Chuyên gia: Chưa đến lúc bàn chuyện phá giá đồng VND

Theo chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, chúng ta không nên tranh luận có nên phá giá đồng VND hay không, mà điểm mấu chốt là phải kiểm soát được thị trường ngoại hối thông qua thị trường tự do và liên ngân hàng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đồng VND liên tục mất giá

Từ 2016, Việt Nam áp dụng điều hành tỷ giá theo cơ chế neo trườn biên độ, chế độ neo tỷ giá có điều chỉnh đã tạo ra nhiều thuận lợi cho hoạt động các doanh nghiệp, đồng thời, giúp duy trì ổn định vĩ mô nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đồng đô la Mỹ mạnh lên đã gây áp lực lên tỷ giá hối đoái của Việt Nam. Đến ngày 30/9, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã vượt mốc lịch sử 24.000 VND/USD trong khi tỷ giá liên ngân hàng cũng tăng rất mạnh, lên 23.870 VND/USD, vượt xa so với mức bán giao ngay của Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 23.700 VND.

Trong bối cảnh đó, ngày 30/9, NHNN đã quyết định tăng mạnh giá bán ra USD từ mức 23.700 VND lên 23.925 VND; bước tăng 225 VND cũng là mạnh ít thấy trong nhiều năm qua.

Đây là lần thứ hai liên tiếp chỉ trong vòng một tháng Nhà điều hành nâng mức giá bán ra này. Mức điều chỉnh liền trước là vào ngày 7/9, từ 23.400 VND lên 23.700 VND.

Cũng trước sự leo thang liên tục của đồng USD trên thị trường quốc tế, NHNN đã liên tục bán ngoại tệ từ dự trữ ngoại hối để ổn định thị trường ngoại tệ. Theo thống kê của một số tổ chức, lượng ngoại tệ mà NHNN đã phải đưa ra để can thiệp đã vượt ngưỡng 20 tỷ USD, tương đương khoảng 20% tổng dự trữ ngoại hối.

Không nên phá giá đồng VND

Trong bối cảnh đồng USD trên thị trường thế giới liên tục tăng cao, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc phải phá giá đồng VND để hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng việc bàn đến phá giá lúc này là chưa phù hợp.

Phân tích về vấn đề này, Nguyễn Minh Tuấn, CEO công ty AFA Capital cho biết, với những quốc gia có thương mại và kiểm soát dòng vốn thoải mái, thì họ đã thả nổi hoàn toàn tỷ giá như Mỹ, Nhật Bản, hoặc trường hợp đồng nội tệ quá yếu, đã bị đô la hóa hoàn toàn.

Cùng với đó là những liên minh tiền tệ như EU, hay một số đồng tiền neo cố định như Hồng Kông, Brunei.

Ở một số nước Đông Nam Á hoặc Đông Á, điều hành theo cơ chế thả nổi có quản lý, còn riêng Việt Nam và Trung Quốc, việc thả nổi có quản lý nhưng trong một biên độ nhất định, khoảng cộng trừ 3%.

“Phải hiểu về cơ chế điều hành tỷ giá của Việt Nam thì chúng ta mới có thể đưa ra nhận định có dùng từ phá giá hay không phá giá, đồng thời thấy được mức độ linh hoạt trong cơ chế điều hành tỷ giá sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế, vốn hóa của nền kinh tế cũng như mức độ tham gia vào thương mại thế giới”, ông Tuấn nói.

Từ 2016 đến nay, NHNN áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm. Để tính ra tỷ giá này, Nhà điều hành dựa vào 3 trụ cột bao gồm thị trường liên ngân hàng; Biến động của rổ 8 đồng tiền tại các quốc gia có quan hệ thương mại đầu tư lớn với Việt Nam bao gồm USD, EUR CNY JPY SGD KRW THB TWD; Và các cân đối kinh tế vĩ mô tiền tệ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Theo CEO AFA Capital, trước năm 2016, Việt Nam giữ cơ chế tỷ giá cố định và không linh hoạt, dẫn đến khi sức ép ở thị trường liên ngân hàng chạm trần, thì toàn bộ thị trường không giao dịch nữa và đợi NHNN hoặc phá giá hoặc bán ra ngoại tệ.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam còn chưa linh hoạt nên cũng không có chuyện bán ngoại hối ra. Tác hại của điều này là tạo ra tâm lý cho những nhà xuất khẩu có USD sẽ không muốn bán ra trong khi ngoài thị trường tự do người dân cũng sẽ có hiện tượng găm giữ ngoại tệ, chờ thời điểm NHNN phá giá đồng VND.

“Cơ chế này khá cứng nhắc, không theo diễn biến thị trường, chính vì vậy từ năm 2016 trở đi NHNN đã có sự thay đổi trong cơ chế điều hành. Khi bắt đầu cơ chế tỷ giá trung tâm, điều tiết của NHNN sẽ thông qua việc mua vào bán ra một cách linh hoạt tùy theo diễn biến trên thị trường”, ông Tuấn lý giải.

Trong vấn đề điều hành tỷ giá, chuyên gia cho rằng, có ba đối tác chính trên thị trường bao gồm thị trường liên ngân hàng, thị trường tự do và NHNN.

“Ở thời điểm hiện tại, chúng tôi đang thấy rằng, muốn điều hành thì chúng ta phải xem lại thị trường tự do và đường thông giữa ngân hàng thương mại với thị trường tự do.

Thứ hai, là xem lại trạng thái ngoại hối của các ngân hàng. Do đó, chúng ta không nên tranh luận có nên phá giá đồng VND hay không, mà điểm mấu chốt là phải kiểm soát được thị trường ngoại hối thông qua hai thị trường trên”, ông Tuấn nói.

Cũng theo chuyên gia, tỷ giá rất ảnh hưởng đến các vấn đề như lạm phát, nợ công và cán cân tổng thể xuất nhập khẩu. Vì vậy, các biểu hiện trên thị trường hiện nay chưa đến mức phải dùng từ phá giá. Đặc biệt, ngân hàng được mua ngoại tệ từ NHNN phải phục vụ nhu cầu thanh toán thực chứ không phải để đầu cơ.

Về mối tương quan giữa tỷ giá và lạm phát, từ năm 2016, mỗi đợt tỷ giá tăng đều ảnh hưởng đến lạm phát ngay tại thời điểm đó. Tuy nhiên đến nay, Chính phủ đang kiểm soát lạm phát tốt với các chính sách như giảm thuế điều hành giá xăng dầu.

Dù vậy, chuyên gia cũng cho rằng, nếu không kiểm soát lạm phát tốt thì khi tỷ giá tăng, lạm phát của năm 2023 sẽ là một vấn đề lớn.

Ở góc độ rộng hơn, tỷ giá còn tác động đến tổng nợ công của Việt Nam. Bởi, với lượng dư nợ không đổi nhưng phải bỏ một lượng tiền nhiều hơn để trả nợ, dư nợ không tăng nhưng quy đổi ra USD thì khối lượng nợ tăng lên.

Một tín hiệu đáng mừng, theo báo cáo, đến năm 2021, nợ công của Việt Nam đã giảm xuống còn 43,1% GDP, trong mức cho phép của Quốc hội là không quá 60%. Tỷ trọng vay ngoại tệ cũng chỉ chiếm khoảng 32,8%, còn lại là vay nội tệ. Theo đó, việc tỷ giá tăng cũng chưa ảnh hưởng quá nhiều đến phần nợ công.

“Thị trường trái phiếu Chính phủ đã rất phát triển trong thời gian gần đây, khiến nợ vay Chính phủ đang chuyển dần về đồng nội tệ. Do vậy, nếu chúng ta kiểm soát tốt lạm phát và lãi suất thì sẽ kiểm soát được nợ công và giảm dần sự phụ thuộc vào tỷ giá đô - đồng”, chuyên gia nhận định.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE