Đại dịch COVID-19 tác động làm tồi tệ hơn vấn đề bất bình đẳng giới trong doanh nghiệp

Dữ liệu cập nhật thường xuyên của ILO, LinkedIn và Ipsos cho thấy “Cô-vi” đã khiến 5% phụ nữ mất việc, tỷ lệ này đối với nam giới là 3,9%, tỷ lệ nữ trúng tuyển vào vị trí lãnh đạo giảm sút.
Bà Oanh Trần - giám đốc nhân sự ngân hàng HSBC Việt Nam
Bà Oanh Trần - giám đốc nhân sự ngân hàng HSBC Việt Nam

Hôm nay, Giám đốc Nhân sự ngân hàng HSBC Việt Nam – bà Oanh Trần có đưa ra một số nhận xét về tình hình bình đằng giới tại doanh nghiệp Việt Nam cũng như toàn cầu và đề xuất ra một số giải pháp để nâng cao hơn nữa bình đẳng giới trong doanh nghiệp.

Theo các con số thống kê, HSBC Việt Nam là tổ chức có tỷ lệ nhân viên nữ khá cao (77%) so với tỷ lệ lao động nữ của Việt Nam nói chung (61,6% tính đến Quý 4/2021 theo Tổng cục Thống kê). Vậy nên,tỷ lệ nữ giới nắm giữ vị trí lãnh đạo, đặc biệt là vị trí cấp cao trong tổ chức còn chưa tới một nửa, thực sự khiến người đảm nhiệm vị trí nhân sự có chút trăn trở.

Có lẽ tình trạng này không chỉ xảy ra ở ngân hàng của HSBC mà còn phổ biến tại nhiều doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Tại hầu hết các nước trên thế giới, tỷ lệ nữ nằm trong ban điều điều hành các doanh nghiệp niêm yết ở mức dưới 30%, chỉ có ở Pháp, Iceland và Na Uy tỷ lệ này đạt trên 40% theo thống kê của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum – WEF).

Nhìn trên phạm vi rộng hơn, mặc dù nhận thức về vấn đề bất bình đẳng giới ngày càng mở rộng, phòng họp ban lãnh đạo cấp cao vẫn thường là lãnh địa của đàn ông, các ngành khoa học hay công nghệ còn ít đại diện đến từ phái yếu, tình trạng bất cập trong chênh lệch thu nhập bình quân chưa được giải quyết dứt điểm. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng thúc đẩy văn hóa hòa nhập cho phụ nữ không chỉ là một việc đúng đắn nên làm mà còn mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Nhiều nơi đã bắt tay vào công cuộc thay đổi từ tư duy đến chính sách. Tuy nhiên, có thể thấy, tình hình chưa mấy cải thiện vì tiến độ còn chậm và rõ ràng cần phải làm nhiều hơn thế mới mong thực sự đảo ngược được sự bất bình đẳng giới hiện nay.

COVID-19 làm chậm tiến độ thúc đẩy bình đẳng giới

Theo thống kê của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động đang tăng lên, hiện tại là khoảng 47%. Ở Việt Nam, tỷ lệ này còn cao hơn lên đến 61,6% tính đến Quý 4/2021 theo số liệu của Tổng cục Thống kê. Không chỉ đi làm thuê, phụ nữ còn làm chủ. Hơn 51,1% doanh nghiệp tại Việt Nam thuộc sở hữu của phụ nữ, hoạt động trong nhiều ngành nghề từ những lĩnh vực tưởng chừng như thuộc lãnh địa của đàn ông như xây dựng, công nghệ… và tạo ra doanh thu không hề thua kém với doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Có thể thấy, giờ đây, phụ nữ đang xoay chuyển vai trò của họ, không chỉ tích cực đóng góp cho thu nhập gia đình mà còn góp phần thúc đẩy nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, vấn đề mất cân bằng trong thu nhập vẫn đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới ngay cả khi nam và nữ làm cùng một vị trí và công việc. Thống kê WEF cho thấy phụ nữ chỉ được trả 68% so với đàn ông khi làm cùng một công việc, đặc biệt ở các quốc gia chỉ số bình đẳng giới còn thấp thì tỷ lệ này chỉ còn 40% (Việt Nam xếp hạng 87/156 trên bảng xếp hạng Global Gender Gap index tháng 3/2021).

Các chuyên gia ước tính, thế giới cần 257 năm để lấp đầy khoảng cách về giới trong việc tham gia vào nền kinh tế. Con số này đã tăng lên đáng kể từ 202 năm trong báo cáo của WEF năm 2019 cho thấy tác động tiêu cực của đại dịch đối với phụ nữ. Cơn bão Covid-19 quét qua và phụ nữ mất việc làm, giảm thu nhập nhiều hơn so với đàn ông. Dữ liệu cập nhật thường xuyên của ILO, LinkedIn và Ipsos cho thấy “Cô-vi” đã khiến 5% phụ nữ mất việc, tỷ lệ này đối với nam giới là 3,9%, tỷ lệ nữ trúng tuyển vào vị trí lãnh đạo giảm sút.

Đặc biệt, phụ nữ phải gồng gánh gấp đôi, gấp ba khi trường học đóng cửa, dịch vụ hỗ trợ bị hạn chế do đại dịch. Rất nhiều công việc không tên và không lương đổ lên vai người phụ nữ trong gia đình và đi kèm với đó là tâm trạng căng thẳng, lo âu vì nhiều nguyên nhân: sợ mất việc ảnh hưởng thu nhập, khó cân bằng cuộc sống với công việc…

Đại dịch COVID-19 thúc đẩy tiến độ tự động hóa và số hóa trên bình diện rộng, đồng thời cũng tạo ra sự chuyển biến lớn trên thị trường lao động. Khoảng cách giới tính càng thêm nới rộng ở những mảng đòi hỏi kỹ năng công nghệ mới được mệnh danh là “công việc của tương lai”. Ví dụ, phụ nữ chỉ chiếm 14% lực lượng lao động trong lĩnh vực điện toán đám mây, 20% trong nghề kỹ sư và 32% trong mảng dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI).

Làm thế nào để thay đổi cục diện?

Nhìn ở góc độ quốc gia, nhu cầu thúc đẩy tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới là rất rõ ràng, tỷ lệ phụ nữ có việc làm gia tăng đồng nghĩa với GDP cũng tăng theo. Ở cấp độ tổ chức, lợi ích mang lại nhờ nâng cao sự hòa nhập của phụ nữ cũng không hề nhỏ. Nghiên cứu của Peterson Institute cho thấy càng nhiều phụ nữ tham gia quản lý doanh nghiệp càng thúc đẩy lợi nhuận cho công ty.

Sự khác biệt giữa doanh nghiệp có khoảng 30% nữ giới trong ban lãnh đạo cấp cao và doanh nghiệp không bổ nhiệm nữ vào các vị trí này là 15% tăng lợi nhuận. Nghiên cứu khác của McKinsey cho thấy khả năng doanh nghiệp trong nhóm dẫn đầu về đa dạng giới trong đội ngũ lãnh đạo đạt được lợi nhuận trên mức trung bình cao hơn các doanh nghiệp khác tới 21%.

Thêm một nghiên cứu khác của Credit Suisse Research Institute cho thấy nơi nào có tỷ lệ nữ nắm giữ vai trò quản lý cấp cao đạt ít nhất 15%, nơi đó có mức lợi nhuận cao hơn 50% so với doanh nghiệp có tỷ lệ nữ quản lý cấp cao dưới 10%. Có thể thấy, thay đổi nhỏ thôi cũng có thể mang đến tác động lớn đối với kết quả kinh doanh.

Vậy có thể làm gì để tạo ra một môi trường hòa nhập cho nữ giới? Có lẽ nhiều doanh nghiệp cũng đã rục rịch đặt ra mục tiêu về bình đẳng giới cho 5-10 năm tới nhưng chỉ vậy thôi dường như chưa đủ. Doanh nghiệp cần chiến lược cụ thể, rõ ràng, theo dõi tiến độ sát sao và tích cực tạo ra thay đổi trong môi trường làm việc. Để đạt được lợi ích từ đa dạng và hòa nhập giới, phụ nữ cần có chỗ đứng trong tổ chức, có tiếng nói và tầm ảnh hưởng nhất định. Muốn vậy, chúng ta cần tháo gỡ rất nhiều rào cản, phá bỏ nhiều định kiến, thiên vị và thay đổi từ trong nhận thức.

Trước hết, lãnh đạo đứng đầu các tổ chức, doanh nghiệp cần hiểu rõ thay đổi văn hóa là trách nhiệm của họ và họ cần trang bị kiến thức, kỹ năng để tạo ra thay đổi. Ở nhiều nơi, phát triển văn hóa doanh nghiệp thường được giao cho phòng Nhân sự trong khi bản thân họ lại không tạo ra đủ tầm ảnh hưởng. Mới đây, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, ông Tim Evans, cùng với một số lãnh đạo nam giới khác đã ký vào bản cam kết sẽ không tham gia các phiên thảo luận tại các sự kiện mà trong đó chỉ có các diễn giả nam. Như vậy có thể cảm nhận rõ quyết tâm của ông trong quyết định này cũng như những nỗ lực khác ông và ban lãnh đạo ngân hàng dành cho các hoạt động thúc đẩy đa dạng và hòa nhập giới cho phụ nữ.

Việc tiếp theo cần làm là phải bám sát vào dữ liệu thực tế để phân tích và đưa ra điều chỉnh phù hợp. Tại Tập đoàn HSBC, HSBC đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nữ giới nắm giữ các vị trí lãnh đạo cấp cao lên 35% vào năm 2025. Hàng năm HSBC triển khai nhiều hoạt động để đạt được mục tiêu này và theo dõi kết quả bằng dữ liệu. Tỷ lệ này hiện đang là 31,7% và chúng tôi vẫn đang giữ vững tiến độ. Và tất nhiên, đây chỉ là một trong rất nhiều dữ liệu cần đưa vào phân tích, theo dõi và thay đổi.

Khi có được những con số cụ thể trong tay, doanh nghiệp cần lên kế hoạch tạo điều kiện để phát triển nhân viên nữ, xây dựng lộ trình cụ thể rõ ràng để họ có thể học thêm kỹ năng mới và nắm giữ vai trò cao hơn trên con đường sự nghiệp. Nếu chỉ nhân viên nữ có nguyện vọng thăng tiến thôi chưa đủ, đó mới chỉ là hành động gieo hạt. Họ cần môi trường thuận lợi để nảy mầm, vươn cao, đơm hoa kết trái. Đó là trách nhiệm của tổ chức và cụ thể là ban lãnh đạo.Tại HSBC, HSBC đã đưa ra yêu cầu cấp quản lý bắt buộc phải tham gia khóa huấn luyện về tuyển dụng công bằng và toàn diện.

Kể từ khi đưa ra yêu cầu này vào tháng 2/2021, hơn 13.000 nhân viên quản lý của Tập đoàn đã hoàn thành chương trình. Ngoài ra, nhân viên nữ cũng thuộc nhóm được đặc biệt chú ý trong kế hoạch xây dựng đội ngũ kế cận cho những vị trí cao cấp, điều này được thể hiện rõ ở tỷ lệ đồng nghiệp nữ được thăng chức trong năm 2021 đạt 43,2% (tăng 4,9% so với năm trước).

Tại HSBC Việt Nam, HSBC tập trung vào ba yếu tố để vun đắp một môi trường thuận lợi cho đồng nghiệp nữ là cơ hội bình đẳng, chế độ công bằng và tạo điều kiện phát triển sự nghiệp. Cơ hội bình đẳng được thể hiện trong quy chế tuyển dụng của chúng tôi khi lọc hồ sơ ứng viên, phòng Nhân sự có trách nhiệm đảm bảo có đủ hồ sơ của cả ứng viên nam lẫn nữ cho bộ phận tuyển dụng cân nhắc,ngay cả với những lĩnh vực thường được coi là “thuần nam”như công nghệ thông tin. Nhằm đảm bảo chế độ đãi ngộ công bằng cho đồng nghiệp nữ, chúng tôi áp dụng quy trình kiểm toán nội bộ định kỳ hàng năm. Nếu mức thu nhập bình quân của nữ thấp hơn nam, chúng tôi sẽ tìm hiểu kỹ các trường hợp cụ thể, xem xét các yếu tố như kinh nghiệm, trình độ, khối lượng và tính chất công việc nhằm đảm bảo đồng nghiệp nữ không bị thiệt thòi.

Cuối cùng là cơ hội phát triển sự nghiệp, HSBC xây dựng khóa học chuyên biệt cho đồng nghiệp nữ giúp họ hoàn thiện bản thân và sẵn sàng tiếp nhận vị trí quản lý, lãnh đạo khi có cơ hội. Mục tiêu xây dựng một môi trường công bằng, bình đẳng cho phụ nữ là một chỉ tiêu quan trọng tại HSBC Việt Nam, thậm chí được đưa vào chỉ tiêu đánh giá hoạt động của Tổng Giám đốc, nghĩa là bản thân ông Tim Evans sẽ phải chịu trách nhiệm với mục tiêu này với KPI cụ thể, ví dụ như tỷ lệ nữ trong nhóm quản lý, lãnh đạo cấp cao.

Cá nhân bà Oanh tin người lãnh đạo tốt không chỉ nhắm tới những con số trong kinh doanh mà còn cần dũng cảm và quyết tâm thay đổi những con số liên quan đến bình đẳng giới. Thế giới đâu thể chờ 150 năm nữa để đạt được mục tiêu về bình đẳng giới. Hằng ngày, hằng giờ, trong cuộc sống vẫn có những người lãnh đạo có thể thúc đẩy thay đổi trong nhiều lĩnh vực, chúng ta có trách nhiệm mang đến những thay đổi tương tự trong vấn đề đa dạng và hòa nhập cho phụ nữ. HSBC tin tưởng rằng trong thời gian sớm tới nỗi trăn trở về số lượng nữ lãnh đạo trong phòng họp của HSBC Việt Nam sẽ không còn nữa.

Chat với BizLIVE