Đại sứ Phạm Quang Vinh - Ảnh: VOV

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Có nhiều cơ hội mới phát triển kinh tế trong quan hệ Việt - Mỹ

Nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Joe Biden mới trải qua những tháng đầu tiên và trong tình hình dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến hết sức phức tạp thì có thể thấy chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ tới Việt Nam vào ngày mai có rất nhiều yếu tố đặc biệt. 

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đến Singapore từ hôm qua (22/8) và sẽ tới Việt Nam vào ngày mai (24/8). Với chuyến thăm này, bà Harris sẽ trở thành quan chức cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden đến thăm khu vực, nhằm thúc đẩy quan hệ với các đối tác ở đây.

Chia sẻ cùng với BizLIVE, Đại sứ Phạm Quang Vinh đã có những nhận định về nội dung xung quanh chuyến thăm sắp tới của bà Harris và vị thế của Đông Nam Á trong chiến lược ngoại giao của nước Mỹ.

Thưa ông, gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã đến thăm Việt Nam, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng chuẩn bị có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Ông nhận định thế nào với về những chuyến thăm cấp cao liên tiếp này trong quan hệ ngoại giao và kinh tế của Việt Nam và Mỹ?

Nhìn lại những tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, vừa rồi tình hình dịch bệnh còn đang phức tạp như vậy, mỗi nước đều có rất nhiều vấn đề phải lo nhưng phía Mỹ vẫn lựa chọn đến thăm Việt Nam, hẳn phải có những yếu tố đặc biệt.

Cũng phải nói rằng việc lãnh đạo của nước này nước kia thăm Việt Nam dồn dập cũng đã từng xảy ra rồi, nhiều lúc bộ trưởng đến rồi lãnh đạo cấp cao khác đến, câu chuyện đó không mới. Nhưng chuỗi sự kiện năm nay có yếu tố đặc biệt và khác biệt riêng.

Chuỗi chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Phó tổng thống Mỹ đến Việt Nam nhằm triển khai chính sách của chính quyền Biden với khu vực Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Tại sao cả hai lần đều có Việt Nam trong đó, rõ ràng Mỹ coi trọng vai trò của Việt Nam, đánh giá Việt Nam có vị thế trong ASEAN và khu vực châu Á – Thái Bình Dương này.

Trong thông báo của Nhà Trắng khi nói về chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ cũng đã đề cập những nội dung về chuyến thăm này.

Thứ nhất, nước Mỹ luôn gắn kết với khu vực châu Á – Thái Bình Dương và rất coi trọng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Thứ hai, chính sách của chính quyền Biden là khẳng định sự cam kết lâu dài chứ không phải là nhất thời, trong sự cam kết đó, nước Mỹ rất coi trọng quan hệ với đối tác đồng minh và bạn bè.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Có nhiều cơ hội mới phát triển kinh tế trong quan hệ Việt - Mỹ  ảnh 1

Có một câu chuyện chung, chính là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực này. Trong đó, có cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ trong nỗ lực chung đó. Thông báo từ Nhà Trắng Mỹ nhấn mạnh, Việt Nam và Singapore là 2 đối tác mà Mỹ rất coi trọng. Khi đến Singapore và Việt Nam, phía Mỹ sẽ trao đổi với lãnh đạo của Việt Nam, làm sao để làm sâu sắc hơn mối quan hệ đã có, nhiều mặt giữa hai nước đang phát triển rất tốt.

Hai bên sẽ trao đổi, tập trung vào một số lĩnh vực, đặc biệt, ngoài nội dung chung ra sẽ có vấn đề phát triển kinh tế, thương mại. Câu chuyện hợp tác với nhau để tăng cường hơn nữa để phòng chống dịch bệnh, rồi tăng cường gắn kết và giao lưu về văn hóa và nhân dân. Ngoài ra còn những câu chuyện chung về hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực...

Như vậy, mới trải qua những tháng đầu của nhiệm kỳ, hai chuyến thăm cấp cao của Mỹ diễn ra trong 1 tháng vào bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp này, lựa chọn đến thăm Việt Nam của phía Mỹ rất có ý nghĩa và rõ ràng cho thấy vai trò của Việt Nam không chỉ trong song phương mà còn trong cả hợp tác ở khu vực.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương giữ vị trí như thế nào trong chính sách ngoại giao của nước Mỹ, thưa ông?

Mỗi thời kỳ Tổng thống Mỹ có cách tiếp cận, quan tâm ưu tiên khác nhau. Nếu chúng ta chỉ nhìn ngắn ở đây thôi, ông Barack Obama trước đây cũng từng đến rất nhiều nước Đông Nam Á, tham dự hàng loạt sự kiện của ASEAN. Ông Donald Trump cũng đã đến Việt Nam, cũng dự APEC, cấp cao ASEAN ở Philippines.

Nhìn vào thực chất hơn, trong chính sách mới của chính quyền Biden, có thể thấy những điểm quan trọng như sau:

Mỹ rất coi trọng vị thế của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đây là khu vực phát triển rất năng động. Dù trong đại dịch Covid-19 như thế này, nhưng nhiều dự báo cho rằng rằng hậu đại dịch, đây vẫn là những khu vực phát triển mạnh của thế giới.

Nếu nhìn lại những nước gắn kết với châu Á – Thái Bình Dương này, nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tập trung ở đây trong đó có Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... Vì vậy, nước Mỹ chắc chắn không thể nào bỏ qua được khu vực này.

Trong khu vực, có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho phát triển thương mại. Nếu nhìn lại vài ba năm qua, có thể thấy rằng nhiều nơi đã áp dụng chủ nghĩa bảo hộ, câu chuyện về chống toàn cầu hóa hay chống tự do thương mại. Nhưng châu Á – Thái Bình Dương vẫn là nơi ủng hộ tự do hóa thương mại, mối liên kết và tự do hóa ở khu vực vẫn đan xen với nhau. Trong không gian đó, có những câu chuyện về cạnh tranh nước lớn mà đặc biệt cạnh tranh Trung – Mỹ.

Thời của các Tổng thống trước đây, quản trị và cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc khác, đến thời ông Biden, trên thực tế, cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn tiếp tục nhưng cách quản trị cũng khác.

Nói về vị thế vị trí châu Á - Thái Bình Dương, ngoài vấn đề phát triển năng động của khu vực, hay hội nhập khu vực thì đây cũng là nơi cọ sát quyền lợi với nhau trong đó có cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc.

Nói thêm về cuộc cạnh tranh này, đây là 2 cường quốc lớn nhất của thế giới, có những khác biệt về lợi ích với nhau nhưng nhìn vào những động thái trong thời gian vừa qua, họ sẽ còn cạnh tranh lâu dài, cạnh tranh một cách chiến lược trong nhiều mặt. Nhưng họ vẫn hợp tác với nhau, đối thoại với nhau và làm sao để quản trị câu chuyện này một cách ổn định và có trách nhiệm hơn.

Tháng 2/2021, ông Joe Biden có điện đàm với ông Tập Cận Bình, rồi tháng 3 có cấp bộ trưởng đàm phán ở Alaska, mới đây là cuộc gặp ở Thiên Tân có sự tham gia của Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Mỹ. Trong các cuộc trao đổi đó, có những sự cãi vã, có khác biệt với nhau nhưng gặp được nhau cho thấy họ vẫn có nhu cầu hợp tác.

Tóm lại, mỗi một chính quyền có cách tiếp cận và ưu tiên khác nhau, nhưng châu Á – Thái Bình Dương luôn là ưu tiên. Hiện nay, chính quyền của ông Biden dường như đang trở lại truyền thống ngoại giao của nước Mỹ hơn, không chỉ coi trọng quan hệ song phương mà cả diễn đàn, khuôn khổ hợp tác đa phương mà châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt ASEAN rất quan trọng.

Trong ASEAN có nhiều yếu tố tích cực, nhiều nước có vai trò như Việt Nam hay Singapore đều có lợi ích trong chuyện đó.

Trong cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo hai nước Mỹ - Việt Nam, những vấn đề nào sẽ là tâm điểm của các cuộc bàn thảo?

Chương trình nghị sự cụ thể như thế nào chưa thấy hai phía họ công bố gì, theo cá nhân tôi, có ba vấn đề này mà người ta sẽ rất quan tâm, thứ nhất cần làm sao để làm sâu sắc và thúc đẩy đà quan hệ trên tất cả mọi mặt. Khuôn khổ của quan hệ đối tác toàn diện có rất nhiều mặt, từ chính trị cho đến kinh tế thương mại, đầu tư hay an ninh quốc phòng, khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân.

Ví dụ như vấn đề kinh tế thương mại, rõ ràng bây giờ khi mà hai nước đã đạt hơn 90 tỷ USD thương mại hai chiều, một con số rất lớn. Quan hệ thương mại Việt - Mỹ đứng thứ 2 trong toàn cục thương mại của Việt Nam, nhưng lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nước Mỹ là nơi có tiêu chuẩn khoa học công nghệ cao, chất lượng sản phẩm cao, chuỗi cung ứng gắn kết chất lượng cao, có rất nhiều yếu tố đặc thù đó.

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Có nhiều cơ hội mới phát triển kinh tế trong quan hệ Việt - Mỹ  ảnh 2

Ngoài ra, có thể đề cập đến vấn đề hàn gắn vết thương giữa hai nước, giúp đỡ lẫn nhau về khắc phục hậu quả chiến tranh, Việt Nam có hợp tác với Mỹ rất hiệu quả về tìm kiếm hài cốt của người Mỹ mất tích. Phía Mỹ trong khi đó gần đây đã hợp tác tốt với Việt Nam, từ chuyện tháo gỡ bom mìn đến tẩy độc dioxin, giúp đỡ các nạn nhân bom mìn và nạn nhân chiến tranh, điển hình là dự án tẩy độc đã hoàn tất ở Đà Nẵng.

Phía Mỹ cũng đang triển khai dự án lớn gấp nhiều lần Đà Nẵng là tẩy độc ở sân bay Biên Hòa. Vừa rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã ký biên bản hợp tác về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính của bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh.

Những lĩnh vực hợp tác về khắc phục hậu quả chiến tranh thực sự là vấn đề nhân đạo giữa hai nước, càng làm nhiều thì sự hiểu biết, lòng tin và hàn gắn quá khứ sẽ càng tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, phát triển ở thời kỳ hiện tại và tương lai.

Vấn đề giáo dục cũng rất quan trọng. Việt Nam hiện đang đứng thứ 6 thế giới về số lượng du học sinh đang học tại Mỹ, còn tính riêng trong Đông Nam Á, Việt Nam đứng đầu về con số này. Mỹ là môi trường giáo dục rất tốt.

Có nhiều vấn đề mới đặt ra mà hai nước có thể coi đó là cơ hội để hợp tác với nhau.

Về hợp tác phòng chống dịch bệnh, thời gian gần đây, Mỹ là một trong những nước rất tích cực hợp tác và hỗ trợ cho Việt Nam trong vấn đề vắc xin COVID-19. Mỹ đã viện trợ 5 triệu liều vắc xin COVID-19, hon 20 triệu USD giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch cùng với nhiều vật tư y tế ví như tủ lạnh sâu. Sự hỗ trợ đó vô cùng quý giá trong lúc Việt Nam đang tập trung quyết liệt để chống dịch, mà chống dịch không chỉ là vấn đề y tế, nhân đạo mà còn giúp sớm ổn định tình hình để phát triển kinh tế.

Dịch bệnh sẽ kéo theo câu chuyện dịch chuyển chuỗi cung ứng, đang diễn ra rất mạnh mẽ và sâu sắc ở khu vực này. Nước Mỹ cũng có những nhu cầu gắn kết với các đối tác quan trọng về kinh tế. Trong đó, Việt Nam cũng là một địa điểm mà các doanh nghiệp Mỹ rất coi trọng.

Doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, từ năng lượng đến môi trường cho đến biến đổi khí hậu, thương mại ... và đều muốn làm ăn lâu dài ở Việt Nam. Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp Mỹ càng mở rộng, quan hệ càng bền chặt nhưng chắc chắn có những yêu cầu mới, đòi hỏi hợp tác cao hơn, đáp ứng tốt hơn.

Nếu lãnh đạo nước Mỹ đi thăm khu vực này mà không có thông điệp gắn kết về kinh tế chắc chắn sẽ là thiếu sót, trước đây thường nói đến TPP, nhưng sau này đã không còn nữa. Nếu như có bất kỳ sáng kiến nào từ phía Mỹ liên quan đến kết nối kinh tế, thương mại với khu vực Đông Nam Á hay châu Á – Thái Bình Dương thì Việt Nam cũng có thể cân nhắc tham gia vào đó như đã từng tham gia vào TPP.

Mới nhất gần đây, Doanh nghiệp Mỹ và Vingroup đang hợp tác sản xuất vắc xin COVID-19 tại Việt Nam. Nếu hợp tác này thành công, có thể sản xuất vắc xin COVID-19 phục vụ cho cả khu vực chứ không chỉ Việt Nam. Việt Nam từng nói đến mục tiêu tự cường về vắc xin, điều này vô cùng quan trọng.

Thời gian qua, Mỹ và Việt Nam đã có những nhất trí trong những nguyên tắc chỉ đạo về quan hệ như bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau, nhấn rất mạnh vào tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Việc nhấn mạnh tôn trọng thể chế chính trị của nhau giúp hai nước sẽ đi được rất xa trong mối quan hệ của mình. Nước Mỹ cũng đã nhiều năm qua khẳng định ủng hộ một Việt Nam độc lập, vững mạnh, thịnh vượng, họ ủng hộ như vậy có thể thấy họ đã rất coi trọng Việt Nam và phù hợp với lợi ích của mình.

Xin cám ơn ông về những chia sẻ!

Đọc tiếp

Triển lãm “Non Stop House” tại TP. Hồ Chí Minh

Triển lãm “Non Stop House” tại TP. Hồ Chí Minh

“Non Stop Vinahouse” là một dự án truyện tranh, pha trộn giữa yếu tố hư cấu và phim tài liệu, nhằm mục đích làm nổi bật Vinahouse, một phong cách âm nhạc phóng khoáng đặc trưng của Việt Nam đang được mọi người ưa chuộng.

Chat với BizLIVE