ChatGPT và công nghệ AI tác động như thế nào tới thị trường lao động?

AI là một trong những công nghệ được đón nhận nồng nhiệt nhất. Nhiều ứng dụng công nghệ có thể thay đổi diện mạo thị trường lao động trong nhiều năm tới làm xuất hiện những lo ngại về vấn đề việc làm cho người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù chỉ mới ra mắt từ tháng 11/2022, ChatGPT đang "làm mưa làm gió" trên thị trường, thu hút được rất nhiều sự quan tâm. Nhiều lo ngại rằng, ChatGPT sẽ chiếm mất công việc của con người trong mọi lĩnh vực.

Từ khi ra mắt, ChatGPT nhanh chóng thu hút chú ý và được giới công nghệ gọi là "siêu AI" với lượng kiến thức "khủng", có thể "trả lời mọi thứ như người thật". ChatGPT là mô hình ngôn ngữ lớn được huấn luyện bởi Công ty phát triển trí tuệ nhân tạo OpenAI của Mỹ, có sự rót vốn của tỉ phú công nghệ Elon Musk và Microsoft.

Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ tiên tiến khi áp dụng vào thực tế cuộc sống giúp con người giảm sức lao động, tăng năng suất và đạt hiệu quả làm việc cao. Những tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là cơ hội để tiết giảm nhân lực nhưng cũng là thách thức với thị trường lao động nếu đưa vào áp dụng thực tế, xuất hiện nhiều lo ngại về vấn đề việc làm cho người lao động.

Theo báo cáo The Future of Jobs 2020 của World Economic Forum, AI là một trong những công nghệ được đón nhận nồng nhiệt nhất. Ngay cả trước khi chứng kiến những đột phát trong năm 2022, hầu hết doanh nghiệp trên thế giới đều kỳ vọng ứng dụng AI vào năm 2025.

Công nghệ tiên tiến khi áp dụng vào thực tế cuộc sống giúp con người giảm sức lao động, tăng năng suất và đạt hiệu quả làm việc cao.
Công nghệ tiên tiến khi áp dụng vào thực tế cuộc sống giúp con người giảm sức lao động, tăng năng suất và đạt hiệu quả làm việc cao.

Nhiều ứng dụng có thể thay đổi diện mạo thị trường lao động trong nhiều năm tới. Tác động dễ thấy nhất là nâng cao năng suất ở nhiều vị trí. Giáo viên có thể bớt thời gian chấm điểm để dành nhiều thời gian chuẩn bị bài giảng hoặc trao đổi với học sinh. Chuyên gia kinh tế có thể bớt thời gian tìm kiếm dữ liệu hoặc không cần làm những phân tích đơn giản để tập trung tìm cách diễn giải dữ liệu. Có thể quy trình sẽ được đơn giản hóa. Như vậy, AI có khả năng thay thế một số công việc và làm thay con người những phần việc kém thú vị.

AI cũng có thể giúp thúc đẩy khoa học đạt thêm những đột phá mới. Ví dụ như AI có thể giúp đẩy nhanh thử nghiệm y khoa, cho phép tăng số lượng thử nghiệm lên nhiều hơn so với việc triển khai quy trình bằng sức người. Giải quyết các vấn đề nói chung sẽ tốn ít thời gian hơn, qua đó giúp tháo gỡ bớt rào cản đối với phát triển khoa học và con người.

Trong ngành tài chính – ngân hàng, AI cũng được coi là công nghệ mang tính cách mạng giúp nâng cao hiệu suất, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ quản trị rủi ro và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Bên cạnh đó, một xu hướng đang ngày càng trở nên phổ biến là các Contact Centre (trung tâm dịch vụ khách hàng) sử dụng chatbot và tổng đài trợ lý ảo (voicebot) để hỗ trợ khách hàng nhanh chóng 24/7. AI cũng hỗ trợ các ngân hàng phân tích dữ liệu để lắng nghe, thấu hiểu và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng cũng như nâng cao trải nghiệm của họ khi giao dịch qua bất kỳ kênh nào, ví dụ như giới thiệu tính năng quét vân tay/giọng nói/nhận diện khuôn mặt để giao dịch. McKinsey từng ước tính, tổng giá trị tiềm năng được tạo ra nhờ ứng dụng AI trong ngành ngân hàng toàn cầu có thể đạt tới 1.000 tỷ USD/năm thông qua thúc đẩy doanh thu, giảm chi phí, khai mở cơ hội kinh doanh mới…

Những thành quả về năng suất này có thể giúp kinh tế toàn cầu tăng trưởng và chống lạm phát. AI cũng có thể hướng tới giúp chúng ta giảm giờ làm, tăng giờ nghỉ trong một số công việc, qua đó thúc đẩy chi tiêu. Nếu nhìn vào dữ liệu giờ làm trên thế giới, tiến độ giảm số tuần làm việc đã chững lại trong khoảng một thập kỷ qua, thậm chí có nơi số giờ làm việc còn tăng lên. Trong bối cảnh đó, người lao động có xu hướng chọn những công việc chú trọng kết quả đầu ra hơn là ký hợp đồng cố định số giờ làm. Tiến bộ công nghệ có thể cho phép người lao động trong nhiều lĩnh vực dịch vụ cắt giảm giờ làm mà không ảnh hưởng đến kết quả đầu ra.

Nhiều người băn khoăn liệu AI có thể tạo ra tác động như thế nào đối với số lượng việc làm trong nền kinh tế. Liệu những vị trí mới sản sinh từ sự phổ biến rộng rãi ứng dụng AI có nhiều hơn số việc làm mất đi vì xu hướng đó hay không, hoặc liệu năng suất nâng cao nhờ AI có bù đắp cho tổn thất về việc làm trong một thế giới mà những thị trường đã phát triển vốn đã chứng kiến dân số trong độ tuổi lao động ngày một thu hẹp. Những rủi ro này từng là mối bận tâm khi xu hướng tự động hóa lên ngôi và vẫn còn tiếp tục khi “cơn sóng” AI ập tới.

Dưới góc nhìn của bà Trần Thị Nguyệt Oanh, Giám đốc Nhân sự HSBC Việt Nam cho biết, ChatGPT phản ánh sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ cũng như vai trò AI có thể đóng góp trong nhiều lĩnh vực trong tương lai. Khả năng tạo ra nội dung chi tiết và gần gũi với con người chính là yếu tố khiến ChatGPT vượt ra ngoài khuôn khổ của một công cụ tìm kiếm thông thường. Chatbot này có thể sáng tác kịch bản cho một vở kịch hoặc bản thu podcast, sáng tác truyện dựa trên nhân vật có sẵn và tìm kiếm giải pháp lập trình để giải quyết vấn đề.

Bà Oanh cũng cho hay, ChatGPT có đủ tầm để thay đổi thế giới hay không vẫn là chủ đề được bàn cãi nhưng ít nhất nó cho thấy mức độ ứng dụng vào thực tiễn của những tiến bộ công nghệ. Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của HSBC đã tương tác với chính ChatGPT và đặt những câu hỏi về ảnh hưởng của AI đối với thị trường lao động?

Ảnh hưởng của AI tới thị trường lao động, ChatGPT đáp rằng AI có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng lớn đối với thị trường lao động thông qua việc tự động hóa một số nhiệm vụ và quy trình, dẫn đến con người bị thay thế trong một vài ngành. Máy móc và các thuật toán có thể thực hiện một số nhiệm vụ hiệu quả và chính xác hơn con người. Tuy nhiên, điều quan trọng là AI cũng có thể tạo ra cơ hội việc làm mới, cụ thể là trong những lĩnh vực liên quan đến phát triển và triển khai AI như chuyên gia dữ liệu, kỹ sư phần mềm, nhà nghiên cứu AI, đội ngũ thiết kế, vận hành và quản lý hệ thống AI... Cũng không phải công việc nào cũng có thể bị ảnh hưởng, một số công việc khó áp dụng tự động hóa do bản chất công việc hoặc nhu cầu cần tương tác giữa người với người. Nhìn chung, tác động của AI lên thị trường lao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ ứng dụng AI trong các ngành khách hàng, nhiệm vụ được tự động hóa và sự phổ biến của các chương trình giáo dục và đào tạo nhằm chuẩn bị cho người lao động sẵn sàng cho những công việc trong tương lai.

Với những công việc dễ bị ảnh hưởng bởi AI nhất, ChatGPT nói rằng không dễ để dự đoán chính xác vì mức độ ứng dụng AI mỗi nơi và mỗi ngành một khác. Tuy nhiên, một vài nghiên cứu đã chỉ ra một vài công việc có thể dễ bị ảnh hưởng do bản chất công việc và mức độ dễ bị tự động hóa, ví dụ như những công việc liên quan đến những nhiệm vụ lặp đi lặp lại, dễ đoán trong ngành sản xuất, nhập liệu, dịch vụ khách hàng… Những công việc đòi hỏi thể lực và động tác lặp đi lặp lại cũng dễ bị tự động hóa vì máy móc và robot thực hiện những nhiệm vụ này hiệu quả và chính xác hơn con người. Trái lại, công việc đòi hỏi mức độ sáng tạo cao, phải đưa ra quyết định hoặc cần tương tác giữa người với người có thể ít bị ảnh hưởng, ví dụ như công việc trong ngành giáo dục, y tế, công tác xã hội…

Đối với nghề giáo viên, ChatGPT trả lời rằng AI ít khả năng có thể thay thế hoàn toàn công việc “trồng người”. Dạy học đòi hỏi mức độ sáng tạo và tương tác trực tiếp giữa người với người cao mà các công nghệ AI hiện tại khó bắt chước. Tuy nhiên, AI có thể hỗ trợ giáo viên trong một số nhiệm vụ như chấm điểm, đưa ra phản hồi cho từng học sinh hoặc lên kế hoạch giảng dạy. Ứng dụng AI trong giáo dục cũng có thể mở ra nhiều cơ hội việc làm như thiết kế và phát triển công cụ giáo dục dựa trên AI hoặc đào tạo và hỗ trợ giảng viên lẫn học viên cách sử dụng những công cụ đó. Tóm lại, ảnh hưởng của AI lên ngành giáo dục và việc làm của giáo viên sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ ứng dụng AI trong trường học, loại tác vụ được tự động hóa…

Trả lời cho câu hỏi nền kinh tế nào cần chuẩn bị sẵn sàng cho tình trạng mất việc làm do AI, ChatGPT phản hồi rằng khó dự đoán chính xác vì có những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thích nghi với tác động do tự động hóa của một nền kinh tế như sự phổ biến của các chương trình giáo dục, đào tạo, sự vững mạnh của “lưới an sinh xã hội” và mức độ linh hoạt của thị trường lao động. Ví dụ, những nền kinh tế có hệ thống giáo dục và đào tạo phát triển có thể sẵn sàng ứng phó với tác động của tự động hóa đối với thị trường lao động, hệ thống đó giúp người lao động trang bị kỹ năng và kiến thức cần thiết để thích nghi với sự biến động trên thị trường lao động. Các nền kinh tế có “lưới an sinh xã hội” vững mạnh với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chương trình tái đào tạo tốt cũng có thể hỗ trợ tốt hơn cho người lao động mất việc vì tự động hóa. Những nền kinh tế có thị trường lao động linh hoạt nơi người lao động dễ dàng nhảy việc giữa các ngành nghề cũng sẽ có thể thích nghi với những thay đổi trên thị trường lao động do tự động hóa.

Cuối cùng, Bộ phận Nghiên cứu Toàn cầu của HSBC hỏi ChatGPT đâu là những cách ứng dụng trí tuệ nhân tạo tốt nhất. Chatbot này nói rằng AI có tiềm năng để ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực và có thể dùng để giải quyết được nhiều vấn đề như Nhận diện hình ảnh và giọng nói; Xử lý ngôn ngữ tự nhiên; Phân tích mang tính dự đoán; Đưa ra quyết định; Công nghệ robot; Y học… Đây chỉ là một vài ví dụ về tiềm năng của AI. Công nghệ sẽ còn tiếp tục tiến hóa và nâng cao, khả năng ứng dụng AI sẽ còn tiếp tục mở rộng.

Tựu trung lại, tiềm năng phát triển trong tương lai của AI nhằm hỗ trợ con người trong công việc, nâng cao năng suất là rất lớn. Tất nhiên, trên chặng đường đó sẽ có những thách thức, rào cản. AI sẽ làm giảm việc làm và “chiếm” mất một phần việc làm của con người, nhưng khả năng cao là AI sẽ lấy đi phần nhàm chán, tẻ nhạt và lặp đi lặp lại trong của công việc của chúng ta.

Xét cho cùng, tiến bộ công nghệ vẫn phải nhằm phục vụ con người, Do đó điều quan trọng là dù ở bối cảnh nào, thời điểm nào, người lao động vẫn cần tự nâng cấp bản thân để đảm bảo đủ khả năng làm chủ máy móc.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE