Cổ phiếu HPG xuống đáy một năm

Ngoài ảnh hưởng bởi thị trường chung, câu chuyện doanh nghiệp cũng là lý do khiến thị giá HPG của Tập đoàn Hoà Phát giảm mạnh, để mất mốc 30.000 đồng/cổ phiếu, xuống đáy một năm.
(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Chốt phiên sáng 15/6, VN-Index tạm mất 12 điểm, tương đương 1%, xuống 1.218 điểm. Những cổ phiếu trong top đầu kéo điểm là MBB, GVR, HPG, CTG, BID, VIB… trong đó, HPG (-2,3%), thủng mốc 30.000 đồng/cổ phiếu, tạm chốt phiên sáng tại 29.500 đồng/cổ phiếu. Như vậy, HPG đã trở về mức đáy một năm, để mất 50% từ đỉnh ghi nhận vào cuối tháng 10/2021, mất 20% sau chưa đầy 1 tháng diễn ra ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 (ngày 24/5). Trong khi đó, VN-Index giảm 20% kể từ đỉnh.

Tại ĐHĐCĐ, mặc dù đặt kế hoạch doanh thu toàn tập đoàn ở mức cao kỷ lục với 160.000 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế cả năm chỉ vào khoảng 25.000-30.000 tỷ đồng, giảm tương ứng 13-28% so với năm 2021.

Lý do đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2022 giảm so với năm 2021, dù doanh thu tăng, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát cho biết, khi lên kế hoạch năm ban lãnh đạo công ty đã tính toán đến nhiều yếu tố, trong đó, công ty xác định năm nay hoạt động của ngành thép sẽ gặp nhiều khó khăn.

Dù kết quả kinh doanh quý 1 khá tốt, tuy nhiên Chủ tịch Hòa Phát cho rằng, cổ đông cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3, quý 4 rồi sẽ thấy. Lúc này ngành thép đang không thuận lợi. "Đợi hai tháng nữa sẽ có kết quả kinh doanh quý 2, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”, ông Trần Đình Long nói.

Ông Long chỉ ra một số nguyên nhân khiến ngành thép sẽ gặp khó khăn trong các quý còn lại của năm. Thứ nhất là giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine làm giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn.

Thứ hai là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero COVID" khiến cho nhu cầu thép giảm tại thị trường này giảm, đây cũng đang là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Hòa Phát.

"Khi xung đột Nga - Ukraine mới nổ ra, nhiều người cho rằng ngành thép Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc bớt đi hai đối thủ cạnh tranh là Nga và Ukraine do đây đều là hai nhà sản xuất thép lớn. Tuy nhiên, thực tế không phải màu hồng như vậy", ông Trần Đình Long nói.

Liên quan đến các dự án mới, Khu liên hợp Dung Quất 2 đã khởi công xây dựng từ tháng 5/2022 dự kiến dự án sẽ sản xuất những sản phẩm đầu tiên từ năm 2024. Vốn đầu tư của Khu liên hợp Dung Quất 2 được điều chỉnh lên mức 77.000-80.000 tỷ đồng, tăng 10% -14% so với mức 70.000 tỷ đồng trước đây. Công suất thiết kế của dự án là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn sản phẩm thép dẹt và một triệu tấn thép xây dựng chất lượng cao và các sản phẩm thép khác. Sau khi hoàn thành KLHDQ 2, tổng công suất thép thô của HPG sẽ đạt mức 14,6 triệu tấn/năm, tăng 66% so với cuối năm 2021.

HPG có kế hoạch xây dựng dự án KLHDQ 3 (công suất thiết kế 6 triệu tấn/năm) sau khi KLHDQ 2 vận hành ổn định.

“Thiếu động lực tăng giá trong ngắn hạn”

Trong báo cáo phát hành vào tháng 6/2022, Công ty chứng khoán VNDIRECT đã đưa ra nhận định, cổ phiếu HPG thiếu động lực tăng giá trong ngắn hạn, ưa thích đầu tư dài hạn vào HPG. Thời điểm báo cáo được phát hành, HPG giá thị trường 34.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn thị giá hiện tại 17%. Giá mục tiêu được VNDIRECT đưa ra là 57.800 đồng/cổ phiếu, tương đương với đỉnh HPG đã từng đạt được.

Báo cáo cho biết lý do ưa thích đầu tư lâu dài vào HPG là nhờ (1) vị thế hàng đầu của HPG trong ngành thép Đông Nam Á sẽ giúp công ty hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng nội địa hồi phục mạnh mẽ sau đại dịch, (2) bảng cân đối kế toán lành mạnh của công ty với lượng tiền mặt dồi dào và (3) KLHDQ 2 sẽ giúp HPG tăng công suất sản xuất thép thô lên 14,6 triệu tấn/năm từ năm 2025, tăng 66% so với hiện nay.

Bên cạnh đó, thép cuộn cán nóng (HRC) - sản phẩm đầu ra chính của KLHDQ 2, vẫn đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung tại thị trường nội địa và phụ thuộc vào xuất khẩu, do đó những lo ngại về tình trạng dư cung thép của HPG trong giai đoạn 2025-2030 là thấp.

“Ngoài ra, các gói kích thích sau COVID-19 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy cho sự phục hồi của nền kinh tế. Mặc dù tình hình giải ngân vốn đầu tư công đang diễn ra chậm (do giá vật liệu xây dựng cao), chúng tôi kỳ vọng tình hình này sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Nhờ sở hữu thị phần thép lớn nhất, HPG sẽ được hưởng lợi chính từ xu hướng này”, báo cáo cho biết.

Trong ngắn hạn, thành phố lớn nhất Trung Quốc - Thượng Hải đã mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại từ ngày 1/6 sau 2 tháng phong toả vì COVID-19. Hầu hết các công trường đều ghi nhận hoạt động xây dựng trở lại và các kho thép đã bắt đầu nhận hàng. Chúng tôi tin rằng việc nới lỏng giãn cách ở Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đến nhu cầu thép và hỗ trợ giá thép trong thời gian tới.

Động lực tăng giá là các dự án mới (dự án nhôm, bất động sản và thiết bị gia dụng) để phát triển chuỗi giá trị. Rủi ro giảm giá là nhu cầu thép tăng trưởng chậm hơn dự kiến.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE