Chứng khoán 11/7

Cổ phiếu Tài chính mới là "tội đồ", nhóm Vingroup có tiền lớn giải cứu phiên ATC

Một loạt cổ phiếu Ngân hàng và Chứng khoán lại đổ dốc khiến VN-Index bị ép giảm mạnh hơn trong phiên chiều. Nhóm Vingroup thực tế lại được tiền lớn điều tiết để giảm thiểu áp lực cuối phiên.
Diễn biến giao dịch phiên 11/7
Diễn biến giao dịch phiên 11/7

Biên độ giảm của nhóm Vingroup so với các mã Ngân hàng, Tài chính thực tế còn ít hơn. Tiền lớn có sự can thiệp rõ rệt vào chuyển động giá trong phiên ATC để kéo VIC về tham chiếu trong khi VHM (-0,82%), VRE (-3,7%) đều chỉ giảm vừa phải.

Trong phiên chiều, VRE, VHM, VIC đều đã có lúc giảm quanh 5% nhưng đều có lệnh mua lớn giúp hấp thụ bớt tác động xấu. Với VRE đó là sự tham của khối ngoại trong khi VIC hoàn toàn đến từ tiền nội. Những động thái này đến vào thời điểm muộn của phiên giao dịch nên chưa thể giúp thị trường bình ổn.

Trước đó, các cổ phiếu Tài chính đã đồng loạt giảm mạnh. Với nhóm Ngân hàng, TCB (-5,2%) là mã giảm sâu nhất và cũng kéo theo VIB (-4,6%), VPB (-3,8%), TPB (-4,1%), HDB (-3,4%), VCB (-2,7%), MBB (-2,6%), ACB (-2,1%), STB (-2%) đồng loạt bị ép xuống.

Với nhóm Chứng khoán, đã có thêm nhiều mã giảm hơn 4% như FTS, HCM, BSI trong đó FTS chốt phiên còn giảm sàn.

Hiệu ứng của nhóm Tài chính đương nhiên sẽ có tác động mạnh hơn so với các cổ phiếu Vingroup do đặc tính thanh khoản cao và số lượng các mã dày đặc. Các mã PC1, REE, VHC, FRT đều bị liên đới theo và đóng phiên giảm trên 5%.

VN-Index chốt phiên giảm 16,02 điểm xuống 1.155,29 điểm. Thanh khoản của sàn đạt 11.445,14 tỷ đồng.

Trong khi đó HNX-Index giảm 0,31% xuống 276,93 còn UPCoM giảm 0,82% xuống 86,25 điểm. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn là hơn 1.600 tỷ đồng.

****

Những phản ứng tiếp theo của thị trường trong phiên sáng nay không ghi nhận phản ứng tiêu cực lây lan. Số mã tăng còn có phần cải thiện lên 33,6% so với thời điểm 10h30 là 28,3%.

Với 55% mã giảm, nếu đo lường mức độ tiêu cực qua biên độ giao dịch thì có rất ít mã giảm sàn. Con số cụ thể chỉ là 2 mã và đây đều là những mã không có thanh khoản, ít được nhà đầu tư quan tâm.

Những nhóm ngành có thanh khoản cao như Bất động sản, Chứng khoán, Ngân hàng cũng chỉ ghi nhận một vài mã giảm tới 4% như HCM (-3,5%), FTS (-4,1%), TCB (-3,1%) trong khi phần lớn vẫn tỏ ra bình tĩnh. Chính những chuyển động này mới đang là bằng chứng thuyết phục nhất để bác bỏ yếu tố tin đồn trên thị trường.

VN-Index chốt phiên chỉ còn giảm 9,04 điểm xuống 1.162,27 điểm (-0,77%). Giá trị giao dịch ở mức thấp, đạt 5.587 tỷ đồng. Khối ngoại đang mua ròng 63,53 tỷ đồng trên cả sàn.

Trong khi đó, pha giảm của HNX-Index cũng không hề có dấu hiệu leo thang. Chỉ số này vẫn khá an toàn với biên độ -0,55%, giao dịch tại 276,74 điểm. Giá trị giao dịch đạt 577 tỷ đồng.

****

Trong ngày cuối tuần, một số thông tin bất lợi chưa được kiểm chứng đã được nhà đầu tư chia sẻ. Ngày 11/7, trao đổi trên Báo Người Lao Động, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho biết: "Bộ Công an khẳng định những thông tin do một số tài khoản mạng xã hội nêu trên là tin đồn thất thiệt, không chính xác. Hiện các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đang tiến hành xác minh, làm rõ người có hành vi tung tin đồn thất thiệt để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật".

Ghi nhận sáng 11/7, các cổ phiếu VIC (-2,9%), VHM (-3,1%), VRE (-2,4%). Áp lực được tạo ra ngay từ đầu phiên đã là quá đủ để ép chỉ số chứng khoán phải giảm về vùng 1.160 điểm. Cùng với đó còn có thêm nhóm Ngân hàng cũng tỏ ra hậu thuẫn cho nhịp giật xuống với VCB (-1,8%), CTG (-1,4%0, TCB (-2,7%), STB (-2%), VPB (-1,2%), HDB (-1,1%).

Tuy nhiên, đây hoàn toàn có thể chỉ là những rung lắc để thị trường sàng lọc dòng tiền. Phản ứng hoảng loạn thực tế không được ghi nhận trên HOSE. Các mã phần lớn chủ yếu dao động trong biên độ dưới 2% như VPI (-0,48%), POW (-1,15%), HSG (+0,55%), SCR (+2%), DXG (+0,24%)…

Vẫn có một số cổ phiếu không chịu chi phối từ các Bluechips như HAG (+6,55%), DBC (+6,91%), DIG (+3,51%), GEX (+4,57%), BAF (+4,23%), CII (+3,04%), VCG (+3,53%), APH (+3,32%) trong khi đặc tính của nhóm này là mang tính thị trường. HAG và DBC thậm chí còn tăng trần với quy mô giao dịch đạt trên 150 tỷ đồng, đứng thứ 3 và thứ 4 trên HOSE.

Nhóm nhà đầu tư ngoại cũng không tỏ ra bất ổn mà còn đang giải ngân vào HOSE với giá trị 65 tỷ đồng. Các cổ phiếu như PNJ, VNM, FPT đang được giải ngân mạnh nhất. Kể cả VHM, VRE, VIC cũng đang được khối ngoại mua vào với quy mô dưới 10 tỷ đồng.

Nhìn chung, thị trường ở vùng giao dịch nhạy cảm thì tin đồn vẫn luôn có thể xuất hiện. Mấu chốt là hiệu ứng thông tin chưa thực sự gây ra hiệu ứng rõ rệt nên nhà đầu tư cũng cần tránh hoảng loạn.

VN-Index tới 10h30 đang giao dịch 1.158 điểm còn HNX-Index đang giao dịch tại 276 điểm.

Đọc tiếp

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Giai đoạn thị trường chưa rõ ràng, vào lệch sóng không đem lại thành quả cho nhà đầu tư chứng khoán

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC cho biết dòng tiền trên thị trường vẫn chưa khắc phục được tình trạng yếu đi trước những thông tin mới ở thế giới và trong nước. Nhà đầu tư "đánh" lệch sóng trong giai đoạn gần đây thường không mang lại thành quả.

Chat với BizLIVE