Bán xăng dầu nhỏ giọt, giá "nhảy múa": Cả nông dân và ngư dân lao đao

Hiện nay, nhu cầu sử dụng xăng dầu của doanh nghiệp và người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang tăng cao, nhất là vào vụ thu hoạch lúa, khai thác thủy sản. Tuy nhiên, đang xảy ra tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu chỉ bán nhỏ giọt khiến người dân lo lắng.
Lực lượng chức năng Hậu Giang kiểm tra các đơn vị kinh doanh xăng dầu
Lực lượng chức năng Hậu Giang kiểm tra các đơn vị kinh doanh xăng dầu

Ông Lê Văn Thu, ngụ huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cho biết, ông có 4ha lúa, đến nay mới thu hoạch được 2ha, số còn lại đang bước vào vụ chín rộ nhưng chưa thu hoạch vì thiếu nhiên liệu. “Tôi có hỏi thì chủ máy gặt nói mỗi cửa hàng xăng dầu chỉ bán 1 can (loại 30 lít), nhiều thì được 2 can nên không đủ để hoạt động. Hiện giờ, tôi không biết xử lý thế nào với số lúa đang chín rục”, ông Thu thở dài.

Anh Lại Văn Phát - Chủ máy gặt tại huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng thông tin: “Một can dầu 30 lít chỉ đủ cho máy gặt cắt 1 ha lúa. Trong khi vào vụ thu hoạch, máy gặt phải hoạt động liên tục, nhưng nhiều cửa hàng xăng dầu chỉ bán nhỏ giọt nên chậm trễ thu hoạch lúa cho dân”.

Tại xã Tân Lộc, huyện Thới Bình (Cà Mau), anh Hữu Hoàng Anh (chủ máy cày) cho hay: “Thời gian qua anh cũng gặp khó trong việc mua dầu hoặc chịu ảnh hưởng từ giá dầu tăng. Tôi chỉ được cửa hàng đầu mối giao cho 5 can dầu/ngày. Với số nhiên liệu này, tôi chỉ chạy trong một ngày đêm là hết lượng dầu, gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, hiện nay do giá dầu tăng, khiến chi phí tăng nên công cày xới cũng phải tăng theo. Vì vậy, người nông dân vẫn chịu nhiều thiệt thòi”.

Không chỉ vậy, nhiều công trình trọng điểm của tỉnh Cà Mau đang thi công cũng phải dừng hoạt động do thiếu nhiên liệu, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Tại một dự án trọng điểm của tỉnh Cà Mau đang cần đẩy nhanh tiến độ nhưng gần nửa tháng qua, hàng chục phương tiện thi công phải nằm phơi lưng, chờ nhiên liệu. Bởi, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đều từ chối bán dầu cho khách đựng bằng can mang về.

50% số tàu cá nằm bờ

Ngành thủy sản tại hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau cũng đang gặp khó khăn trăm bề. Ông Nguyễn Gal Sel, Trưởng ấp Mai Hoa, xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) than thở: “Hiện nay, tàu cá ở cửa biển này nằm bờ khá nhiều do phải chờ mua dầu. Ở cửa biển này chỉ có 3 cửa hàng kinh doanh xăng dầu nhưng có tới 2 cửa hàng trong tình trạng hết dầu, hoặc nếu có bán cũng chỉ bán hạn chế. Ngư dân ở đây chủ yếu đánh bắt gần bờ thì mỗi chuyến đi cần khoảng 400 - 500 lít dầu/ngày, nhưng họ chỉ bán 100 - 150 lít khiến ngư dân gặp khó”.

Trong khi đó, ông Đoàn Quốc Lượm (ngư dân hành nghề lưới vây ở thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) chia sẻ: “Mấy ngày nay, tôi đang đắn đo cho chuyến ra khơi sắp tới”. Bởi, hầu hết các cửa hàng đều không dám nhận tiền đặt cọc của ông do họ sợ không đủ nguồn cung dầu.

Chiều 7/9, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá (Kiên Giang) cho biết, chi phí để vận hành tàu cá đánh bắt xa bờ phải cần 1,7 tỷ đồng/tàu, nhưng tình hình giá dầu tăng cao khiến ngư dân méo mặt.

Theo ông Ngữ, giá xăng dầu cứ “nhảy múa” liên tục nên ngư dân không thể khai thác, đánh bắt trở lại được. Hiện, toàn tỉnh có hơn 9.000 tàu đánh bắt xa bờ, số tàu nằm bờ hiện nay chiếm đến 50%.

“Một cặp tàu đánh bắt xa bờ phải trang bị 40.000 lít dầu. Nhưng hiện nay một số cửa hàng chỉ bán cho người dân 2.000 - 3.000 lít, nếu chạy ra tới chỗ đánh bắt hết dầu lấy gì chạy về”, ông Ngữ nói thêm.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàng- Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang, hiện nay nguồn cung xăng dầu, đặc biệt là dầu D.O rất hạn chế. Mức chiết khấu xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ không bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong thời gian tới. Hiện tại, các thương nhân phân phối nguồn hàng chỉ bảo đảm cung ứng trong hệ thống được từ 3 đến 5 ngày.

Theo Báo Tiền phong

Đọc tiếp

Giá chung cư ở Hà Nội tăng liên tục do đâu?

Giá chung cư ở Hà Nội tăng liên tục do đâu?

Khi so sánh giữa các dòng sản phẩm, người mua có nhu cầu ở thực có thể nhận thấy giá căn hộ vẫn ở mức hợp lý hơn so với những sản phẩm liền thổ trong dự án như biệt thự và nhà liền kề. Từ đó, dẫn đến câu chuyện ghi nhận mức tăng về nhu cầu và giá sơ cấp của phân khúc căn hộ trong quý I/2024.

Chat với BizLIVE