Cổ đông Digiworld chất vấn về kế hoạch lãi sau thuế 2023 giảm 42%, tồn kho "vượt chuẩn"

"Hiện thời gian lưu kho của sản phẩm di động, máy tính ở công ty vào khoảng 74-76 ngày, tức là khoảng 10 tuần, cao hơn tiêu chuẩn 8 tuần một chút nhưng vẫn trong tầm kiểm soát", Chủ tịch Digiworld nói.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld
Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 diễn ra chiều 26/4, bên cạnh dự kiến kết quả kinh doanh năm 2023, cổ đông của CTCP Thế giới số (Digiworld, mã DGW) cũng đặt ra cho lãnh đạo công ty nhiều câu hỏi về vấn đề tồn kho và chiến lược kinh doanh trong bối cảnh sức mua sụt giảm.

Kỳ vọng tăng trưởng trở lại vào năm 2024

Nhận định về thị trường năm 2023, ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT Digiworld cho rằng, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường tiêu dùng vẫn khó khăn trong những tháng đầu năm, sau đó sẽ tốt hơn lên trong quý 3, quý 4 nhưng mức phục hồi không đáng kể, đâu đó chỉ khoảng 10% và phải đến cuối năm 2024 mới có sự phục hồi tốt.

Do đó, năm 2024 sẽ là năm tăng trưởng của Digiworld ở những ngành hàng hiện hữu, tất nhiên có thêm sự đóng góp từ những ngành hàng mới.

"Sức mua sẽ quay trở lại bình thường vào nửa cuối năm 2024, điều này dễ hiểu khi Fed dự kiến giữ nền lãi suất cao cho đến ít nhất là năm 2024, và Việt Nam cũng phải giữ nền lãi suất cao nếu không muốn VND mất giá so với USD", ông Việt nói.

Ông cho biết thêm, với mặt bằng lãi suất cao như vậy doanh nghiệp sẽ không dám mạnh tay mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, không thể mang lại nhiều công ăn việc làm, do đó sức mua cũng không thể nào có sự phục hồi tốt được.

Ngoài ra, theo ông Việt, sản phẩm laptop hay điện thoại là sản phẩm có vòng đời lâu bền, không thể đổi nhanh được. Thông thường vòng đời của một laptop khoảng 3 năm mà thị trường laptop đã bùng nổ vào quý 4/2021 và quý 1/2022, theo chu kỳ thì đến quý 4/2024 sẽ là thời điểm thay sản phẩm mới với điều kiện nền kinh tế ổn định, người dân có thu nhập để đổi sản phẩm. Còn nếu thu nhập của người dân giảm thì có thể dùng thêm một thời gian nữa mới đổi sản phẩm mới. Trong khi đó, điện thoại có vòng đời nhanh hơn nhưng cũng phải khoảng hai năm.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, công ty sẽ kiên trì triết lý kinh doanh là chỉ tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi có thể làm tốt nhất, không đầu tư dàn trải, không đầu tư vào bất động sản. Đồng thời, kiểm soát tốt chi phí cố định - hầu hết là những chi phí biến động, tức là khi doanh thu giảm thì chi phí cũng giảm.

Về kế hoạch kinh doanh cụ thể, năm 2023, công ty đặt mục tiêu đạt doanh thu 20.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, lần lượt sụt giảm 9% và 42% so với thực hiện 2022.

Theo lãnh đạo Digiworld năm 2023, mảng laptop, máy tính bảng và điện thoại di động của công ty sẽ tăng trưởng âm. Dù vậy, công ty sẽ cố gắng duy trì tăng trưởng mảng thiết bị văn phòng là 15%, mảng thiết bị gia dụng 65% và mảng hàng tiêu dùng 157%.

Riêng về kết quả kinh doanh quý 1/2023, lãnh đạo Digiword cho biết ước tính doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 3.960 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 79 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ.

Trong cơ cấu doanh thu, mảng laptop và máy tính bảng đóng góp 1.094 tỷ đồng, giảm 51%; doanh thu mảng điện thoại động cũng giảm 51%, đạt 1.899 tỷ đồng; mảng thiết bị văn phòng 682 tỷ đồng, giảm 8%.

Sự sụt giảm của ba mảng kinh doanh cốt lõi là do kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng dẫn đến sự sụt giảm ở những mặt hàng không thiết yếu. Hơn nữa, với tác động của dịch COVID, ngành hàng này đã đạt đỉnh vào năm 2021, đầu năm 2022 và trở nên bão hòa từ quý 2/2022 đến nay.

Đặc biệt, doanh số điện thoại quý 1 giảm cả với sản phẩm Xiaomi và Apple. Trong đó, doanh số Xiaomi sụt giảm do các sản phẩm bình dân do thu nhập của người thu nhập thấp bị ảnh hưởng. Apple cũng bị ảnh hưởng do thời điểm bán hàng tốt nhất Apple không có hàng dẫn đến sản phẩm xách tay về khá tràn lan, lấy mất thị phần của các sản phẩm chính hãng.

Ngược lại, doanh thu mảng thiết bị gia dụng lại đạt mức tăng trưởng 158%, đóng góp 165 tỷ đồng vào tổng doanh thu của công ty, trong khi mảng ngành hàng tiêu dùng đóng góp 120 tỷ đồng, tăng trưởng 69%.

Từ quý 2/2023, Digiworld sẽ phân phối thêm một số sản phẩm gia dụng của Westinghouse cùng một số sản phẩm đồ uống của Lotte Chilsung Beverage. Tuy nhiên, đóng góp của hai mảng này vào doanh thu sẽ không lớn.

Ngoài ra, ở mảng dược phẩm, công ty cũng đã hoàn thiện những công đoạn cần thiết để xin được giấy phép, bắt đầu nhập khẩu và phân phối dược phẩm. Năm nay mảng này dự kiến đóng góp khoảng 500 tỷ đồng vào doanh thu công ty.

Cạnh tranh về giá không thể kéo dài mãi

Cũng tại ĐHĐCĐ, lý giải về vấn đề tồn kho mà nhiều cổ đông đặt câu hỏi, ông Đoàn Hồng Việt cho biết, mức tồn kho tại công ty hiện đã thấp hơn nhiều giai đoạn cuối 2022, đầu 2023, và vẫn ở mức an toàn.

"Hiện thời gian lưu kho của sản phẩm di động, máy tính ở công ty vào khoảng 74-76 ngày, tức là khoảng 10 tuần, cao hơn tiêu chuẩn 8 tuần một chút nhưng vẫn trong tầm kiểm soát", Chủ tịch Digiworld khẳng định.

Lý giải thêm về cơ sở đặt tiêu chuẩn tồn kho là 8 tuần, ông Việt cho biết các sản phẩm của công ty đang kinh doanh là sản phẩm được sản xuất theo hình thức "build to order", tức là các hãng như Apple, Xiaomi,… đều không có nhà máy sản xuất và khi Digiworld đặt hàng thì các hãng này mới bắt đầu lắp ráp. Từ ngày order đến ngày có hàng sẽ mất khoảng 6-8 tuần, tức là tồn kho cũng phải tương ứng, nếu không sẽ không đủ hàng để bán.

Ban lãnh đạo Digiworld trả lời câu hỏi của cổ đông
Ban lãnh đạo Digiworld trả lời câu hỏi của cổ đông

Cũng liên quan đến vấn đề tồn kho cao, Chủ tịch Digiworld xác nhận hiện nay trên thị trường đang có "cuộc chiến" về giá cả, nhất là "cuộc chiến" về giá iPhone. Tuy nhiên, theo ông, dài nhất là đến tháng 9/2023 "cuộc chiến" này sẽ kết thúc, khi Apple ra iPhone mới thì sẽ không còn cuộc chiến giá cả nữa.

Theo vị lãnh đạo này sự cạnh tranh về giá từ các đơn vị bán lẻ không phải tín hiệu tích cực trong ngành.

"Có thể nói cạnh tranh về giá là một cuộc chiến mà không ai có lợi cả, kể cả Digiworld. Và mỗi một nhà bán lẻ sẽ có mục tiêu về giá khác nhau nhưng tôi tin chắc cuộc cạnh tranh về giá sẽ không phải là mãi mãi, sẽ phải có điểm dừng", ông Việt trả lời câu hỏi của cổ đông về chính sách mà một số đối tác như FPT Retail (FRT) và Thế Giới Di Động (MWG) đang áp dụng.

Tại Việt Nam, Digiworld là một trong những nhà phân phối lớn nhất của Apple, bên cạnh Petrosetco. Đa phần các đại lý ủy quyền chính hãng Apple trong nước đều nhập hàng từ hai đơn vị này. Nhóm 4 nhà bán lẻ được ưu tiên gồm Thế Giới Di Động, FPT Retail, Viettel Store và Futureworld có thể nhập hàng trực tiếp từ Apple.

Tuy nhiên, Chủ tịch Digiworld không lo ngại về việc các đối tác bán lẻ này tự bán buôn bởi ông cho rằng bán lẻ và phân phối không giống nhau, dù làm việc chung trên một mặt hàng. "Apple cũng phân rõ ai sẽ làm việc gì. Do vậy, tôi tin rằng các đơn vị bán lẻ sẽ không làm phân phối đồ Táo khuyết”, ông nói.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Cảng Chu Lai phục vụ xuất khẩu nông sản với chi phí tối ưu

Cảng Chu Lai - kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Với mục tiêu đưa cảng Chu Lai trở thành trung tâm kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong nước, Công ty Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối hoạt động giao nhận vận chuyển đường bộ - cảng biển - đường biển, tối ưu hóa chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản.

Chat với BizLIVE