Bộ Công Thương đề xuất tăng giá điện khi chi phí đầu vào tăng 1% trở lên

Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân. Theo đó, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân giảm so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh giảm.

Cụ thể, khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán lẻ điện bình quân tăng từ 1% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành thì giá bán lẻ điện bình quân được điều chỉnh tăng. Đây là điểm khác so với cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện tại Quyết định 24/2017/QĐ-TTg, khi quy định thông số đầu vào tăng 3% thì giá điện mới tăng.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định về thẩm quyền điều chỉnh giá điện. Trong đó, trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 1% đến dưới 5% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Sau khi điều chỉnh, EVN có trách nhiệm lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát và có ý kiến đối với phương án giá bán lẻ điện bình quân do Tập đoàn Điện lực trình. Căn cứ ý kiến bằng văn bản của Bộ Công Thương, EVN quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân và tăng giá bán lẻ điện cho từng nhóm khách hàng sử dụng điện theo quy định hiện hành về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện kể từ ngày 1/10 của năm đó.

Trường hợp giá bán lẻ điện bình quân tính toán tăng từ 10% trở lên so với giá bán lẻ điện bình quân hiện hành hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, EVN lập hồ sơ phương án giá bán lẻ điện bình quân trình Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiểm tra, rà soát, báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước ngày 1/9 năm đó để Ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến. Trước ngày 15/9 năm đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hoàn chỉnh báo cáo rà soát phương án giá bán lẻ điện bình quân theo ý kiến của Ban Chỉ đạo điều hành giá, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến để EVN thực hiện điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 1/10 năm có biến động giá.

Trước đây dù Quyết định 24 vẫn cho EVN, Bộ Công Thương thẩm quyền điều chỉnh giá khi có biến động thông số đầu vào, nhưng trên thực tế chưa bao giờ EVN tự quyết việc tăng giá điện mà đều phải báo cáo cấp có thẩm quyền.

Hay, dù Quyết định 24 cho phép 6 tháng điều chỉnh giá điện một lần nhưng theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, 2022 là năm thứ ba liên tiếp giá bán điện bình quân chưa được tăng kể từ tháng 3/2019. 6 tháng đầu năm 2022 do chi phí tăng cao, giá bán không đổi nên EVN lỗ nặng.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE