China Evergrande loay hoay gỡ "bom nợ"

China Evergrande đang cân nhắc trả tiền và chuyển nợ thành cổ phần cho các chủ nợ nước ngoài. Đó là một phần của kế hoạch tái cơ cấu nợ của tập đoàn địa ốc nợ nần nhất thế giới.
Năm ngoái, China Evergrande đã rơi vào hố sâu nợ hơn 300 tỷ USD. Các trái chủ, ngân hàng, nhà đầu tư, khách hàng và nhà thầu làm ăn với tập đoàn đều lao đao. Ảnh: Reuters.
Năm ngoái, China Evergrande đã rơi vào hố sâu nợ hơn 300 tỷ USD. Các trái chủ, ngân hàng, nhà đầu tư, khách hàng và nhà thầu làm ăn với tập đoàn đều lao đao. Ảnh: Reuters.

Theo nguồn tin của Reuters, China Evergrande - tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới - đang cân nhắc trả nợ cho các trái chủ nước ngoài khoảng 19 tỷ USD tiền mặt và cổ phần tại 2 trong số các đơn vị niêm yết ở Hong Kong.

China Evergrande có khoảng 22,7 tỷ USD nợ nước ngoài, bao gồm các khoản vay và trái phiếu. Năm ngoái, tập đoàn địa ốc lớn thứ 2 Trung Quốc đã chính thức vỡ nợ sau khi không thể trả lãi trái phiếu đúng hạn. Đến tháng 3 năm nay, China Evergrande cho biết sẽ công bố đề xuất tái cơ cấu nợ vào cuối tháng 7.

Theo một phần của đề xuất, China Evergrande đang tìm cách trả nợ gốc và lãi cho các chủ nợ nước ngoài bằng cách chuyển thành trái phiếu mới. Chúng sẽ được trả dần trong khoảng thời gian từ 7 đến 10 năm.

Kế hoạch tái cơ cấu nợ

Các chủ nợ nước ngoài cũng sẽ được phép hoán đổi một phần nợ thành cổ phần trong công ty dịch vụ bất động sản Evergrande Property Services Group Ltd và hãng xe điện China Evergrande New Energy Vehicle Group Ltd (niêm yết tại Hong Kong).

Theo nguồn tin của Reuters, có tới 20% nợ nước ngoài có khả năng được hoán đổi thành cổ phiếu tại 2 công ty này. Tuy nhiên, các đề xuất tái cơ cấu vẫn còn ở giai đoạn đầu và có thể thay đổi.

China Evergrande từng là tập đoàn bất động sản có doanh thu cao nhất ở Trung Quốc. Tập đoàn của tỷ phú Hứa Gia Ấn đã thành lập một ủy ban quản lý rủi ro vào tháng 12 năm ngoái.

Năm 2021, China Evergrande đã rơi vào hố sâu nợ hơn 300 tỷ USD. Các trái chủ, ngân hàng, nhà đầu tư, khách hàng và nhà thầu làm ăn với tập đoàn đều lao đao. Cuộc khủng hoảng tiền mặt của China Evergrande cũng khiến lĩnh vực bất động sản khổng lồ của Trung Quốc sụt giảm nghiêm trọng.

Gần 800 dự án tại 200 thành phố khắp cả nước của China Evergrande không thể hoàn thành. Ảnh: Reuters.

Số vụ vỡ nợ trong ngành bất động sản của Trung Quốc đã tăng mạnh. CNBC đưa tin theo các nhà phân tích Kenneth Ho và Chakki Ting của Goldman Sachs, kể từ đầu năm đến nay, 22 công ty phát hành trái phiếu lãi suất cao của Trung Quốc - tất cả đều liên quan đến lĩnh vực địa ốc - đã vỡ nợ hoặc không thể trả đúng hạn những trái phiếu bằng đồng USD.

Theo dữ liệu được Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, giá nhà mới tại 70 thành phố trong tháng 4 đã giảm 0,3% so với tháng trước, mức giảm nhanh nhất trong vòng 5 tháng.

Doanh số bán nhà tính theo giá trị vào tháng 4 đã lao dốc 49% so với một năm trước đó, mức thấp nhất kể từ cuối năm 2015.

Loay hoay gỡ bom nợ

Tập đoàn địa ốc của tỷ phú Hứa Gia Ấn bắt đầu chao đảo sau khi giới chức Trung Quốc ban hành chính sách 3 lằn ranh đỏ. Nếu vượt cả 3 lằn ranh đỏ, tập đoàn bất động sản sẽ không được phép vay thêm tiền từ ngân hàng.

China Evergrande - tập đoàn đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những thập kỷ qua nhờ vào vay nợ ồ ạt - rơi vào thế khó. Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc thường vay 2 lần trên mỗi dự án. Trước tiên, ông Hứa vay từ các ngân hàng. Sau đó, ông vay của khách mua nhà. Nhiều người mua nhà thậm chí trả trước 100%.

Khi tập đoàn rơi vào khủng hoảng, các khách mua nhà của China Evergrande đã hoảng loạn. Nhiều người kéo đến văn phòng của tập đoàn để đòi lại tiền.

China Evergrande còn gặp khó trong việc trả tiền cho các nhà cung cấp và nhà thầu, hoàn thành những dự án và nhà ở đang dang dở. Gần 800 dự án tại 200 thành phố khắp cả nước của tập đoàn này không thể hoàn thành.

Vào đầu năm nay, China Evergrande đã bắt đầu đàm phán với các trái chủ nước ngoài về đề xuất tái cơ cấu, nhằm hoàn thành kế hoạch trong tháng 7.

"Chủ tịch China Evergrande Hứa Gia Ấn hy vọng các trái chủ sẽ chấp nhận đề xuất. Bởi họ không có nhiều tài sản ở nước ngoài có thể bán ngay lập tức để trả nợ", nguồn tin giấu tên nói với Reuters.

Hiện, vẫn chưa rõ làm cách nào để China Evergrande có thể đảm bảo đủ tiền mặt để thực hiện kế hoạch hoàn trả bằng tiền mặt. Trong năm 2021, doanh số bán nhà theo hợp đồng của tập đoàn đã lao dốc 39% so với một năm trước đó.

Theo 2 trái chủ nước ngoài của China Evergrande, họ nghiêng về phương án hoán đổi nợ thành cổ phần. Bởi những trái chủ này không cho rằng tập đoàn Trung Quốc có thể trả toàn bộ bằng tiền mặt như đã hứa.

Tương tự công ty mẹ, cổ phiếu của Evergrande Property Services và Evergrande New Energy Vehicle đã bị dừng giao dịch trong khoảng 2 tháng. Chưa công ty nào nộp kết quả tài chính năm 2021 do việc kiểm toán chưa được hoàn thành.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE