Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Hơn 4.000 hộ kinh doanh bị thu bảo hiểm xã hội sai nhưng chưa phát hiện tiêu cực

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, việc 4.240 hộ kinh doanh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc nhiều năm mà nay bị treo lương hưu là sai nhưng chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại phiên chất vấn. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 6/6, Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đăng đàn trước Quốc hội trả lời nhiều vấn đề liên quan đến lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội.

Nêu câu hỏi chất vấn tại hội trường, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc thu bảo hiểm bắt buộc sai đối với chủ hộ kinh doanh cho thấy cơ quan bảo hiểm đã thực hiện không đúng quy định pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích người dân.

"Việc thu sai đối tượng trong thời gian quá dài, có người đóng 20 năm. Vậy có tiêu cực trong thu bảo hiểm xã hội không? Bộ trưởng cho biết trách nhiệm thuộc cơ quan nào, hướng xử lý sai phạm", đại biểu đặt câu hỏi.

Cùng liên quan đến bảo hiểm xã hội, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) phản ánh thực trạng thời gian qua, nhiều người lao động mất việc làm. Trong bối cảnh đó nhiều người lựa chọn hưởng bảo hiểm xã hội một lần vì cần tiền để chi tiêu trang trải trong cuộc sống. Theo đại biểu, tình trạng trên tạo sức ép đến hệ thống an sinh xã hội, ảnh hưởng đến mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân.

"Có nên đề nghị Trung ương lập quỹ hỗ trợ người lao động như hỗ trợ lao động trong đại dịch và xem xét bổ sung quỹ quốc gia việc làm với địa phương. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề trên?", đại biểu Tráng A Dương chất vấn.

Trả lời nhóm vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc thu sai bảo hiểm xã hội bắt buộc là sai về chủ trương.

"Tôi đã báo cáo rất rõ là trách nhiệm thuộc về Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và đặc biệt Bảo hiểm Xã hội các địa phương", ông Dung nói và cho biết Bộ đã làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị chấn chỉnh. Thời gian qua, do còn vướng mắc, các trường hợp thu sai chưa được giải quyết. Các địa phương đã xử lý linh hoạt với chủ hộ kinh doanh.

Tám đoàn kiểm tra của Ban Kinh tế Trung ương cùng Bộ đến các địa phương, có nơi báo cáo 62 trường hợp, nhưng khi kiểm tra thực tế chỉ còn 8 trường hợp. Như vậy, đã giải quyết về căn bản.

"Chúng tôi chưa phát hiện dấu hiệu trục lợi, nhưng sai là có", ông Dung nói.

Về biện pháp giải quyết đối với 4.240 trường hợp đã thu sai kể từ năm 2003 tới nay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội đang đề xuất tới đây nếu Quốc hội cho phép thì chuyển toàn bộ số hộ kinh doanh này sang diện bảo hiểm xã hội bắt buộc, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trường hợp không muốn hoặc không có nhu cầu thì có thể chuyển sang bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Còn trường hợp xấu nhất thì cả người lao động lẫn cơ quan bảo hiểm xã hội không đồng ý, ông Đào Ngọc Dung đề xuất thoái thu, trả lại quyền lợi cho người lao động.

"Tính lãi thế nào thì chí ít cũng phải tính bằng tăng trưởng mà Quỹ Bảo hiểm Xã hội đang sử dụng để tăng trưởng", Bộ trưởng nói.

"Quan điểm của cá nhân tôi một lần nữa là đặt quyền lợi, lợi ích của người lao động lên hàng đầu. Thứ hai là nên khuyến khích và điều chỉnh chính sách chuyển sang bảo hiểm xã hội bắt buộc là tốt nhất cho người lao động, đảm bảo về già có lương hưu, có cuộc sống ổn định", người đứng đầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định.

Về vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thời gian qua tình hình rút bảo hiểm một lần có chiều hướng gia tăng, nhất là cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Theo Bộ trưởng, để giải quyết tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần thì phải tìm nguyên nhân, từ đó mới có giải pháp cụ thể.

“Để giảm và tiến tới không rút bảo hiểm xã hội một lần cần nhiều giải pháp, đặc biệt việc tạo công ăn việc làm, thu nhập đời sống phải tốt lên. Ngoài ra, cũng cần điều chỉnh các chính sách phù hợp”, ông Đào Ngọc Dung nói.

Nói về việc thành lập quỹ hỗ trợ lao động, ông Đào Ngọc Dung cho rằng, đây một giải pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu thấu đáo, có đánh giá tác động, hiệu quả để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Chat với BizLIVE