Ba vấn đề quan trọng hơn cả tăng trưởng

Ba vấn đề quan trọng hơn cả tăng trưởng

TS. Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia tin tưởng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023, nhưng có những vấn đề còn quan trọng hơn…

Trong đó, theo nhận định của TS. Trần Du Lịch, phải làm sao giám sát hiệu quả thị trường tài chính và bất động sản, củng cố niềm tin của người dân và nhà đầu tư.

Thưa ông, với những gì đã thể hiện, 2022 là một năm đầy biến động trên các thị trường, trong đó hẳn có những bất ngờ?

Trước hết, tôi cho rằng nếu xét tổng thể nền kinh tế qua các con số thì năm 2022 là thành công. Chúng ta có bất ngờ với những tác động tiêu cực từ bên ngoài? Tôi có tham gia một số phiên họp của Chính phủ thì thấy không hoàn toàn bất ngờ, Chính phủ cũng chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó. Nếu hoàn toàn bất ngờ thì chúng ta không thể nào chống chịu, vượt qua được giai đoạn vừa rồi, để đồng Việt Nam không mất giá mạnh, lạm phát phát kiểm soát được ở mức 4%. Tôi cho rằng thành công.

Tuy nhiên, không bất ngờ nhưng chuẩn bị để hỗ trợ lại yếu. Đó là sự giảm sút một số ngành công nghiệp dẫn tới tình trạng lao động mất việc làm, đặc biệt ở phía Nam. Đó là các chính sách ứng phó chậm làm ảnh hưởng tâm lý.

Tóm lại, chúng ta có dự báo những bất ổn, có đề xuất tính toán sức chống chịu của nền kinh tế nhưng các giải pháp đồng bộ kịp thời thì chậm. Triển khai gói hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch cũng chậm, mà tôi từng phát biểu là “cấp cứu mà xe cấp cứu không dám chạy”.

Như ông đánh giá ở trên, và thực tế nhiều chính sách lớn đã phải đặt ra điều chỉnh, sửa đổi trong năm 2022. Ông nói gì về điều này?

Năm 2022 Chính phủ có một số việc lớn, trong đó, Nghị quyết 11 triển khai phục hồi kinh tế là bao trùm nhất.

Thứ hai, tôi đánh giá rất cao phiên họp bất thường của Quốc hội đầu tháng 1 để xử lý toàn bộ các dự án liên quan đầu tư công và cơ chế đặc thù để xử lý đường cao tốc phía Đông. Vừa qua, lĩnh vực giao thông mang tính đột phá, không phải vốn đầu tư mà là thể chế.

Thứ ba, dù gặp trở ngại khó khăn nhưng vấn đề chấn chỉnh thị trường bất động sản, nếu xét ngắn hạn thì có vấn đề nhưng trung dài hạn thì không thể không làm, nếu để càng lâu càng phức tạp hơn.

Cuối cùng, tôi đánh giá cao nếu xét tổng thể hoạt động đối ngoại Việt Nam làm tốt, tạo uy tín quốc gia. Ngày nay phải tạo thế quốc gia, đó là quan trọng.

Còn vấn đề chính sách tiền tệ, siết tín dụng, tôi cho rằng đó là điều hành linh hoạt…

Ông có thể đánh giá những khác biệt của Việt Nam hiện nay so với các giai đoạn khó khăn thử thách trước đây?

Hoàn toàn khác. Thứ nhất, tiềm lực kinh tế Việt Nam bây giờ so với 10 năm trước khác nhau xa. Thứ hai, sức mạnh hệ thống ngân hàng Việt Nam được củng cố, khác trước. Dự trữ quốc gia hoàn toàn khác xa, tiềm lực doanh nghiệp cũng vậy. Đặc biệt tầng lớp trung lưu của Việt Nam bây giờ phát triển khác nhiều.

Thế và lực nền kinh tế Việt Nam nay khác hoàn toàn, với thị trường 100 triệu dân. Chưa kể Việt Nam là nước tham gia các hoạt động thương mại song phương, đa phương có thể nói nhiều nhất thế giới…

Tôi nghĩ rằng những khó khăn hiện nay có một số điểm giống giai đoạn trước, nhưng một số điểm không hoàn toàn giống. Giai đoạn 2008-2011 lạm phát khủng khiếp, có năm lên tới 18-19%, lãi suất hai con số mà tôi vẫn đề cập là hai con số “mập”, nợ xấu sau này báo cáo lại lên tới 17%… Tôi cho rằng hoàn toàn khác bây giờ.

Vậy thách thức hiện nay là gì? Thứ nhất, quy mô nền kinh tế đã lớn, thị trường lớn thì năng lực quản trị, cơ chế giám sát phải được nâng lên, không được như cũ. Thứ hai, hiện nay chúng ta có chương trình mục tiêu rõ là xây dựng Chính phủ và kinh tế số, tuy nhiên một số ngành có triển khai nhưng phát triển không đều, một số ngành đi chậm. Thách thức này là mới so với giai đoạn trước đây. Cộng thêm trên thị trường các thách thức phi truyền thống khá nhiều…

Cuối cùng, điểm khác so với giai đoạn trước đây, từ 2013 sau khi có hiến pháp mới, hệ thống pháp luật hầu như hoàn thiện. Thể chế hoàn thiện giúp vận hành nền kinh tế tốt hơn.

Hướng về năm 2023, ông đánh giá ra sao về khả năng cán đích chỉ tiêu này tăng GDP 6,5%?

Mục tiêu tăng trưởng năm 2023 thấp hơn năm 2022, là điều dễ hiểu. Nhưng, năm 2022 tăng trưởng đạt hơn 8% trên nền 2021 chỉ tăng 2,5%, còn mục tiêu 2023 tăng 6,5% trên nền hơn 8% của 2022, như vậy tính theo con số tuyệt đối là lớn. Tôi tin sẽ đạt được.

Thứ nhất, như đề cập ở trên, một số ngành công nghiệp gặp khó nhưng không phải tất cả. Một bộ phận doanh nghiệp rời khỏi thị trường nhưng doanh nghiệp mới thành lập cũng nhiều. Riêng vốn FDI năm qua giải ngân 20 tỷ USD, tác động lan tỏa lớn. Chương trình đầu tư công nếu triển khai hết sẽ kích mạnh thị trường nội địa. Xuất khẩu có doanh số lớn nhưng đóng góp chủ yếu nằm ở kinh tế nội địa, mà kinh tế nội địa với những động lực được triển khai thì không khó đạt được mục tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, vấn đề 2023 không phải là tăng trưởng 6,5% hay 7%, mà là giải quyết được ổn định thị trường tài chính, bất động sản đang được chấn chỉnh, cần tạo niềm tin với thị trường. Thứ hai, gỡ các điểm nghẽn thể chế, trong đó có đầu tư công. Thứ ba, chất lượng nền kinh tế có chuyển đổi số mạnh được hay không.

Những vấn đề này mới là quan trọng để đánh giá. GDP tăng trưởng bao nhiều chưa nói được hết về nền kinh tế, hai cái này khác nhau. Thành ra, tôi tin vấn đề của Việt Nam là vấn đề chất lượng.

Ông vừa đề cập ổn định thị trường tài chính, bất động sản. Ông nhìn nhận ra sao về khó khăn, thử thách với những thị trường này?

Với thị trường tài chính, vấn đề lớn nhất hiện nay là mô hình giám sát. Không thể chia cắt giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, phải có mô hình giám sát hiệu quả.

Với Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp, quan điểm của tôi là sau sự cố chúng ta đã vội vàng, đánh không trúng chỗ. Tại sao các doanh nghiệp phát hành trái phiếu lợi dụng được?

Tôi cho rằng vì thiếu công cụ giám sát. Hệ sinh thái các công ty chứng khoán, ngân hàng làm đại lý tạo điểm nhầm lẫn cho người dân, đánh vào tâm lý hám lợi. Người dân dễ hiểu lầm đến ngân hàng mua trái phiếu là yên tâm được bảo lãnh, đáng lý phải chấn chỉnh chỗ đó thì chấn chỉnh chỗ khác. Những điều này tôi đánh giá là do Nhà nước quản lý yếu kém, cần chấn chỉnh.

Với thị trường tài chính, vấn đề lớn nhất hiện nay là mô hình giám sát. Không thể chia cắt giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính...

TS. Trần Du Lịch

Với bất động sản, ở Việt Nam kinh doanh bất động sản phần lớn là cá nhân, người người nhà nhà làm bất động sản mà thiếu các định chế, các quỹ đầu tư tương hỗ có bộ phân chuyên mô phân tích mà người không chuyên môn có thể bỏ tiền vào quỹ để đầu tư. Những định chế như vậy chưa phát triển, chỉ thấy người người đi mua đất mua nhà để đầu cơ bỏ đó.

Tôi cho rằng, về lâu dài phải đánh thuế căn nhà và đất thứ hai. Tôi hoàn toàn ủng hộ điều này, sẽ giảm đầu cơ, điều tiết thu nhập. Nhưng tiền đó phải đầu tư lại cho người dân, nâng cao phúc lợi xã hội, chương trình môi trường, cộng đồng; làm được vậy người dân sẽ ủng hộ.

Chúng ta phải mạnh dạn chấn chỉnh thị trường bất động sản. Đầu tiên là giảm đầu cơ nâng giá đất, đây là tai họa nhất của nền kinh tế. Thị trường bất động sản vừa qua, doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm đầu cơ, ngân hàng lại cho vay để đầu cơ, điều này phải chấn chỉnh, làm sao giảm yếu tố đầu cơ. Dòng tiền, nhất là tín dụng, mà đưa vào đầu cơ là không ổn. Siết cái này sẽ giảm yếu tố đầu cơ.

Thứ hai phải có chính sách rõ ràng về bơm dòng tiền vào những sản phẩm có thể đưa vào sử dụng chứ không đưa vào rồi bỏ hoang. Hiện bao nhiêu dự án phát triển bán nền để bỏ hoang là phải chấn chỉnh, phải kiểm soát dòng tín dụng.

Việt Nam phải tiến tới, tiền của người dân đưa vào dự án nào thì phải dùng triển khai dự án đó, không được dùng cho việc khác. Ở các nước khác họ cấm hoàn toàn việc này.

Cuối cùng là hệ thống pháp luật, phải sửa đồng bộ các Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở…

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông.

Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023

TS. Trần Du Lịch là Đại biểu Quốc hội khóa XIII; thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng; thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia từ năm 1999 đến nay.
Theo AP Vững vàng phía trước

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE