Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Càng qua nhiều sóng gió, trụ đỡ nông nghiệp càng vững chắc

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lập kỷ lục mới 48,6 tỷ USD, tăng 14,9%, vượt xa chỉ tiêu 42 tỷ USD Chính phủ giao. Một lần nữa, qua thử thách, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế.

Trò chuyện với BizLIVE nhân dịp đón xuân Nhâm Dần 2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) Lê Minh Hoan cũng đánh giá, với kết quả năm qua, vai trò trụ đỡ của nông nghiệp tương xứng với những đóng góp to lớn của ngành.

Thưa Bộ trưởng, năm 2020 - năm đầu tiên cuộc khủng hoảng COVID-19, ông từng nhấn mạnh vai trò trụ đỡ của nông nghiệp đối với nền kinh tế. 2021 tiếp tục cho thấy ảnh hưởng đại dịch phức tạp và khắc nghiệt hơn. Nhìn lại, Bộ trưởng thấy trụ đỡ đó cứng cáp và mạnh mẽ hơn trong năm qua, hay có phần yếu đi?

Như đánh giá của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng thời qua những con số, kết quả đạt được trong năm, tôi thấy rằng vai trò trụ đỡ của nông nghiệp tương xứng với những đóng góp to lớn của ngành.

Tuy nhiên, vẫn còn đó những vấn đề nội tại trong nhiều năm, như vật tư, nguyên liệu đầu vào của ngành phần lớn vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu và chịu rủi ro do cơn bão tăng giá vừa qua.

Chuỗi cung ứng dễ đứt gãy trong điều kiện giãn cách xã hội bất thường khi COVID-19 diễn biến khó lường và khâu kết nối, tiêu thụ nông sản còn thiếu bền vững.

Lời nguyền “được mùa mất giá” lặp lại có tính chu kỳ. Chất lượng nông sản vẫn còn khoảng cách với xu thế tiêu dùng và chuẩn mực thị trường.

Một trong những điểm sáng của nền kinh tế qua đại dịch là nỗ lực tăng trưởng xuất khẩu, trong đó nông nghiệp, nông sản đóng góp lớn. Bộ trưởng đánh giá thế nào về điểm sáng này?

Trong điều kiện đầy khó khăn, thách thức do thị trường xuất khẩu chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hệ thống logistics toàn cầu gián đoạn, đứt gãy, nhu cầu tiêu dùng giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2021 vẫn vượt kế hoạch.

Điều đó một lần nữa minh chứng cho sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp nông nghiệp, sự chủ động phối hợp các hiệp hội ngành hàng, sự nỗ lực, cam kết cải thiện chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông sản của bà con nông dân và HTX.

Đây là kết quả sự phối hợp đầy trách nhiệm của các bộ, ngành trong công tác tìm kiếm, mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại, điều chỉnh, sửa đổi kịp thời những rào cản kỹ thuật về kiểm dịch, kiểm định chất lượng.

Qua đó cho thấy dư địa xuất khẩu nông sản khi thị trường tiếp tục được mở rộng và chiến lược đồng bộ dần được định hình rõ nét, với phương châm “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì phải đi cùng nhau”.

Năm qua, là người trực tiếp như con thoi ở các “mặt trận” kết nối và xúc tiến thúc đẩy giao thương nông sản, Bộ trưởng trực tiếp trải nghiệm về những bất cập, đứt gãy bởi “ngăn sông cấm chợ” phòng chống, dịch… Qua những trải nghiệm đó hẳn Bộ trưởng có những suy ngẫm có thể chia sẻ?

Tôi thường chia sẻ rằng COVID-19 đã làm bộc lộ những bất cập, hạn chế trong chuỗi cung ứng nông sản. Chuỗi cung ứng nông sản có đặc diểm là trải ra trên diện rộng, có tính chất liên xã, liên huyện, liên tỉnh, thậm chí là liên vùng.

Trong khi đó, chúng ta đang điều hành nền kinh tế theo địa giới hành chính, theo cách tiếp cận riêng rẽ từ mỗi địa phương. Có nhiều lý do khách quan, trong đó, có thể nhắc đến vấn đề về thể chế, tuy nhiên, chủ yếu vẫn là sự thiếu gắn kết trong tư duy hợp tác, cách tiếp cận hệ thống.

Chuỗi ngành hàng chỉ phát huy được giá trị tổng thể khi chuyển từ phân định, chia cắt địa giới hành chính sang quan điểm phát triển dựa trên không gian kinh tế chung, một thực thể kinh tế chung. Chuỗi ngành hàng chỉ phát huy được lợi thế khi có thiết chế điều phối đủ chặt chẽ, hiệu quả, bảo đảm sự điều chỉnh, can thiệp cần thiết, đúng lúc, đúng mực khi cung cầu thị trường bị gián đoạn, đứt gãy.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Càng qua nhiều sóng gió, trụ đỡ nông nghiệp càng vững chắc ảnh 2 Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Càng qua nhiều sóng gió, trụ đỡ nông nghiệp càng vững chắc ảnh 3

Bên cạnh những khó khăn và hạn chế đề cập ở trên, năm qua vẫn còn đó những trường hợp một số thị trường nước ngoài khuyến cáo bất lợi về sản phẩm nông sản Việt Nam. Bộ trưởng nói gì về những trường hợp này?

Thuyền lớn, sóng lớn.

Có thể xem đó là một trong những thách thức rất lớn trong thương mại toàn cầu mà chúng ta thường xuyên phải đối mặt và luôn cần chuẩn bị những kịch bản để thích ứng, kể cả những giải pháp phòng vệ thương mại.

Bên cạnh thị trường được mở ra nhờ các FTA, chắc chắn những rào cản mang tính bảo hộ là không tránh khỏi, nhất là khi quy mô xâm nhập thị trường vượt ngưỡng. Vấn đề là các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cần phải am hiểu, vững vàng “luật chơi” trên sân chơi lớn.

Trách nhiệm của chúng tôi là cung cấp đầy đủ và kịp thời những thông tin về quy định, yêu cầu của từng thị trường, từng loại sản phẩm, trong khi doanh nghiệp thể hiện sự chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, thành lập bộ phận chuyên trách theo dõi, cập nhật những quy định mới.

Nói chung là cần có cách tiếp cận, sự chuẩn bị bài bản, căn cơ, thay cho tình trạng “nước tới chân mới nhảy”.

Chuỗi ngành hàng chỉ phát huy được giá trị tổng thể khi chuyển từ phân định, chia cắt địa giới hành chính sang quan điểm phát triển dựa trên không gian kinh tế chung, một thực thể kinh tế chung.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Còn về lâu dài, ngay cả khi không có COVID-19, chúng ta vẫn thường phải chứng kiến hiện tượng giải cứu nông sản phát sinh. Theo Bộ trưởng, những giải pháp nào để hạn chế bền vững những hiện tượng như vậy?

Như tôi từng phát biểu, nền nông nghiệp của chúng ta vẫn còn “mù mờ”. Mù mờ cả đầu cung lẫn đầu cầu, mù mờ thông tin về quy mô sản lượng, thời vụ, trong hệ thống quản lý chuyên ngành từ Trung ương đến địa phương. Mù mờ về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm. Mù mờ về thị trường nhập khẩu, kể cả đối tác cạnh tranh, trong cùng một loại, một nhóm mặt hàng nông sản.

Thời gian tới, chuyển đổi số phải là một trong những giải pháp để xoá đi tình trạng mù mờ đó, nhằm tạo ra nền tảng thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, phục vụ cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý chuyên ngành.

Chuyển đổi số giúp hướng tới sàn giao dịch nông sản, trong đó đầu cung - đầu cầu có thể được “khớp lệnh” với nhau như thị trường chứng khoán. “Minh bạch” là thương hiệu của một nền nông nghiệp trách nhiệm - trách nhiệm với xã hội, với người tiêu dùng, với doanh nghiệp, với hàng chục triệu hộ nông dân.

Có một vấn đề nữa, gắn với đời sống của người nông dân miền Tây bao năm qua, rằng làm sao giải được bài toán hài hòa lợi ích giữa trách nhiệm an ninh lương thực và tăng thu nhập của người nông dân, để bà con không còn cảm giác an ninh lương thực là “chiếc vòng kim cô” đối với họ, thưa Bộ trưởng?

Đúng là chúng ta cần phải đặt vấn đề an ninh lương thực quốc gia là một vấn đề có tính chất trọng tâm trong phát triển bền vững đối với một đất nước đang tiến thới ngưỡng 100 triệu dân. Tuy nhiên, chúng ta cần có cách tiếp cận mới hơn, mở hơn đối với khái niệm lương thực.

Lương thực, có thể hiểu là gạo và những thực phẩm có thể thay thế gạo. Các quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến quan tâm nhiều hơn đến an ninh lương thực, thực phẩm và cân bằng dinh dưỡng.

Sự chuyển đổi linh hoạt, phù hợp mùa vụ giữa cây lúa và các cây trồng vật nuôi khác vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa sản xuất theo phương thức “thuận thiên”, không làm tổn thương hệ sinh thái, đa dạng sinh học.

Ngoài ra, phải tiếp cận tư duy của nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải gây ra hiệu ứng nhà kính như cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất quốc gia vừa được Quốc hội thông qua đã tạo điều kiện linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi cho phép đối với đất lúa.

Thực tế đã xuất hiện những mô hình đa canh, xen canh trên đất lúa rất hiệu quả ở Đồng bằng sông Cửu Long như lúa-tôm, lúa-cá, lúa-cây ngắn ngày. Những mô hình này vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa tiết kiệm chi phí đầu vào, vừa tăng lợi nhuận nhiều hơn trên một đơn vị diện tích, so với sản xuất lúa 3 vụ.

Vấn đề là phải làm lan toả những mô hình mới, muốn vậy cần đến hành động tập thể, từ nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học nông nghiệp đến cơ quan quản lý chuyên ngành.

Bộ trưởng từng nhấn mạnh, điểm nghẽn lớn nhất của ngành nông nghiệp là: “Nông dân tư duy mùa vụ, doanh nghiệp tư duy thương vụ, còn chính quyền địa phương thì tư duy nhiệm kỳ”. Để khai thông điểm nghẽn này chúng ta cần làm gì?

Bộ NN&PTNT đang dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với Chiến lược này, mục tiêu của ngành không mang tính ngắn hạn mùa vụ, thương vụ mà hướng đến việc liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong các chuỗi ngành hàng, trong từng vùng nguyên liệu.

Doanh nghiệp không chỉ là nhà kinh doanh nông sản, mà sẽ có nhiều doanh nghiệp trở thành nhà đầu tư nông nghiệp thông qua hợp tác với người sản xuất từ giống, vật tư đầu vào, hướng dẫn quy trình sản xuất, cho đến chế biên, tiêu thụ… Trong những công đoạn đó, doanh nghiệp có thể chia sẻ một số khâu trong chuỗi ngành hàng cho người sản xuất, cho HTX như vận chuyển, phân loại, sơ chế,…

Đón một năm mới với nhiều khó khăn thử thách đối với nền kinh tế, đối với nông nghiệp Việt Nam, thậm chí còn tiềm ẩn những rủi ro khó lường bởi COVID-19. Bộ trưởng có thể chia sẻ những hoạch định, mục tiêu và suy nghĩ của mình sẽ thực hiện trong năm tới?

Để vượt qua những khó khăn thử thách năm tới, các giải pháp sẽ xoay quanh việc kiên trì chuyển đổi tư duy phát triển, giải quyết từng nút thắt một, tăng cường tinh thần hợp tác trong nông dân, xây dựng mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, dựa trên tín hiệu, yêu cầu của thị trường làm chỉ dấu sản xuất.

Tôi muốn nhấn mạnh đến 3 yếu tố bắt buộc trong chiến lược dài hạn là: “Hợp tác, liên kết, thị trường”, hướng đến 3 yếu tố thúc đẩy gia tăng giá trị là: “Giảm chi phí, nâng chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm chế biến”.

Để đạt được điều đó, chúng ta cần đặt người nông dân vào đúng vai trò chủ thể, vị trí trung tâm trong triển khai Chiến lược.

Phát triển kinh tế nông thôn bắt đầu từ cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực, cải thiện chất lượng sống của người nông dân. Tạo ra những không gian khởi nghiệp, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp.

Đặt vai trò HTX vào đúng bản chất là vượt qua lời nguyền của một nền nông nghiệp “manh mún, nhỏ lẽ, tự phát”. Chương trình hành động tập thể được triển khai đồng bộ và hệ thống, với cách thức tiếp cận, định hướng về một nền nông nghiệp xanh sinh thái, minh bạch, trách nhiệm và bền vững.

Cám ơn Bộ trưởng về cuộc trò chuyện!

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án xanh, phát triển bền vững

Đồng Nai là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp giúp Đồng Nai đạt được những thành quả lớn trên lĩnh vực kinh tế. Song, mặt trái của quá trình phát triển này đưa đến tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển thiếu bền vững.

Chat với BizLIVE