Ba điểm đáng chú ý tại Vietcombank

Trong đó, một khoảng trống từ 2020 đã được lấp đầy và gia tăng trở lại…
Chiến dịch miễn phí chuyển tiền nội và ngoại mạng từ 2022 dự kiến sẽ là cú huých cho CASA tại Vietcombank
Chiến dịch miễn phí chuyển tiền nội và ngoại mạng từ 2022 dự kiến sẽ là cú huých cho CASA tại Vietcombank

Dự kiến cuối tuần này Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ công bố báo cáo tài chính quý 4/2021. Theo tìm hiểu của BizLIVE, kết quả năm qua của Vietcombank tiếp tục củng cố ở một số chỉ tiêu cơ bản như dẫn đầu hệ thống về lợi nhuận cũng như đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Kết quả chung đó quen thuộc tại ngân hàng lớn này các kỳ công bố vừa qua. Mới hơn, có ba điểm đáng chú ý trên nền chung này.

Thứ nhất, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã tăng trở lại, từ 29% năm 2020 lên 32,2% năm 2021.

Với 1.154.000 tỷ đồng số dư huy động vốn cuối năm qua, tỷ trọng trên tạo nguồn vốn chi phí thấp lên tới khoảng 371.588 tỷ đồng, bằng cả tổng quy mô vốn huy động của 2-3 ngân hàng thương mại tầm trung trong hệ thống.

Nhưng sự chú ý có ở hướng cải thiện. Năm 2020, CASA tại Vietcombank từng ghi nhận sự sụt giảm. Một yếu tố lớn được nhìn vào lợi thế riêng có hàng chục năm qua đã bị “loại trừ”: tiền gửi thanh toán không kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước đã hầu như rút hết, kết chuyển về tài khoản của tổ chức này để tại Ngân hàng Nhà nước.

Dữ liệu các kỳ trong lịch sử cho thấy, nguồn tiền không kỳ hạn trên rút đi đã để lại khoảng trống đáng kể trong cơ cấu CASA của nhà băng này. Và như trên, sau khoảng một năm, khoảng trống đó không những được lấp đầy mà CASA đã tăng trở lại, cao hơn cả thời điểm còn có lợi thế trên (quanh 30%).

Thứ hai, như thông tin công bố vừa qua, tỷ lệ trích lập dự phòng bao nợ xấu tại Vietcombank đã lên tới 424% - mức cao nhất lịch sử của thành viên này cũng như của toàn hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Giữa năm 2021, tỷ lệ bao phủ này từng suy giảm so với cuối 2020, nhưng đã nhanh chóng tăng trở lại và đạt kỷ lục trên. Vietcombank lý giải, nguyên do chính là sự chủ động trích lập luôn 100% dự phòng đối với nợ được cơ cấu lại (mà không phải chuyển nhóm) cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, chứ không rải dần ra ba năm sau như cơ chế hiện hành.

Thứ ba, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của Vietcombank đã giảm được từ mức 33% trong năm 2020 xuống còn 31% đến cuối năm qua.

Kéo được CIR xuống mức thấp, ở nhìn nhận tương đối, hiệu quả hoạt động của ngân hàng càng cao; mỗi đồng thu nhập không đòi hỏi chi phí lớn như trước. Tuy nhiên, có những giai đoạn do yêu cầu tập trung đầu tư cho nền tảng hoặc hoạt động, lĩnh vực nào đó, CIR có thể ở mức cao mà không hẳn phản ánh hiệu quả bị hạn chế đi.

Trao đổi với BizLIVE, một lãnh đạo cấp cao của Vietcombank lý giải rằng, những năm vừa qua họ đã đẩy mạnh đầu tư cho chuyển đổi số, phát triển ngân hàng số. Đến nay, độ trễ đầu tư được rút ngắn và thể hiện dần giá trị vào những chỉ số trên, như ở CASA và CIR.

Liên quan, từ đầu năm 2022 này, Vietcombank bắt đầu mở chiến dịch miễn toàn bộ phí chuyển tiền nội và ngoài hệ thống cho khách hàng cá nhân qua kênh ngân hàng số. Đây dự báo sẽ là cú huých mới để nhà băng này cạnh tranh thu hút khách hàng, tiếp tục gia tăng CASA thời gian tới.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE