Chứng khoán Mỹ khép lại nửa đầu năm giảm điểm mạnh nhất trong 5 thập kỷ

S&P 500 có nửa đầu năm giảm điểm sâu nhất tính từ năm 1970, chỉ số chịu tổn hại bởi những nỗi lo về lạm phát leo thang và các đợt nâng lãi suất của Fed cũng như căng thẳng Nga – Ukraine.
Ảnh: Times of Israel
Ảnh: Times of Israel

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên cuối cùng của nửa đầu năm 2022; chỉ số S&P 500 có nửa đầu năm mất điểm mạnh nhất trong hơn 50 năm.

Chốt phiên giao dịch, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones hạ 253,88 điểm tương đương 0,8% xuống 30.775,43 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ gần 0,9% xuống còn 3.785,43 điểm còn chỉ số Nasdaq mất 1,3% xuống còn 11.028,74 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 22,4% trong quý 2/2022 và như vậy có quý giảm điểm mạnh nhất tính từ năm 2008.

S&P 500 có nửa đầu năm giảm điểm sâu nhất tính từ năm 1970, chỉ số chịu tổn hại bởi những nỗi lo về lạm phát leo thang và các đợt nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như căng thẳng Nga – Ukraine và các đợt phong tỏa do COVID-19 tại Trung Quốc.

Nửa đầu năm 2022, S&P 500 mất hơn 20% giá trị, Dow Jones sụt 15% còn Nasdaq hạ đến gần 30%.

Trưởng bộ phận đầu tư tại Homrich Berg, bà Stephanie Lang, nói với CNBC: “Chúng ta đã trải qua một đại dịch COVID-19 tồi tệ chưa từng thấy, nó đóng cửa thế giới và khiến cho các nhà lãnh đạo trên thế giới phải đưa ra nhiều phản ứng chính sách tiền tệ và tài khóa mạnh tay chưa từng có. Nó tạo ra cơn bão hoàn hảo xét đến việc nhu cầu tăng vọt cũng như các yếu tố gây gián đoạn chuỗi cung ứng, giờ đây chúng ta đang phải chứng kiến lạm phát cao chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ và một Fed vô cùng thận trọng”.

“Giờ đây thị trường đang bị buộc phải thích ứng với thực tế mới rằng Fed đang chơi trò đuổi bắt và tăng trưởng kinh tế chững lại”, bà Lang phân tích.

Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ tăng mạnh vào đầu năm nay cũng như định giá quá cao đã khiến cho cổ phiếu giảm điểm, nhà đầu tư thoát ra khỏi các cổ phiếu đã tăng quá nóng trên thị trường. Cùng lúc đó lãi suất tăng cao khiến cho triển vọng lợi nhuận trong tương lai của nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng này trở nên kém hấp dẫn.

Chỉ số Nasdaq chịu tác động nặng nề trong năm nay. Chỉ số này hiện thấp hơn khoảng 31% so với ngưỡng cao chưa từng thấy vào ngày 22/11. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của thế giới công bố lợi nhuận sụt giảm mạnh trong năm nay, cổ phiếu Netflix hạ 71%; cổ phiếu Apple và Alphabet mất gần 23% và 24,8%. Cổ phiếu Meta sở hữu Facebook hạ 52%.

Trong ngày thứ Năm, cổ phiếu Universal Health Services hạ 6,1%, việc cổ phiếu này suy giảm không khỏi kéo thị trường đi xuống. Doanh nghiệp Universal Health Services công bố lợi nhuận và doanh thu quý 2/2022 thấp hơn kỳ vọng của các chuyên gia.

Cổ phiếu doanh nghiệp dược phẩm Walgreens Boots Alliance giảm sâu nhất trong nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số Dow Jones, mức hạ ghi nhận 7,2% sau khi công ty này thông báo dự báo triển vọng lợi nhuận thấp.

Bộ Thương mại Mỹ vào ngày thứ Năm công bố chỉ số giá tiêu dùng lõi, chỉ số mà Fed hay dùng để tính toán lạm phát, tăng 4,7% trong tháng 5/2022, con số này thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng trước đó, tuy nhiên vẫn ở ngưỡng cao chưa từng thấy tính từ thập niên 1980. Chỉ số này tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, theo tính toán của Dow Jones.

Fed đã hành động rất cứng rắn nhằm cố gắng giảm tỷ lệ lạm phát Mỹ hiện đã đang ở ngưỡng cao nhất trong 40 năm.

Chủ tịch Fed tại Cleveland, bà Loretta Mester, nói với CNBC vào ngày thứ Tư rằng bà ủng hộ việc nâng lãi suất 75 điểm cơ bản trong cuộc họp sắp tới của ngân hàng trung ương Mỹ vào tháng 7/2022 nếu điều kiện kinh tế vẫn tiếp tục như hiện tại. Trước đó trong tháng 6/2022, Fed đã nâng lãi suất chuẩn thêm ¾ điểm phần trăm, mức tăng cao nhất tính từ năm 1994.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE