Bài toán du lịch hậu COVID-19 của ASEAN

Khi du lịch phục hồi, thách thức cho các quốc gia ASEAN là cân bằng giữa lợi ích kinh tế và kiểm soát việc du lịch ồ ạt dẫn đến những rủi ro cho môi trường tự nhiên.
Bài toán du lịch hậu COVID-19 của ASEAN

Khi du lịch phục hồi, thách thức cho các quốc gia ASEAN là cân bằng giữa lợi ích kinh tế và kiểm soát việc du lịch ồ ạt dẫn đến những rủi ro cho môi trường tự nhiên.

Khi thế giới phải đóng cửa do COVID-19, nhiều địa điểm du lịch tự nhiên chứng kiến hệ sinh thái phát triển trở lại, khi không có sự tác động từ con người.

Giờ đây, các biện pháp để đảm bảo du lịch bền vững trở thành vấn đề được tranh luận khi các quốc gia nới lỏng hạn chế và mở cửa đón du khách.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) dự báo rằng châu Á - Thái Bình Dương "sẽ trở thành khu vực đầu tiên về với kịch bản năm 2019", xét về đóng góp của ngành du lịch vào tổng sản phẩm quốc nội.

Hiện nay, nhiều quốc gia thực hiện các biện pháp cắt giảm lượng du khách đến những khu du lịch thiên nhiên. Song, điều này có thể ảnh hưởng đến đời sống những người làm trong lĩnh vực du lịch.

Theo thống kê của WTTC, lĩnh vực khách sạn sử dụng gần 11 triệu lao động ở Indonesia, 8 triệu ở Philippines và 7 triệu ở Thái Lan. Do đó, việc cân bằng giữa du lịch bền vững và đảm bảo sinh kế là điều quan trọng ở các nước Đông Nam Á, theo Nikkei.

Thế khó từ các bên

Hồi tháng 8, chính phủ Indonesia tăng giá tham quan vườn quốc gia rồng Komodo lên 3,75 triệu rupiah (240 USD), và du khách có thể tham quan trong một năm. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chính sách này không phù hợp so với mức 5.000 rupiah (cho người địa phương) và 150.000 rupiah (khách quốc tế) mỗi lần tham quan.

Kế hoạch này nhằm tăng doanh thu và bảo tồn môi trường tự nhiên, song đã vấp phải sự phản đối từ ngành du lịch và địa phương, khi cho rằng điều này có thể ảnh hưởng đến sinh kế, theo AFP.

Rồng Komodo ở Vườn quốc gia Komodo tại tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia. Ảnh: World Travel Guy.

Rồng Komodo ở Vườn quốc gia Komodo tại tỉnh Đông Nusa Tenggara, Indonesia. Ảnh: World Travel Guy.

Biến đổi khí hậu và nạn buôn lậu rồng komodo khiến cá thể loài động vật quý hiếm này suy giảm. Trong khi đó, chính phủ muốn tối đa hóa doanh thu từ du lịch để tháo gỡ khó khăn tài chính.

"Chính phủ nên biết rằng để duy trì môi trường và thúc đẩy du lịch bền vững, tăng giá không phải là cách duy nhất", Piter Abdullah, Giám đốc Viện nghiên cứu Segara ở Jakarta, nói.

Có nhiều cách khác nhau để chống lại tình trạng du lịch quá mức, bao gồm tăng phí vào cửa, hạn chế số lượng du khách và tạm thời đóng cửa các khu vực dễ bị tổn thương như công viên quốc gia và khu bảo tồn biển để phục hồi.

Năm 2018, Thái Lan đóng cửa vịnh Maya ở quần đảo Phi Phi thuộc biển Andaman, nhằm đối phó với hậu quả do du lịch quá mức tác động lên môi trường nguyên sơ. Vịnh Maya trở nên nổi tiếng khi xuất hiện trong bộ phim “The Beach” vào năm 2000, có sự tham gia của diễn viên Leonardo DiCaprio.

Theo đó, hệ sinh thái mỏng manh của biển bị hủy hoại khi đoàn làm phim muốn tạo những cảnh quay đẹp. Trong khi đó, lượng du khách kéo đến ồ ạt đã gây hại 80% rạn san hô ở vịnh này, theo Siriwat Suebsai, trợ lý phụ trách biển Nopparat Thara - quần đảo Phi Phi, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường Thái Lan.

Bãi biển Maya đã mở cửa trở lại cho khách du lịch trong năm nay, lần đầu tiên sau khoảng 40 tháng. Những quy định mới đã giới hạn chỉ tiếp nhận 4.000 du khách mỗi ngày, so với 5.000 người vào năm 2018, và việc tắm biển cũng bị cấm.

Du khách tham quan vịnh Maya, Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Du khách tham quan vịnh Maya, Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Việc đóng cửa bãi biển kéo dài đã giúp các rạn san hô được cải thiện, và có thể nhìn thấy những đàn cá mập ở những vùng nước trong, theo ông Siriwat.

Năm 2018, cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh cải tạo đảo Boracay, khu nghỉ mát nổi tiếng của nước này. Việc phát triển không được cấp phép đã gây ô nhiễm biển nghiêm trọng. Ông Duterte đã ra lệnh đóng cửa hòn đảo, bất chấp sự phản đối của người dân.

Bài toán du lịch bền vững

Trong thông cáo chung hồi tháng 3, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Du lịch Thế giới nói rằng: “Các chuyên gia trong ngành hoài nghi liệu chính phủ, doanh nghiệp và du khách có tiếp nhận quan điểm dài hạn về hỗ trợ phát triển bền vững của ngành du lịch, hơn là tìm kiếm doanh thu ngắn hạn hay không”.

Việc làm trong ngành du lịch ở một số quốc gia vào năm 2021 (đơn vị: triệu). Đồ họa: Nikkei.

Việc làm trong ngành du lịch ở một số quốc gia vào năm 2021 (đơn vị: triệu). Đồ họa: Nikkei.

Jaeyeon Choe - Trường Kinh doanh và Xã hội Glasgow, thuộc Đại học Glasgow Caledonian - nói rằng các cơ quan quản lý du lịch nên phát triển du lịch sinh thái, đặc biệt là ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa để khai thác nhu cầu. "Điều này có thể giúp bảo vệ và hồi sinh các di sản và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tạo ra sinh kế mới”.

Việt Nam đã có những mô hình tương tự. ADB đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai Chày Lập Farmstay (tỉnh Quảng Bình), một dự án khu du lịch gần Vườn quốc gia Kẻ Bàng, nhằm tạo sinh kế cho người dân địa phương qua việc cung cấp trải nghiệm mộc mạc cho du khách. 90% công việc được giao cho người địa phương, và nơi ở áp dụng nghiêm ngặt việc tái chế rác thải.

Khoảng gần 3 năm du lịch gián đoạn do đại dịch đã tạo cơ hội để suy nghĩ về việc khai thác ngành dịch vụ này. Một điểm sáng là hiện nay nhu cầu du lịch trải nghiệm thiên nhiên ngày càng tăng.

Do đó, thay vì tập trung hạn chế khách du lịch đến một địa điểm phổ biến hiện có, đây là thời điểm để ngành du lịch tìm cách phân bố du khách tốt hơn, đưa du khách trải nghiệm những địa điểm chưa được nhiều người biết đến.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE