"Chuyển đổi số ngành ngân hàng vấn đề không phải là về công nghệ"

Khẳng định tầm quan trọng của công nghệ với chuyển đổi số ngành ngân hàng, tuy nhiên, theo góc nhìn của Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ - Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, chuyển đổi số có trọng tâm là vấn đề chuyển đổi về tư duy, văn hóa.
94% ngân hàng khi nói đến chiến lược 10 năm tới đều nói đó là chuyển đổi số...
94% ngân hàng khi nói đến chiến lược 10 năm tới đều nói đó là chuyển đổi số...

Như đã thông tin, trong 2 ngày 25-26/5, Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022 (Vietnam - Asia DX Summit 2022) đã được Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, tại Hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng - phát triển kinh tế số", các diễn giả là chuyên gia, lãnh đạo, nhà quản lý trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng đã có những phần trao đổi, chia sẻ những góc nhìn về xu hướng chuyển đổi số trong ngành với vai trò "đầu tàu" dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế số.

Mở đầu buổi chuyên đề, ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch CLB Đầu tư Công nghệ số (VDI), nguyên Chủ tịch Ngân hàng Liên Việt đề cập vấn đề thời gian gần đây các cụm từ như "chuyển đổi số", "startup" hay "khởi nghiệp đổi mới sáng tạo"... được đề cập, nói đến rất nhiều. Nhất là khi Chính phủ đã xây dựng cả một Chương trình Chuyển đổi số quốc gia một cách tổng thể hay cho từng lĩnh vực.

"Ngành tài chính ngân hàng là lĩnh vực liên quan đến đến tiền, mà đã liên quan đến tiền thì sẽ có sự liên quan đến mọi thứ", ông Thắng nói.

Ông Thắng dẫn lại câu nói vui trong ngành: "No money no talk" với ý không có tiền thì chẳng làm gì được cả, từ đó khẳng định chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đóng vai trò trọng tâm trong quá trình chuyển đổi số.

Vị cựu chủ tịch ngân hàng cũng thể hiện sự tin tưởng ngành ngân hàng hoàn toàn có đủ điều kiện để đi tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số khi đã có nền tảng công nghệ từ trước, có được nguồn lực con người lại được xác định là trọng tâm trong công cuộc này.

Ông Thắng đặt ngân hàng ở vị trí trung tâm trong hệ sinh thái chuyển đổi số ngành tài chính khi đối tượng này liên quan trực tiếp tới các lĩnh vực khác như chứng khoán, bảo hiểm, thương mại điện tử hay hoạt động của các doanh nghiệp...

Các diễn giả tham gia Hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng - phát triển kinh tế số".

Các diễn giả tham gia Hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng - phát triển kinh tế số".

CHUYỂN ĐỔI SỐ PHẢI TẠO RA GIÁ TRỊ ĐỂ PHỤC VỤ KHÁCH HÀNG ĐƯỢC TỐT HƠN

"Thực sự là chúng ta đã nói rất nhiều về chuyển đổi số và cụm từ "chuyển đổi số" hiện đang là vấn đề rất trending, đắt khách", ông Trần Công Quỳnh Lân - Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nói khi mở đầu phần thuyết trình về Xu hướng Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng nhấn mạnh: "Mục đích cuối cùng, nói cho cùng của chuyển đổi số là tạo ra giá trị",

Theo ông Lân, với ngành ngân hàng, mục đích đầu tiên của chuyển đổi số là để phục vụ được khách hàng tốt hơn. Chúng ta chuyển đổi số ngành ngân hàng làm sao để người dân có thể tiếp cận được dịch vụ của ngân hàng dễ hơn, tiện lợi, mọi lúc mọi nơi với trải nghiệm được tốt nhất.

Ông Lân cho rằng đây chính là định hướng cũng như mục tiêu mà mọi ngân hàng đều đang thực hiện. Trong đó, ứng dụng ngân hàng số đều đã được các ngân hàng triển khai. Tất cả những chức năng, dịch vụ của ngân hàng đều đã được đưa lên các kênh trực tuyến, ứng dụng trên smartphone như mở tài khoản, gửi tiết kiệm dịch vụ thẻ, tín dụng... giúp phục vụ khách hàng mọi lúc, mọi nơi, mọi nhu cầu.

Ông Lân tin tưởng, sắp tới với sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cũng như các công ty tin học, doanh nghiệp công nghệ, chúng ta sẽ có nhiều hơn nữa những sản phẩm, dịch vụ tiện ích để cung cấp cho khách hàng ngay trên chính chiếc điện thoại di động.

Sự phát triển của công nghệ sẽ hỗ trợ ngành ngân hàng vượt qua được những rào cản về mặt pháp lý để thực hiện ngay trên thiết bị công nghệ những hoạt động như cho vay, dịch vụ đầu tư, chứng khoán...

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Theo ông Lân, trong hai năm vừa qua, sự xuất hiện của eKYC đã cho phép các ngân hàng có thể dựa trên những thuật toán, trí tuệ nhân tạo để nắm được dữ liệu thông tin người dùng dựa trên thông tin từ Chứng minh nhân dân hay Căn cước công dân được khách hàng cung cấp trực tuyến và cho phép họ mở tài khoản từ xa.

Có thể thấy, hiện nay ranh giới về những điều kiện địa lý đã không còn là rào cản khi khách hàng tiếp cận các dịch vụ của ngân hàng.

Thêm vào đó, hiện nay các ngân hàng đều đang đẩy mạnh khuyến khích khách hàng sử dụng các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (từ thẻ, QRcode, thậm chí dựa trên sinh trắc học...).

Không chỉ dừng lại tại đấy, để tăng cường, nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, ông Lân khẳng định các ngân hàng cần chú trọng cung cấp thêm cả những "dịch vụ đính kèm".

Có thể thấy, ứng dụng của ngân hàng hiện giờ là một ứng dụng cung cấp đa chức năng, xây dựng hệ sinh thái toàn diện để phục vụ mọi nhu cầu của khách hàng từ mua sắm, đi lại, du lịch, học tập, sức khỏe...

Theo vị chuyên gia, ứng dụng của ngân hàng hiện đã tích hợp thêm cả dịch vụ của các đối tác bên ngoài để tạo nên một mạng lưới đa dạng, đa kênh. Chiều ngược lại, ngân hàng lồng ghép hoạt động của mình vào phương thức thanh toán trên ứng dụng của các đối tác.

Lấy ví dụ, khách hàng có thể mở thanh toán qua tài khoản ngân hàng ngay tại các ứng dụng thường dùng như Grab, Shopee, Sendo… Hay trực tiếp thực hiện các giao dịch thanh toán, tài chính trên ứng dụng không phải của ngân hàng mà vẫn đảm bảo an toàn bảo mật do chính ngân hàng là đơn vị cung cấp dịch vụ này ra ứng dụng ngoài.

Tổng kết lại, theo ông Lân, vế thứ nhất của chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng chính là làm sao để khách hàng được phục vụ tốt hơn, nâng cao giá trị và trải nghiệm cho khách hàng mọi lúc, mọi nơi.

Còn vế thứ hai, Chủ nhiệm Ủy ban Công nghệ của Hiệp hội Ngân hàng đề cập đến giá trị dành cho doanh nghiệp. Chuyển đổi số giúp nâng cao năng suất lao động để làm việc nhanh hơn, hiệu quả, tiết kiệm và thông minh hơn.

QUAN ĐIỂM VỀ CHUYỂN ĐỔI SỐ CẦN THAY ĐỔI

Ông Lân nhìn nhận việc ứng dụng các công nghệ mới, trong đó có BIOMETRIC, ROBOTICS và CLOUD COMPUTER vừa qua đã có tác động rất lớn tới tiến trình chuyển đổi số ngân hàng.

Thêm vào đó, việc BIG DATA & AI (dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo) được khai thác và ứng dụng đã có tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong công cuộc chuyển đổi số của ngành.

Theo đó, BIG DATA & AI đã giúp ngân hàng phân tích và ra các quyết định kinh doanh nhanh chóng hơn, phân tích và đưa ra các công cụ tối ưu năng suất lao động.

Đặc biệt là giúp ngân hàng hiểu được rõ hơn nhu cầu của khách hàng, từ đó giúp tạo ra các sản phẩm dịch vụ cá thể hóa tới từng khách hàng, đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của họ.

Khẳng định tầm quan trọng của công nghệ với chuyển đổi số của ngành, tuy nhiên, theo góc nhìn của ông Lân, chuyển đổi số có trọng tâm là vấn đề chuyển đổi về tư duy, văn hóa.

Theo ông Lân, điểm mấu chốt là phải biết vận dụng công nghệ một cách sáng tạo và linh hoạt. Khi đó công nghệ chỉ là công cụ để tạo nên những giá trị khác biệt.

Có thể thấy, chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ vào hoạt động của ngân hàng mà còn là việc thay đổi về tư duy và văn hóa làm việc.

Với ngành ngân hàng, áp lực cạnh tranh trong ngành cũng như từ các công ty Fintech, các công ty viễn thông, ví điện tử… thúc đẩy ngân hàng phải đẩy nhanh chuyển đổi số từ tư duy đến cách làm theo phương thức mới, lan tỏa cách làm mới, giúp nhân sự sáng tạo hơn, năng động hơn.

CẦN PHẢI TẠO NÊN NHỮNG GIÁ TRỊ, MÔ HÌNH MỚI KHÁC HẲN TRƯỚC ĐÂY

Cung cấp một số thông tin về tác động của chuyển đổi số tới ngành tài chính - ngân hàng, ông Võ Tấn Long, Phó tổng giám đốc Công ty tư vấn PwC Việt Nam cho biết, hiện nay lượng người sử dụng các phương tiện thanh toán mà các ngân hàng cung cấp ngày một tăng.

"Dự tính đến 2025, số lượng tài khoản tham gia vào thị trường thanh toán Việt Nam lên đến 105 triệu, vượt dân số Việt Nam. Giá trị giao dịch sẽ lên tới hàng chục tỷ USD trong một vài năm tới", ông Long nói.

Khảo sát tại các ngân hàng cho thấy, 94% ngân hàng khi nói đến chiến lược 10 năm tới đều nói đó là chuyển đổi số. Trong khi đó có tới 54% ngân hàng coi chuyển đổi số là một trong những chiến lược cơ bản để chuyển đổi.

Thêm vào đó, ngày nay, việc khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng trên các kênh do ngân hàng cung cấp và các kênh do các đối tác thứ 3, công ty Fintech, ứng dụng mobile apps để đáp ứng đa dạng các nhu cầu cuộc sống ngày càng phổ biến.

Tại Việt Nam, số lượng các công ty Fintech hiện đã lên tới hơn 200, giá trị đầu tư có những quý lên đến hàng hàng trăm triệu USD.

Ông Long tái khẳng định xu hướng tất yếu của chuyển đổi số của ngành ngân hàng cũng như sự chủ động, tích cực trong hoạt động này của các ngân hàng tại Việt Nam.

Khi so sánh với các nước xung quanh, ông Long cho rằng về cơ bản, hiện nay hầu hết các tiện ích, dịch vụ ngân hàng mà người nước ngoài sử dụng, người dân Việt Nam cũng được sử dụng.

Tuy vậy, khi đặt cạnh Singapore, Hồng Kông, thậm chí là Thái Lan hay Indonesia, ông Long nhận thấy họ đều có những bước đi rất mạnh bạo trong công tác chuyển đổi số. Đặc biệt, các quốc gia này khá là cởi mở trong việc khuyến khích, cấp phép cho ngân hàng số.

Theo ông Long, ở các nước cũng như ở Việt Nam hiện nay, sự phát triển của lĩnh vực Fintech không chỉ góp phần mở rộng hệ sinh thái của ngân hàng hay hoạt động tài chính mà còn tạo nên sự thúc đẩy phát triển lành mạnh cho lĩnh vực này nhờ quy luật cạnh tranh.

Những yếu tố buộc ngân hàng phải định hình lại hoạt động kinh doanh của mình.

Những yếu tố buộc ngân hàng phải định hình lại hoạt động kinh doanh của mình.

Trong thời gian tới, vị này cho rằng, tất yếu cùng với sự chuyển đổi số ngành ngân hàng sẽ là sự thay đổi của các phương thức thanh toán. Sự biến chuyển này diễn ra cả về mặt tiền tệ lẫn phương tiện thanh toán.

Theo đó, hiện nay bên cạnh các phương thức thanh toán chưa được đại đa số các ngân hàng trung ương chấp nhận như Bitcoin hay các loại tiền ảo thì cũng đã có một số ngân hàng trung ương cho biết đã bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm tiền số của chính mình. Điển hình là Hàn Quốc hay nước láng giềng Trung Quốc.

Tuy nhiên theo ông Long, điểm cần lưu ý là câu chuyện chuyển đổi số ngành ngân hàng ở Việt Nam hiện nay chưa có được những mô hình như là một hình thức kinh doanh hoàn toàn khác.

Vị chuyên gia cho rằng tuy mọi người đều nhìn nhận thấy sự cần thiết, tất yếu của việc chuyển đổi số nhưng đa phần đều nghĩ nhiều đến tự động hóa, tối ưu hóa những gì đã làm ngày hôm qua bằng công nghệ, dữ liệu... chứ chưa nghĩ tới phải tạo nên những giá trị mới khác hẳn trước đây.

Một điểm cần lưu ý, theo ông Long hiện nay vẫn còn tâm lý e ngại khi nhìn vào những khó khăn về thiếu khung pháp lý, điều kiện kỹ thuật hay thiếu hụt nguồn lực nhân tài... ở Việt Nam.

"Sự chuyển đổi nào cũng đều gặp phải khó khăn, chưa nói đến một hoạt động phức tạp và đường dài như quá trình chuyển đổi số", ông Long chia sẻ.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Vàng đồng loạt tăng giá mạnh

Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước đồng loạt tăng cao và giá bán tại SJC lại vượt lên trên 81 triệu đồng một lượng.

Chat với BizLIVE