CASA của Techcombank biến động

Tỷ lệ CASA có biến động đáng chú ý tại Techcombank - ngân hàng dẫn đầu hệ thống ở chỉ tiêu này nhiều năm qua.
Techcombank vừa gọi vốn quốc tế thành công với 1 tỷ USD cuối tháng 6 vừa qua
Techcombank vừa gọi vốn quốc tế thành công với 1 tỷ USD cuối tháng 6 vừa qua

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank, mã TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm nay Techcombank đạt lợi nhuận trước thuế đạt 14,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu nhập hoạt động tăng 16,6% so với cùng kỳ, đạt 21,1 nghìn tỷ đồng.

Hai chỉ tiêu mạnh nhất của Techcombank những năm qua tiếp tục giữ mức cao trong kỳ công bố: tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở vị thế đầu ngành, lần lượt đạt 47,5% và 3,6%.

Và như các kỳ cập nhật những năm gần đây, nhà băng này vẫn giữ khẩu vị rủi ro khá thận trọng, khi duy trì tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel II rất cao so với hầu hết các ngân hàng thương mại khác, đạt 15,7%.

Kết quả tổng quan trên cho thấy nhiều khả năng Techcombank sẽ tiếp tục “vô địch” toàn hệ thống ở chỉ tiêu ROA. Hiện vẫn còn khá nhiều ngân hàng thương mại chưa công bố, song hàng chục năm qua đến nay rất ít có thành viên nào đạt ROA trên 3,5%.

Điểm được chú ý là ở chỉ tiêu CASA. Techcombank đã nhiều năm dẫn đầu hệ thống ở chỉ tiêu này, đặc biệt tạo dấu ấn lần đầu tiên trong lịch sử ngân hàng Việt Nam có thành viên đạt CASA tới 50%, như cuối 2021 và quý 1/2022. Song, ở kỳ vừa cập nhật, chỉ tiêu này tại Techcombank dù vẫn rất cao nhưng đã giảm còn 47,5%.

Trong hoạt động ngân hàng, các chỉ tiêu như CASA hay tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) vẫn thường được đánh giá theo bình quân năm, nhưng các kỳ cập nhật cho thấy biến động nhất định.

Tại Techcombank, như trên, CASA biến động có thể nhìn đến ở nhiều khía cạnh.

Thứ nhất, nhiều ngân hàng đã nhập cuộc chính sách miễn phí giao dịch trực tuyến, điều mà Techcombank tạo lập vị thế từ năm 2016, đặc biệt trong năm 2021 đã có thêm những thành viên “Big 4” tham gia. Cạnh tranh miễn phí thu hút khách hàng ở đây đã mở rộng hơn.

Thứ hai, trong kỳ, lãi suất huy động đã có những đợt tăng đáng kể. Điều này kích thích nhất định sự dịch chuyển cơ cấu tiền gửi sang các kỳ hạn có lãi suất hấp dẫn hơn, mặc dù CASA có đặc điểm là phục vụ cho nhu cầu thanh toán.

Thứ ba, tại Techcombank cũng như các ngân hàng nói chung, yêu cầu cân đối vốn cho việc tiếp tục thực hiện giới hạn mới trong dùng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn mà Ngân hàng Nhà nước từng bước siết lại. Mốc thực hiện thu hẹp giới hạn này tiếp theo cũng đã gần kề, từ 01/10 tới.

Bản thân Techcombank cũng liên tiếp có các cân đối vốn đáng chú ý thời gian gần đây. Nổi bật là hoạt động huy động vốn quốc tế trong năm 2021 và đặc biệt đợt huy động thành công 1 tỷ USD vào cuối tháng 6 vừa qua.

Cân đối trên đặt trong điều kiện tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Techcombank có dấu hiệu hạn hẹp dần trong năm 2021, và việc huy động nguồn quốc tế cho thấy ngân hàng tăng thêm sự chủ động trong tạo nguồn và dư địa tăng trưởng. Đáng chú ý, sự chủ động này hạn chế được xáo trộn chi phí vốn nếu huy động trong nước và qua nâng lãi suất thông thường…

Đến cuối quý 2/2022, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của Techcombank đã được cân đối ở mức 32%, thấp hơn đáng kể so với giới hạn 37% mà Ngân hàng Nhà nước áp dụng từ 01/10 tới, cũng như đã giảm mạnh so với mức 39,1% cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh những kết quả trên, báo cáo của Techcombank cho biết, tổng dư nợ tín dụng của khách hàng trên báo cáo riêng lẻ cuối quý 2/2022 đã đạt 421,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cuối năm 2021; tổng tiền gửi cuối quý 2/2022 là 321,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 2,2% từ đầu năm.

Liên quan đến biến động CASA, báo cáo của Techcombank nêu chi tiết: đến cuối quý 2/2022 số dư CASA đạt 152,7 nghìn tỷ đồng, tăng 14,4%; tỷ lệ CASA giảm xuống 47,5% so với mức 50,4% cuối quý 1/2022 là do khách hàng có xu hướng chuyển dịch CASA sang một số sản phẩm khác như bất động sản và đầu tư chứng khoán.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu cuối quý 2/2022 của Techcombank ở mức 0,6%, dự kiến là mức thấp nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam; tỷ lệ bao phủ nợ xấu vẫn duy trì ở mức cao với 171,6%.

Đọc tiếp

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

VIB: Chiến lược cá nhân hóa chi tiêu qua thẻ theo từng phân khúc khách hàng

Theo sát hành trình chi tiêu không tiền mặt của khách hàng từ những ngày đầu ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng đến cột mốc tái cấu trúc thẻ cách đây nhiều năm, dấu ấn của VIB không chỉ là những con số biết nói, là vị thế dẫn đầu về công nghệ, ưu đãi và trải nghiệm người dùng, mà còn là sự tin tưởng, gắn bó của chủ thẻ.

Chat với BizLIVE