Bật lên từ số 0

Bật lên từ số 0

Qua “khoảng thời gian đen tối” của đại dịch, du lịch Việt Nam bật lên mạnh mẽ dù nhiều doanh nghiệp phải làm lại từ con số 0. Động lực thần kỳ đã đến từ nhu cầu nội địa, nhưng khách quốc tế vẫn phải chuyển kỳ vọng sang năm 2023…

Hơn hai năm đại dịch COVID-19, doanh thu của Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist có những thời điểm là con số 0. Người lao động trong công ty từng phải lập “mô hình” buôn bán đồ ăn và nhiều sản phẩm khác để góp phần bảo toàn nguồn lực đợi phục hồi.

Ngày 15/3/2022, du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn. Lữ hành Saigontourist bắt đầu bật dậy mạnh mẽ, dù đến cuối năm 2022 toàn ngành vẫn còn khoảng trống lớn.

CON NGƯỜI - YẾU TỐ THEN CHỐT ĐỂ PHỤC HỒI

Trò chuyện nhân dịp đầu xuân năm mới, ông Nguyễn Hữu Y Yên - Tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist vẫn có những lúc chùng hẳn xuống, nhớ lại những trải nghiệm không thể nào quên trong giai đoạn đại dịch.

Thành lập năm 1975, top đầu ngành du lịch lữ hành cả nước với quy mô doanh thu trung bình trước đại dịch khoảng 5.000 tỷ đồng/năm, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist chưa từng phải trải qua giai đoạn khó khăn như 2020-2021, khi doanh thu có những quý gần như bằng 0; cả năm 2020 có 4-5 tháng hoạt động được thì doanh thu rơi hẳn về quanh 1.300 tỷ đồng, bằng 25% năm 2019 - năm trước đại dịch; 2021 càng tệ hơn khi chỉ bằng khoảng 10% năm 2019…

Tác động của đại dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp dịch vụ lữ hành rơi vào tình trạng khủng hoảng, có thời điểm 90-95% doanh nghiệp phải dừng hoạt động; nhiều trường hợp buộc phải chuyển ngành nghề, đổi mô hình kinh doanh hay cắt giảm phần lớn nhân sự. Lữ hành Saigontourist quyết bám trụ, đặc biệt ở mục tiêu bảo toàn bằng được nguồn lực nhân sự.

Năm 2022, du lịch Việt Nam đón một động lực thần kỳ từ đà phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước: hơn 100 triệu lượt khách nội địa năm qua, vượt qua tất cả các dự báo.

“Trong giai đoạn đen tối đó, có những lúc doanh thu trở về con số 0, song chúng tôi luôn xác định mục tiêu sống còn là duy trì hệ thống và nguồn nhân sự bằng mọi cách có thể. Bởi, đây là ‘trái tim’, là nền tảng cho sự phục hồi nhanh nhất của doanh nghiệp sau đại dịch”, ông Nguyễn Hữu Y Yên chia sẻ.

Khi Việt Nam công bố chính thức mở cửa trở lại, cùng với sự phục hồi nhanh chóng của du lịch Việt Nam, Lữ hành Saigontourist tăng trưởng vượt bậc, với kết quả doanh thu ấn tượng hơn 2.300 tỷ đồng, phục vụ hơn 510.000 lượt khách trong và ngoài nước năm qua. Sức bật này được thúc đẩy bằng yếu tố then chốt - nguồn lực đội ngũ, con người, những giá trị đã nỗ lực bảo toàn qua đại dịch.

“Giai đoạn vừa qua có lẽ là trải nghiệm đáng nhớ nhất, một kinh nghiệm quý báu, một bài học lớn của bản thân cùng Ban lãnh đạo và mỗi người trong ngành. Những chiến lược kinh doanh luôn phải điều chỉnh theo từng tuần, từng tháng để thích nghi với mỗi biến động của tình hình chung quốc tế, tình hình riêng tại Việt Nam.

Trong cân đo từng tuần từng tháng như vậy, chúng tôi luôn đặt ưu tiên con người, an toàn của khách hàng và nhân viên, chính sách phòng chống dịch lên trên chỉ tiêu kinh doanh hay lợi nhuận; phải hoạch định chính sách ngày công, lương của toàn thể cán bộ, công nhân viên công ty để duy trì hoạt động công ty ở mức tối thiểu trong những ngày khó khăn nhất”, ông Nguyễn Hữu Y Yên nhớ lại.

Công ty đã nỗ lực tối đa để duy trì các chế độ tối thiểu để nhân viên giữ được việc làm. Phía người lao động cũng giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính, giữ được nguồn nhân lực nhằm có thể trở lại sớm nhất và chịu đựng được tác động của dịch lâu nhất có thể. Họ còn lập “mô hình” để buôn bán đồ ăn và các sản phẩm khác, giúp nhau cùng vượt qua thời điểm khó khăn, để đón đợi phục hồi.

Trong thời gian như “đóng băng” đối với ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp đã tranh thủ gia cố thêm hoạt động đào tạo nghiệp vụ, đầu tư hoặc nghiên cứu sâu hơn các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng các giải pháp công nghệ để tối ưu hơn quản lý điều hành, hoạt động sản xuất kinh doanh… Đây cũng là một điểm tựa sẵn sàng hơn khi toàn ngành trở lại.

“Ngay khi trở lại thị trường, nguồn lực với tâm thế sẵn sàng, tâm huyết hơn qua gian khó, linh hoạt và sáng tạo hơn để thích ứng, phục vụ du khách một cách tốt nhất, qua đó đã giúp quá trình đổi mới về sản phẩm, dịch vụ nhanh hơn và hiệu quả cao hơn”, ông Nguyễn Hữu Y Yên nhìn nhận.

ĐỘNG LỰC THẦN KỲ VÀ KHOẢNG TRỐNG CÒN LẠI

Nguồn lực nhiều doanh nghiệp du lịch đã bị bào mòn qua đại dịch. Năm 2022, thêm “cú bồi” mới hình thành từ lãi suất tăng cao và tỷ giá biến động mạnh. Song, theo ông Nguyễn Hữu Y Yên, đây không hẳn là những khó khăn quá lớn, bởi thực tế qua nhiều giai đoạn doanh nghiệp Việt từng “nhiều phen” sống chung với lãi suất cao và rủi ro tỷ giá…

Điều quan trọng nhất, theo lãnh đạo Saigontourist, những doanh nghiệp hoạt động lâu năm, hoạt động có hiệu quả luôn có nguồn lực tích lũy và các giải pháp linh hoạt để ứng phó và thích nghi. Cùng đó, sau đại dịch, nhu cầu du lịch trên thị trường rất lớn, vấn đề là tái cấu trúc sản phẩm một cách phù hợp, dự đoán chính xác phân khúc thị trường mục tiêu và điều hành dịch vụ tốt nhất có thể.

Thực tế năm 2022, du lịch Việt Nam đón một động lực thần kỳ từ đà phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu trong nước. Một lần nữa, điểm tựa nội địa nâng đỡ sự trở lại của ngành sau gian khó. Với hơn 100 triệu lượt khách nội địa năm qua, vượt qua tất cả các dự báo, ông Nguyễn Hữu Y Yên nhấn mạnh đây là điểm sáng nhất của toàn ngành.

Một khoảng trống lớn vẫn còn đó. Mục tiêu thu hút khách quốc tế đến Việt Nam vẫn không thể đạt được năm qua do nhiều rào cản.

Tuy vậy, một khoảng trống lớn vẫn còn đó. Mục tiêu thu hút khách quốc tế đến Việt Nam vẫn không thể đạt được năm qua do nhiều rào cản. Trong đó, hầu hết các thị trường khu vực Đông Bắc Á tiếp tục áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch, như Trung Quốc hiện vẫn chưa mở cửa du lịch quốc tế. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài tác động đến việc nối lại các đường bay, ảnh hưởng đến thị trường nguồn khách Nga đến Việt Nam… Hay sự cạnh tranh ngày càng lớn của các quốc gia trong khu vực. Nhiều nước trong khu vực tạo điều kiện dễ dàng và hấp dẫn để khách quốc tế nhập cảnh bằng việc miễn thị thực cho khách quốc tế…

“Bước qua năm 2023 với dự báo ngành du lịch thế giới và Việt Nam sẽ còn đối mặt nhiều thách thức, tuy nhiên với thành quả, tín hiệu tốt đẹp của năm 2022 và sự chuẩn bị, thích ứng linh hoạt, tôi vẫn tin tưởng rằng đây sẽ là một năm sôi động của các hoạt động du lịch Việt Nam”, Tổng giám đốc Lữ hành Saigontourist tin tưởng.

Theo đó, ngành du lịch cần tiếp tục nắm bắt xu thế, sự chuẩn bị và thích ứng linh hoạt. Doanh nghiệp cần xác định rõ các chiến lược quan trọng như tiếp tục mang lại những sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, đa dạng và chất lượng; chú trọng hoàn tất việc chuyển đổi số trong quy trình kinh doanh và quản trị nhân sự. Các nhà hoạch định chính sách cần mạnh mẽ và thiết thực hơn nữa trong mục tiêu lấp đầy lại “khoảng trống” khách du lịch quốc tế… Như vậy để 2023 thực sự hứa hẹn là một năm sôi động hơn, trở lại mạnh mẽ và toàn diện hơn của ngành du lịch Việt Nam.

* Chuyên đề Kinh tế Việt Nam Xuân Quý Mão 2023

Theo AP Vững vàng phía trước

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE