêu này, các nhà lãnh đạo ASEAN cam kết tận dụng các cơ hội mới nổi do đổi mới mang lại, để tạo điều kiện thanh toán xuyên biên giới liền mạch và an toàn, có tính đến đặc thù của mỗi quốc gia.

Vai trò của công nghệ và tiền kỹ thuật số

Công nghệ đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực trong ASEAN bằng cách cho phép các hệ thống và dịch vụ thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, rẻ hơn, an toàn hơn, minh bạch và toàn diện sử dụng đồng nội tệ.

Sử dụng mã phản hồi nhanh (QR), ứng dụng di động và nền tảng kỹ thuật số giúp nâng cao hiệu quả và sự thuận tiện trong giao dịch nội tệ giữa các nước ASEAN. Những công nghệ này cũng hỗ trợ phát triển và tích hợp thị trường nội tệ, cải thiện tính thanh khoản, tiếp cận thị trường và hài hòa hóa cơ sở hạ tầng và tiêu chuẩn thanh toán.

Theo một số nghiên cứu, thị trường thanh toán kỹ thuật số đang bùng nổ của ASEAN dự kiến sẽ đạt 2.000 tỷ USD tính theo giá trị giao dịch vào năm 2030.

Các loại tiền kỹ thuật số, bao gồm cả tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) mang đến cơ hội và thách thức cho kết nối thanh toán khu vực. Những công cụ này cung cấp một phương tiện thanh toán thay thế không phụ thuộc vào trung gian, biên giới và tỷ giá hối đoái.

Tuy nhiên, giải quyết các vấn đề về quy định, pháp lý và hoạt động là rất quan trọng để đảm bảo sự an toàn, ổn định và bền vững của các loại tiền kỹ thuật số trong ASEAN.

ASEAN phải đầu tư vào các công nghệ và nền tảng kỹ thuật số để đảm bảo kết nối thanh toán xuyên biên giới liền mạch và an toàn, đồng thời đạt được khả năng tương tác và tiêu chuẩn hóa giữa các quốc gia thành viên.

Điều này sẽ thiết lập một hệ sinh thái thanh toán khu vực linh hoạt và kết nối phù hợp với tầm nhìn của ASEAN về hội nhập tài chính mạnh mẽ hơn, cải thiện dòng chảy đầu tư và thương mại khu vực cũng như nâng cao chuỗi giá trị khu vực.

Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực trong ASEAN

Các nước ASEAN đang có những bước tiến đáng kể trong kết nối thanh toán khu vực và thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ. Indonesia (In-đô-nê-xi-a), Singapore (Xin-ga-po), Malaysia (Ma-lai-xi-a), Thái Lan và Philippines (Phi-líp-pin) đã ký Biên bản ghi nhớ, ưu tiên các hệ thống thanh toán xuyên biên giới, khung thanh toán nội tệ, nền tảng thanh toán kỹ thuật số và tài chính toàn diện.

Ngoài ra, các quốc gia như Brunei Darussalam (Bru-nây), Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar (Mi-an-ma), Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã thực hiện các khuôn khổ thanh toán nội tệ song phương dựa trên Hướng dẫn ASEAN.

Các khuôn khổ này cho phép sử dụng đồng nội tệ cho các giao dịch xuyên biên giới liền mạch. Để tăng cường hơn nữa khả năng kết nối, ASEAN đang khám phá các giải pháp thanh toán tức thời dựa trên QR.

Một số ví dụ chứng minh những nỗ lực gắn kết để tăng cường kết nối thanh toán khu vực trong ASEAN. Chẳng hạn, hệ thống QR của NETS và DuitNow hỗ trợ thanh toán bán lẻ giữa Singapore và Malaysia thông qua quét mã QR.

Tương tự, dịch vụ PayNow và DuitNow cho phép chuyển tiền theo thời gian thực giữa cả hai quốc gia bằng cách sử dụng số điện thoại di động của người nhận.

Dịch vụ PayNow và UPI tạo điều kiện chuyển tiền giữa các tài khoản giữa Singapore và Ấn Độ, trong khi PromptPay và DuitNow cho phép chuyển tiền ngay lập tức giữa Thái Lan và Malaysia.

Dịch vụ thanh toán đa quốc gia bằng mã QR được triển khai

Dịch vụ thanh toán đa quốc gia bằng mã QR được triển khai

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng trung ương Thái Lan đã cùng ra mắt dịch vụ thanh toán QR cho các giao dịch xuyên biên giới. Ngoài ra, Ngân hàng Indonesia và Cơ quan tiền tệ Singapore hợp tác về liên kết thanh toán QR xuyên biên giới để tăng cường hơn nữa kết nối thanh toán trên toàn ASEAN.

Những sáng kiến này tận dụng mã QR, ứng dụng di động và nền tảng kỹ thuật số để cải thiện hiệu quả, bảo mật và tiện lợi của các giao dịch xuyên biên giới. ASEAN đặt mục tiêu tạo ra một hệ sinh thái thanh toán khu vực kết nối và hiệu quả hơn thông qua những tiến bộ công nghệ này.

Trách nhiệm, thời hạn và kỳ vọng của Nhóm đặc trách

Các nhà lãnh đạo ASEAN cũng đã nhất trí thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ cho các giao dịch xuyên biên giới trong khu vực. Động thái này nhằm giảm sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ quốc tế lớn, tăng cường ổn định tài chính và tránh tác động lan tỏa tiềm tàng từ các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Để thúc đẩy kết nối thanh toán trong khu vực, các nhà lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thành lập một Nhóm công tác vào tháng 5/2023 để chịu trách nhiệm nghiên cứu tính khả thi, lợi ích, thách thức và phương thức thực hiện Khung giao dịch tiền tệ địa phương ASEAN.

Nhóm đặc trách sẽ phát triển một khuôn khổ dự thảo cung cấp hướng dẫn, khuyến nghị để thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch xuyên biên giới.

Nhóm này dự kiến sẽ đệ trình báo cáo và dự thảo khung vào cuối năm 2024. Khung phải toàn diện và thiết thực, tùy thuộc vào mức độ phát triển, mức độ sẵn sàng và năng lực khác nhau giữa các nước ASEAN.

Điều này phải phù hợp với các sáng kiến và khuôn khổ liên quan khác của khối, chẳng hạn như Kế hoạch chi tiết xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, Khuôn khổ Phục hồi Toàn diện ASEAN và Sáng kiến Kết nối Thanh toán ASEAN.

"Hệ sinh thái" thanh toán ASEAN

Cam kết của ASEAN trong việc thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và thúc đẩy các giao dịch bằng đồng nội tệ thể hiện cam kết tăng cường hội nhập kinh tế khu vực.

Hiệp hội đặt mục tiêu thiết lập một hệ sinh thái thanh toán linh hoạt và kết nối với nhau bằng cách nắm lấy sự đổi mới và vượt qua các thách thức công nghệ.

Thông qua việc thành lập Nhóm đặc trách và không ngừng nỗ lực, ASEAN có vị trí thuận lợi để tăng cường hội nhập tài chính, thúc đẩy đồng nội tệ và thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế khu vực.

Bằng cách khai thác công nghệ, khám phá các loại tiền kỹ thuật số và phù hợp với các sáng kiến có liên quan, ASEAN có thể đạt được các khoản thanh toán xuyên biên giới nhanh hơn, toàn diện hơn trong khi xem xét các hoàn cảnh khác nhau giữa các quốc gia thành viên.

Theo Vnanet

Đọc tiếp

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

OPEC+ đã "đặt cược" đúng

Khi OPEC công bố duy trì cắt giảm sản lượng nhưng giá dầu vẫn giảm, các nhà phân tích cho rằng động thái của họ không có hiệu quả. Tuy nhiên, thị trường đang xoay chiều.

Chat với BizLIVE