CNBC: Căng thẳng Nga – Ukraina leo thang “làm khó” Fed khi nâng lãi suất cơ bản đồng USD

Giá dầu và nhiều loại hàng hóa khác không ngừng tăng bởi những lo ngại việc Nga điều quân vào Ukraina cũng như các biện pháp trừng phạt từ Mỹ, nước đồng minh có thể khiến cho nguồn cung dầu trở nên hạn chế.
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: GettyImages
Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: GettyImages

Triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất trong tháng 3/2022 có thể trở nên kém rõ ràng hơn nếu Nga vẫn tiếp tục leo thang căng thẳng trong mối quan hệ với Ukraina.

Theo CNBC, khả năng này có thể xảy ra bởi căng thẳng Nga – Ukraina đã đẩy tăng giá dầu và khí đốt, loại mặt hàng tiêu thụ chủ chốt với nhiều người Mỹ, ngoài ra, cũng chính người tiêu dùng Mỹ hiện đang giữ vị trí quan trọng bởi tiêu dùng đóng góp đến 70% kinh tế Mỹ.

Giá dầu và nhiều loại hàng hóa khác đã không ngừng tăng bởi những lo ngại rằng việc Nga điều quân vào Ukraina cũng như các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và các nước đồng minh có thể khiến cho nguồn cung dầu trở nên hạn chế. Nga là nước xuất khẩu dầu và khí đốt lớn. Nga hiện cũng đang xuất khẩu nhiều lúa mì và palladium. Moscow cũng đang là nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm nickel, nhôm và nhiều kim loại khác.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, ông Mark Zandi, nhận xét: “Rõ ràng câu chuyện ở đây là dầu chứ không phải các loại hàng hóa khác như bột mì, palladium hay nickel. Giá dầu nhiều khả năng sẽ tăng khoảng từ 10-15USD/thùng bởi xung đột Nga – Ukraina. Như vậy chắc chắn giá xăng sẽ tăng cao theo. Lạm phát Mỹ hiện vốn đã ở mức 7,5%, giá các sản phẩm năng lượng cao sẽ còn khiến mọi chuyện tệ hơn thế. Quan điểm của tôi chính là nó thực sự làm khó những nỗ lực kiềm chế lạm phát và tạo việc làm của Fed”.

Người tiêu dùng trên khắp nước Mỹ hiện đang phải chi trả 3,53USD/gallon xăng không chì, tính ở mức giá vào ngày thứ Ba, mức này cao hơn 90 cent so với cùng kỳ năm trước và đã tăng 21 cent chỉ riêng trong tháng vừa qua, theo tính toán của AAA. Giá dầu thô đã tăng khoảng 50% trong năm vừa qua.

Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, yếu tố giá dầu sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Fed. Việc giá dầu tăng cao có thể coi như yếu tố đẩy lạm phát tăng quan trọng và sau đó có thể sẽ không hạ nhiệt nếu giá dầu vẫn giữ ở mức cao như vậy, gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, nếu Nga tiến hành cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Ukraina, giá dầu sẽ tăng rất nhanh.

Chuyên gia kinh tế trưởng tại JP Morgan, ông Bruce Kasman, nhấn mạnh: “Mọi chuyện đang trở nên ngày một phức tạp hơn. Đó là kịch bản mà tăng trưởng kinh tế bắt đầu lên mạnh. Đồng thời cũng có kịch bản mà việc tăng giá không gây hại quá nhiều đến tăng trưởng “.

Ông Kasman cho rằng Fed sẽ vẫn tiếp tục với việc tăng lãi suất thêm ¼ điểm phần trăm vào tháng 3/2022, với tình hình Ukraina ngày một xấu đi như hiện nay, khả năng Fed nâng lãi suất nửa điểm phần trăm đã giảm đi. Ông Kasman dự báo sẽ có ước tính 6 lần nâng lãi suất trong năm vừa qua.

Đây cũng là triển vọng mà ngân hàng trung ương Mỹ phải tính đến: nỗi sợ tăng trưởng có thể làm chậm đà tăng lãi suất. Mặt khác, các chuyên gia kinh tế cho rằng Fed có thể sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nếu lạm phát tăng vượt dự báo.

“Tôi nghĩ giờ đây, giá dầu hiện cao hơn khoảng 30% so với mức trung bình của quý 4/2021, nếu mức tăng là 75% hoặc 100%, nó sẽ tương đương khoảng 120USD/thùng và rồi tác động lên kinh tế toàn cầu sẽ đủ lớn”, ông Kasman phân tích.

Ông Zandi nói rằng Fed hiện đang tập trung vào kiềm chế lạm phát, lạm phát hiện đang tăng nóng và trong thời gian dài hơn so với tính toán trước đây. Ông cho rằng việc giá dầu tăng lên mức 150USD/thùng khó xảy ra và nó phát đi thông điệp về triển vọng tối tăm, tuy nhiên việc giá năng lượng tăng cao vẫn thu hút sự quan tâm của Fed.

Chắc chắn sẽ vẫn có việc Fed nâng lãi suất cơ bản trong tháng 3/2022, tuy nhiên, chỉ là mức độ bao nhiêu, theo ông Kasman. Ông Kasman nhấn mạnh Fed sẽ không ngại ngần bắt đầu quá trình nâng lãi suất bởi Fed đang tin rằng Fed đang hành động chậm. “Khoảng thời gian đó là 3 hoặc 4 tháng tính từ thời điểm chúng ta chứng kiến giá tăng, ảnh hưởng lên tăng trưởng sẽ rõ ràng”, Ông Kasman dự báo tăng trưởng GDP ước chừng khoảng 3,6% trong năm nay.

Cũng theo ông Kasman, Fed không quen nâng lãi suất trong khoảng thời gian mà giá dầu tăng cao.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE