Chậm giải ngân vốn đầu tư công, chủ đầu tư thành "con nợ"

Mặc dù đã gần hết 8 tháng của năm 2022, nhưng nguồn vốn đầu tư công tại tỉnh Gia Lai mới chỉ giải ngân được khoảng 26%.
Dự án đường liên xã Ia Dêr - Ia Bă, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã gần hoàn thiện nhưng chủ đầu tư vẫn chưa được giải ngân vốn để trả cho nhà thầu thi công. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN
Dự án đường liên xã Ia Dêr - Ia Bă, huyện Ia Grai (Gia Lai) đã gần hoàn thiện nhưng chủ đầu tư vẫn chưa được giải ngân vốn để trả cho nhà thầu thi công. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, nguyên nhân cơ bản là do nhiều doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất nên tỉnh gặp khó khăn trong bố trí vốn giải ngân cho nhiều công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn.

Điều này cũng khiến nhiều chủ đầu tư (Ban quản lý các dự án - UBND huyện, thị xã, thành phố) tại các địa phương trong tỉnh trở thành "con nợ" khi công trình thi công gần như hoàn thiện, nhưng không có tiền để trả cho nhà thầu.

Khi các chủ đầu tư thành "con nợ"

Theo kế hoạch, năm 2022, trong tổng số hơn 3.600 tỷ đồng vốn đầu tư công của tỉnh Gia Lai có trên 855 tỷ đồng từ nguồn tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, báo cáo của Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, nhiều doanh nghiệp chậm nộp tiền sử dụng đất nên tỉnh gặp khó khăn trong bố trí vốn giải ngân cho nhiều công trình, dự án trọng điểm.

Đơn cử như dự án đường liên xã Ia Dêr - Ia Bă, huyện Ia Grai có tổng vốn đầu tư 50 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Năm 2021, kế hoạch vốn được giao là 30 tỷ đồng đã giải ngân xong. Năm 2022 còn 20 tỷ đồng nằm trong kế hoạch phân bổ vốn cũng từ tiền thuế sử dụng đất, nhưng đến đầu tháng 8/2022, dự án này vẫn chưa được cấp vốn trên hệ thống nên chưa thực hiện giải ngân được.

Hiện nay, dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng, nhưng đơn vị thi công vẫn chưa nhận được tiền tạm ứng so với khối lượng. Đại diện Ban quản lý các dự án đầu tư huyện Ia Grai cho biết, địa phương đã nhiều lần kiến nghị Sở Tài chính và UBND tỉnh Gia Lai, song đến nay dự án vẫn nợ toàn bộ tiền công trình năm 2022 của nhà thầu thi công.

Nhiều công trình đầu tư năm 2022 tại tỉnh Gia Lai chưa được giải ngân vốn do địa phương không thu được tiền sử dụng đất - nguồn phân bổ vốn theo kế hoạch. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Ông Lê Hoài Tây - đại diện đơn vị thi công dự án đường liên xã Ia Dêr - Ia Bă, huyện Ia Grai cho hay, ngay từ khi nhận thầu thi công dự án, nhà thầu phải bỏ tiền ra trước để thực hiện. Như thường lệ, công trình sẽ được ứng trước kinh phí hoặc nếu hoàn thành 50% khối lượng công trình đã được giải ngân một nửa vốn.

Năm nay dự án gần như hoàn thiện, phía nhà thầu thi công vẫn chưa nhận được tiền. Trong khi đó, giá vật tư ngày càng leo thang đội vốn và cần tiền trả cho công nhân, phía công ty phải vay vốn ngân hàng để đảm bảo tiến độ công trình như dự kiến với hy vọng dự án được sớm giải ngân.

Cùng tình trạng chưa được hoàn vốn khi công trình trong giai đoạn hoàn thiện, dự án xây dựng tuyến đường Đê Kôn dài 6,6 km, nối từ Quốc lộ 19 đến làng Đê Kôn, xã H'ra, huyện Mang Yang, Gia Lai với tổng kinh phí 34 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Ông Nguyễn Văn Trọng - chỉ huy trưởng công trình cho hay, đơn vị thi công cũng đã chia sẻ khó khăn với chủ đầu tư bởi họ chưa nhận được vốn theo kế hoạch năm 2022.

Công trình đã gần hoàn thiện mà phía nhà thầu thi công chưa nhận được tiền nên cũng gặp rất nhiều khó khăn do trả tiền nhân công, tiền vật liệu. Khi đề nghị thanh toán thì chủ đầu tư đều hẹn bao giờ được "rót vốn" mới có tiền thanh toán. Lúc này nhà thầu thi công đành chấp nhận xoay sở để hoàn thiện, nhưng cũng đề nghị chủ đầu tư sớm giải quyết kinh phí như hợp đồng ký kết.

Xem xét giảm hoặc giãn tiến độ các dự án

Tình trạng chủ đầu tư nợ tiền nhà thầu thi công đang xảy ra phổ biến ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Để tháo gỡ vấn đề này và các chủ đầu tư không trở thành "con nợ", UBND tỉnh Gia Lai đã nhiều lần họp với các sở, ngành tìm cách giải quyết. Giữa tháng 7/2022, Sở Tài chính Gia Lai đã có văn bản số 2142 đôn đốc việc nộp thuế của các đơn vị; đồng thời, kiến nghị tham mưu UBND tỉnh xem xét giãn tiến độ thực hiện các dự án để tránh tình trạng nợ đọng trong triển khai các dự án xây dựng năm 2022.

Chủ đầu tư Dự án đường Đê Kôn, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai vẫn nợ tiền của nhà thầu thi công khi công trình gần hoàn thiện. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Theo báo cáo này, tổng số tiền sử dụng đất cấp tỉnh đã nhập (kế hoạch dự kiến) là 238 tỷ đồng, số thu từ tiền sử dụng đất cấp tỉnh mới chỉ được hơn 55 tỷ đồng. Do đó, không còn kinh phí để đề xuất UBND tỉnh cho tạm ứng các dự án được bố trí từ nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh.

Ngoài ra, số kinh phí chưa nhập vào so với kế hoạch vốn còn hơn 617 tỷ đồng của các dự án khởi công mới, chuyển tiếp hoàn thành. Sở Tài chính tỉnh Gia Lai nhận định, đây là khó khăn, vướng mắc cho các chủ đầu tư được bố trí vốn từ nguồn thu sử dụng đất cấp tỉnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công.

Sở Tài chính cũng đề xuất UBND tỉnh Gia Lai đôn đốc các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án dự kiến thu gần 800 tỷ đồng thuộc ngân sách cấp tỉnh để làm cơ sở phân bổ vốn thực hiện các dự án năm 2022 (Dự án khu nhà ở thương mại Nguyễn Chí Thanh, Dự án Khu đô thị Cầu Sắt - Plieku, Chợ đầu mối nông sản Quốc tế, dự án khu A suối Hội Phú...).

Ông Nguyễn Hữu Quế - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đang tính toán các phương án để đảm bảo kịp phân bổ vốn cho các đơn vị, địa phương. Từ nay đến cuối năm, tỉnh vẫn còn một số dự án có khả năng thu được khoảng 450 tỷ đồng tiền sử dụng đất; đồng thời, có phương án điều chuyển từ các dự án ghi vốn cho năm 2022, nhưng dùng không hết để cắt bớt cho công trình còn thiếu. Hoặc tỉnh sẽ lấy một phần vốn từ các công trình xây dựng trong năm 2022 đã hoàn thiện, quyết toán, còn thừa vốn dự phòng hoặc vốn thừa từ đấu thầu để trích chuyển cho dự án còn thiếu vốn. Nếu không được thì buộc phải chuyển công trình này sang năm 2023.

Nhiều công trình đầu tư năm 2022 tại tỉnh Gia Lai chưa được giải ngân vốn do địa phương không thu được tiền sử dụng đất - nguồn phân bổ vốn theo kế hoạch. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Hiện nay, sau biến động về đất đai, một số dự án đầu tư lớn đã không khởi công xây dựng sau khi đã có chủ trương chấp thuận hoặc đang bị tạm đình chỉ xây dựng khiến nguồn thu từ tiền sử dụng đất của tỉnh Gia Lai bị sụt giảm đáng kể. Qua đó, ảnh hưởng đến tình hình phân bổ vốn đầu tư công cho các dự án trên địa bàn theo dự kiến.

Ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Gia Lai cho rằng, để tránh tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản khi cuối năm nguồn thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh không đạt như dự kiến, tỉnh cần xem xét giảm hoặc giãn tiến độ thực hiện các dự án phù hợp với khả năng thu ngân sách của tỉnh.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Chat với BizLIVE