Cựu Thủ tướng Malaysia phân tích về lý do khủng hoảng tài chính châu Á khó tái diễn

Sự phát triển bùng nổ của các quỹ đầu cơ tiền tệ cũng như nhiều loại hình khác trên thị trường khiến cho việc thực hiện những hành vi đầu cơ tấn công kiểu như từng xảy ra cách đây 25 năm rất khó.
Ảnh: WSJ
Ảnh: WSJ

Sự phát triển của thị trường tiền tệ hiện đại đồng nghĩa rằng sự lặp lại của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1997 khó xảy ra hơn, theo quan điểm của một trong những nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu Đông Nam Á từng có kinh nghiệm ứng phó với những tác động của nó.

Cựu Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad, phân tích sự phát triển bùng nổ của các quỹ đầu cơ tiền tệ cũng như nhiều loại hình khác trên thị trường khiến cho việc thực hiện những hành vi đầu cơ tấn công kiểu như từng xảy ra cách đây 25 năm gây ra cuộc khủng hoảng tài chính sẽ khó hơn rất nhiều.

“Khi có nhiều chủ thể cùng cạnh tranh giao dịch tiền tệ, sẽ khó để có thể thao túng giá trị đồng tiền. Bạn có thể muốn hạ giá của đồng tiền, thế nhưng nhiều người khác lại muốn nâng giá nó, chính vì vậy hành động của họ phủ định lẫn nhau”, ông Mahathir nói trong cuộc phỏng vấn với Nikkei Asia.

Sự khởi đầu của cuộc khủng hoảng tài chính “nhấn chìm” hàng loạt nước, từ Malaysia cho đến Hàn Quốc hay Indonesia thường được cho là bắt đầu từ ngày 2/7/1997 khi mà những nỗ lực của chính phủ Thái Lan trong việc bảo vệ giá trị của đồng nội tệ không thể thắng được các đợt rút vốn liên tục khỏi Thái Lan.

Việc đồng bath giảm giá nghiêm trọng gây ra áp lực lên nhiều loại tiền tệ khác và trong vòng 2 tuần dẫn đến sự sụp đổ của chính sách neo đồng ringgit so với đồng USD.

Từ cuộc khủng hoảng cho đến nay, các thị trường tiền tệ đã tăng trưởng bùng nổ. Giá trị giao dịch ngoại hối trung bình ước tính 6,6 nghìn tỷ USD/ngày trong năm 2019, theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Giá trị này như vậy ước tính cao gấp hơn 5 lần so với ngưỡng ở thời điểm giữa thập niên 1990.

Ông Mahathir, nhà lãnh đạo thứ tư của Malaysia từ năm 1981 cho đến năm 2003, khẳng định rằng các nhà kinh doanh tiền tệ vẫn là một lực lượng quan trọng và rằng các hoạt động tấn công cũng như “sát phạt” giao dịch tiền tệ đặc thù vẫn tiếp tục.

Ông viện dẫn đến việc chính phủ nhóm các nền kinh tế phát triển như tại Anh và Italy đã hạ giá đồng tiền bằng cách tấn công các nhà kinh doanh tiền tệ trong những năm sắp tới.

Tuy nhiên ông nhấn mạnh đã có nhiều bài học học được từ khủng hoảng, đặc biệt chính phủ các nước cần phải hiểu về hoạt động giao dịch tiền tệ, xây dựng dự trữ ngoại hối lớn để họ có thể can thiệp nếu cần thiết.

Malaysia từng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề trong cuộc khủng hoảng năm 1997. Giá trị đồng ringgit giảm một nửa, chính vì vậy các doanh nghiệp khó trả được các khoản nợ mà họ vay trước đây. Chỉ số của thị trường chứng khoán giảm hơn 75%, dòng vốn ngoại bị rút khỏi đất nước.

Ban đầu, Malaysia làm theo lời khuyên từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), giảm chi tiêu chính phủ và nâng lãi suất trong nỗ lực thu hút nhà đầu tư nước ngoài trở lại.

Thế nhưng, không lâu sau đó, trong một động thái khiến cho Malaysia trở nên khác biệt so với nhiều nước khác, Malaysia đã từ chối lời khuyên từ IMF, thay vào đó tăng cường chi tiêu chính phủ để kích thích kinh tế tăng trưởng, cùng lúc đó, ông đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ và thêm một lần nữa neo đồng ringgit vào đồng USD.

Giải thích cho quan điểm chính sách của mình, ông Mahathir nói: “Nếu bạn trông chờ vào IMF hay WB, điều duy nhất họ quan tâm chính là trả nợ cho họ. Họ không quan tâm điều gì sẽ xảy ra với Malaysia về cả mặt chính trị và kinh tế. Họ muốn nắm quyền kiểm soát đất nước và chính sách kinh tế, như vậy bạn sẽ phải chịu thua trước những áp lực từ phía họ”.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE