Bài toán của gạo Việt

Bài toán của gạo Việt

Xuất khẩu gạo năm 2022 thành công về số lượng nhưng hiệu quả chưa cao. Người dân và doanh nghiệp vẫn chật vật với bài toán chi phí sản xuất, giá thành và thụ động cân đối vốn…

2022 với xuất khẩu gạo của Việt Nam là một năm đặc biệt. Kỷ lục 10 năm trước khả năng được tái lập. Vai trò xuất khẩu gạo của Việt nổi bật trong một năm căng thẳng an ninh lương thực toàn cầu. Gạo Việt tiến thẳng vào những thị trường khó tính.

Song, không hẳn người trồng lúa và doanh nghiệp trong ngành đều nắm bắt được trọn vẹn những giá trị ấy.

LỜI CẢM ƠN TỪ PHILIPPINES…

Khởi đầu năm 2022, những người trong ngành dù lạc quan lắm cũng khó nghĩ đến xuất khẩu gạo sẽ đạt trên 7 triệu tấn. Khối lượng này rất ấn tượng, bởi đã áp sát kỷ lục 7,72 triệu tấn của năm 2012. Càng ấn tượng hơn khi năm qua vấn đề an ninh lương thực toàn cầu nổi lên, điển hình như căng thẳng tại Ấn Độ và Indonesia, Việt Nam không những hạn chế mà còn đẩy mạnh cung ứng gạo cho thị trường thế giới.

Năm 2022, xuất khẩu gạo của Việt Nam ước tính tăng 15,7% lên 7,22 triệu tấn, trị giá 3,51 tỷ USD, tăng 7,06% về kim ngạch. Trong đó, một trọng số điểm đến là Philippines - thị trường tăng trưởng qua từng năm.

Năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Philippines đạt 2,132 triệu tấn, trị giá 884,947 triệu USD; sang năm 2020 đạt 2,218 triệu tấn, trị giá hơn 1,056 tỷ USD; năm 2021 đạt 2,455 triệu tấn, trị giá 1,251 tỷ USD. Và sau 11 tháng năm 2022, xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Philippines đã đạt tới 2,998 triệu tấn, trị giá 1,388 tỷ USD; chiếm gần 45% về khối lượng và 42,91% về kim ngạch của cả nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tại cuộc hội kiến ngày 23/11/2022 - Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos tại cuộc hội kiến ngày 23/11/2022 - Ảnh: Quốc hội

Ngày 23/11/2022, trong chuyến thăm và làm việc tại Philippines, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã hội kiến với Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos. Tại đây, Tổng thống Ferdinand Marcos nhấn mạnh lời cảm ơn Việt Nam đã luôn là nguồn cung cấp gạo ổn định, giúp Philippines đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu.

LƯỢNG TĂNG, NHƯNG HIỆU QUẢ CHƯA CAO

Cũng tại thị trường Philippines, một so sánh cho thấy thực tế đáng chú ý: Kết quả 11 tháng năm 2022 so với cùng kỳ 2021, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng tới 30,12% nhưng về kim ngạch chỉ tăng 18,01%. Rộng hơn, cả năm 2022, như trên, xuất khẩu gạo cả nước ước tăng 15,7% về lượng nhưng chỉ tăng 7,06% kim ngạch. Đã không nắm được lợi giá như trước, thậm chí giảm.

Như vậy, không hẳn vấn đề an ninh lương thực căng thẳng lên, những thời điểm giá gạo tăng thì người trồng lúa và doanh nghiệp trong ngành đều có hiệu quả tương ứng.

Ông Đỗ Hà Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng giám đốc Intimex Group cho biết một thực tế, những tháng cuối năm vừa qua có nhiều khách hỏi mua nhưng doanh nghiệp không thể ký bởi nguồn cung đã cạn, sản lượng vụ Thu Đông ít hơn vụ Đông Xuân và Hè Thu. Trong kinh doanh khi người mua nhiều mà người bán ít, xét về tổng thể lợi ích của người nông dân và doanh nghiệp rõ ràng là hạn chế, ngay cả người mua cũng vậy. Đây là một rủi ro và nên coi đó là bài học kinh nghiệm.

Trong bối cảnh lương thực toàn cầu có biến động và các chi phí đều phát sinh, và khi Chính phủ Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì và đường thì sớm muộn cũng sẽ hạn chế xuất khẩu gạo, nên ai cũng nghĩ giá gạo xuất khẩu phải lên. Nhưng khi mọi người nghĩ giá gạo sẽ lên thì nó lại không lên, do nhu cầu gạo trên toàn cầu chưa cao mà trong nước đang thu hoạch lúa Đông Xuân - vụ lúa chính và có lượng hàng lớn. Trước tình hình đó buộc doanh nghiệp phải bán gạo và khách hàng Philippines hỏi mua với khối lượng lớn. Ngay trong giai đoạn giá gạo không lên thì lượng xuất khẩu lại nhiều nhất.

“Hàng năm vụ Hè Thu lượng bán ra không nhiều nhưng vụ Hè Thu 2022 do Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo khiến thị trường thiếu hụt, lúa Hè Thu và Thu Đông có nhiều cơ hội lớn hơn về giá. Năm 2022 dù lượng gạo nhập khẩu từ Ấn Độ giảm gần 50% nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt trên 7 triệu tấn, điều này gây cho chúng ta điều bất ngờ thú vị”, Phó chủ tịch VFA đặt vấn đề.

Năm 2022 xuất khẩu gạo thành công về số lượng nhưng hiệu quả chưa cao, vì chi phí sản xuất tăng cao đã đẩy chi phí giá thành sản phẩm khá đắt, dẫn đến lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp không nhiều. Mặt khác, vào cuối năm nhiều khách hàng hỏi mua nhưng lượng hàng không còn nhiều, doanh nghiệp không có để ký bán, do trước đó rất nhiều doanh nghiệp đã phải ký bán khi giá còn thấp.

KHÓ CÂN ĐỐI VỐN, LỠ CƠ HỘI

Vậy vì sao họ phải dồn bán khi giá thấp, không đợi giá cao? Miếng ghép tiếp theo của bài toán ở đây là vốn, tín dụng. Doanh nghiệp nói chung và trong ngành xuất khẩu gạo nói riêng năm qua gặp khó với “room” tín dụng, họ thụ động hơn trong nắm bắt cơ hội.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hạn mức vay vốn trong lĩnh vực lúa gạo thấp, ảnh hưởng đến khả năng thu mua và dự trữ lúa gạo để đảm bảo được lợi ích của người nông dân. Ví dụ, vào thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, nếu doanh nghiệp có nhiều vốn sẽ mua dự trữ chờ giá lên, nhưng do áp lực trả nợ ngân hàng nên không thể chờ, khi trả nợ xong thì giá gạo lại tăng, vốn lại thiếu khiến doanh nghiệp lại thiệt. Ngay cả khi trả nợ cho ngân hàng xong và dù có hạn mức tín dụng nhưng “room” ngột ngạt ngân hàng khó hoặc không giải ngân được.

“Điều này đã ảnh hưởng rất lớn thị trường gần và doanh nghiệp, vì luôn trong “tư thế” mua và bán ngay vì không thể dự trữ được. Trong khi dự trữ gạo sẽ tạo lợi thế cho doanh nghiệp và người nông dân. Do vậy, hầu hết doanh nghiệp đều mong muốn Ngân hàng Nhà nước nâng mức tỷ lệ tín dụng dành cho doanh nghiệp nông nghiệp nói chung và doanh nghiệp gạo nói riêng cao hơn. Đó là những điều được và mất trong xuất khẩu gạo năm qua”, Phó chủ tịch VFA khuyến nghị.

* Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023

Theo AP Vững vàng phía trước

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE