Đại sứ Phạm Quang Vinh - Ảnh: Duy Hiệu

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Việt Nam có phong cách rất riêng trong đối ngoại và hội nhập

Việt Nam được biết đến là một dân tộc mới thoát khỏi chiến tranh nhưng đã dám đổi mới, một dân tộc theo định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng tiếp cận nền kinh tế thị trường, một dân tộc từ nền kinh tế khó khăn bao cấp nhưng lại bước ra hội nhập.

Nhân dịp ngày làm việc đầu tiên của năm Tân Sửu, Nhịp sống Doanh nghiệp BizLIVE đã ghi lại cuộc trò chuyện với cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh về những cách riêng rất linh hoạt mà Việt Nam áp dụng trong chính sách kinh tế và đối ngoại để đạt được nhiều thành công trong nước và trên trường quốc tế. 

Bản sắc Việt Nam trong quan hệ đối ngoại

Năm mới, nhìn vào phong cách Việt Nam từ góc độ chính sách đối ngoại phải khẳng định Việt Nam bước ra trường quốc tế ngày một có sắc thái riêng, được bạn bè rất coi trọng.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam từ thời còn chiến tranh, những con người kiên cường trong chiến đấu, nhưng trong quan hệ đối ngoại, vừa cứng rắn, kiên định về nguyên tắc vừa rất uyển chuyển trong những câu chuyện xử lý đối thoại, nhân văn với các bên đối nghịch của mình.

Có nhiều câu chuyện mà người ta cảm phục về tính cách con người nói chung chứ không phải chỉ một con người cụ thể đại diện cho dân tộc, cũng không chỉ là câu chuyện con người kiên cường trong chiến đấu.

Trong kinh tế đối ngoại, chúng ta đã có một thời rất khó khăn, sau chiến tranh tới thời kỳ bao cấp, tiếp đến là chấm dứt viện trợ từ Liên Xô, Đông Âu sau cuộc khủng hoảng và tan rã của hệ thống, rồi đến thời kỳ đổi mới…

Những bước đổi mới còn chập chững, mặc dù Việt Nam học tập kinh nghiệm của nhiều nước khác từ làm kinh tế thị trường, thay đổi khung pháp luật, sở hữu tư nhân, sở hữu tư liệu sản xuất… tuy nhiên, tôi vẫn cảm nhận đâu đó có bản sắc riêng Việt Nam, vừa có phong cách Á Đông nhưng nó vẫn tiếp cận với những cái hiện đại nhất của thế giới.

Nhìn lại lịch sử dân tộc mình, 4.000 năm cho đến thời kỳ hiện đại này, qua thời kỳ chiến tranh rồi qua thời kỳ phát triển và hội nhập như ngày nay, rõ ràng các đặc điểm trên đã được thể hiện rõ ràng.

Còn từ góc độ kinh tế, Việt Nam đi lên từ một nước nông nghiệp lạc hậu, trải qua cuộc chiến tranh và định hướng của mình là phúc lợi của người dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng kinh tế lại kết hợp với kinh tế thị trường, đây là bài toán mình luôn phải giải quyết. Nhưng rõ ràng càng ngày chúng ta càng phải tôn trọng quyết định của kinh tế thị trường. Tôn trọng kinh tế thị trường và quản lý hướng tới phúc lợi người dân, đây là điểm quan trọng nhất của chủ nghĩa xã hội.

Có những thời điểm chúng ta phải có những quyết định mang tính thay đổi như là câu chuyện quản lý doanh nghiệp, có hai luật doanh nghiệp, doanh nghiệp nhà nước riêng, doanh nghiệp tư nhân riêng. Đến khi quyết định lại, tất cả các loại hình kinh tế đều cùng trong một luật, thay đổi đó rất lớn để tạo ra mặt bằng chung. Đây là tiếp cận kinh nghiệm của thế giới, nhân loại trong quản lý kinh tế, nhưng để đi được đến bước đó mà lại từ một nước nông nghiệp lạc hậu, đất nước bao cấp hay một đất nước từng gánh chịu nhiều hậu quả chiến tranh mới là điểm đặc biệt.

Việt Nam - Một dân tộc đổi mới và hội nhập

Trong kinh tế phải kể đến trước nhất là câu chuyện đổi mới, câu chuyện thứ hai là câu chuyện về hội nhập. Một đất nước Việt Nam mở cửa và hội nhập như hiện nay là cực kỳ dũng cảm và hướng tới phát triển tương lai của đất nước và người dân.

Nếu tính hội nhập và đổi mới thì từ năm 1980 đến nay, nhưng hội nhập phải đến giữa những năm 1990 mới bắt đầu tham gia vào ASEAN rồi tham gia vào WTO, tiếp theo là các hiệp định hợp tác song phương đa phương về kinh tế thương mại.

Đến ngày nay nhìn nhận lại mới thấy rằng chúng ta không chỉ tham gia về chiều rộng mà cả chiều sâu, không chỉ theo hướng giảm thuế thông thường mà đã tham gia vào những hiệp định thương mại chất lượng cao, từ theo đuổi, rồi sau này đến CPTPP và đến EVFTA, IPA…

Trong 2 năm gần đây nhất, chuyển đổi số là một chuyển biến rất lớn tại Việt Nam, thay đổi từ cấp quản lý cao nhất tới từng người dân.

Tôi đã từng có ba nhiệm kỳ làm việc tại Mỹ, khi trao đổi với các bạn Mỹ, nếu như trước đây nghĩ đến Việt Nam là nghĩ đến một cuộc chiến tranh thì trong hơn 2 thập kỷ qua, người ta lại biết đến Việt Nam như một đất nước cởi mở và hội nhập. Một dân tộc mới thoát khỏi chiến tranh nhưng đã dám đổi mới, một dân tộc theo định hướng xã hội nhưng tiếp cận nền kinh tế thị trường, một dân tộc từ một nền kinh tế khó khăn bao cấp nhưng lại dám ra hội nhập.

Việt Nam – Hội nhập toàn diện trên mọi lĩnh vực

Việt Nam đã xử lý tốt hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ. Trải qua cả hai khoảng thời gian đó, tiêu chí chung là kiên trì với mục tiêu phải được công nhận một nước Việt Nam độc lập, được tôn trọng chủ quyền.

Nhưng cái thứ 2 cũng rất quan trọng đó là khi mà hết chiến tranh, chuyển biến tới quá trình làm bạn, làm đối tác của nhau. Nó là một quá trình mà ngay cả người trong cuộc cũng không thể tưởng tượng được thành công như bây giờ.

Câu chuyện trong quá khứ, có thể thấy mình đương đầu với nhiều cường quốc lớn trong một cuộc chiến tranh nhưng tại sao lại tạo ra được phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam trong việc giành độc lập, đó là tính chính nghĩa và tính nhân văn của Việt Nam.

Muốn thế giới biết tính chính nghĩa và nhân văn của Việt Nam, thứ nhất mình kiên cường trong nước, thứ hai mình mang ra được bên ngoài hình ảnh của người Việt Nam mong muốn hòa bình nhưng kiên quyết vì độc lập, đồng thời có tính nhân văn và tính hòa hiếu để người ta thấy được chính nghĩa của mình.

Đối ngoại của Việt Nam luôn mang bản sắc Việt Nam, nhưng vẫn tiếp cận với những thứ hiện đại nhất của thế giới. Chính sách đối ngoại chung của chúng ta là độc lập tự chủ nhưng xây dựng quan hệ đối tác trên nền tảng tin cậy lẫn nhau, hai bên cùng bình đẳng và có lợi.

Nếu kinh tế mình hội nhập thì trên các lĩnh vực khác chính trị, ngoại giao, an ninh quốc phòng mình cũng từng bước hội nhập và thực sự chúng ta cũng có những đóng góp tích cực.

Nhận thức từ phía Việt Nam, chúng ta kết hợp giữa lợi ích quốc gia và lợi ích của nhân loại và lợi ích chung của khu vực. Thế nhưng vào giai đoạn đầu, không phải ai cũng nhất trí được về câu chuyện trái đất nóng lên và biến đổi khí hậu, không chỉ là hiện tượng thời tiết bình thường mà còn có những yếu tố phát triển do con người, do môi trường phát triển, do khí thải, do tất cả các yếu tố khác nữa…như vậy cần đến sự phối hợp hợp tác chung.

Cách mà Việt Nam chúng ta tiếp cận về đối ngoại, kể cả trên những vấn đề khó nhất, chúng ta vẫn giữ được nguyên tắc và bản sắc của mình nhưng đồng thời chúng ta cũng tiếp thu, học hỏi và có những vấn đề cần phải thừa kế cái của nhân loại. Có những vấn đề mình phải thừa kế cái của các nhà khoa học, ví dụ như biến đổi khí hậu, môi trường. 

Đối với những câu chuyện kể cả ở Trung Đông hay câu chuyện ở Đông Nam Á, cần nhấn rất mạnh đến nguyên tắc độc lập dân tộc. Nhưng đồng thời mình cũng ủng hộ những quá trình nỗ lực đối thoại hòa giải thay vì sử dụng vũ khí chiến tranh và giải quyết hòa bình tranh chấp. Nhận thức của mình kết hợp với lợi ích của quốc gia hay lợi ích của nhân loại hoặc lợi ích chung của khu vực. 

Đọc tiếp

Triển lãm “Non Stop House” tại TP. Hồ Chí Minh

Triển lãm “Non Stop House” tại TP. Hồ Chí Minh

“Non Stop Vinahouse” là một dự án truyện tranh, pha trộn giữa yếu tố hư cấu và phim tài liệu, nhằm mục đích làm nổi bật Vinahouse, một phong cách âm nhạc phóng khoáng đặc trưng của Việt Nam đang được mọi người ưa chuộng.

Chat với BizLIVE