Đầu tư cho nhân lực - giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Nhật Bản

Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Đề cương chính sách tài chính và kinh tế năm tài khóa 2022 và một trong những trọng tâm là “đầu tư con người” với khoản ngân sách 400 tỷ yen (khoảng 2,95 tỷ USD).
Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân di chuyển trên đường phố tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Kinh tế Nhật Bản (Nikkei), ngày 7/6, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua Đề cương chính sách tài chính và kinh tế năm tài khóa 2022 và một trong những trọng tâm là “đầu tư con người” với khoản ngân sách 400 tỷ yen (khoảng 2,95 tỷ USD) trong vòng 3 năm.

Đào tạo nguồn nhân lực tạo ra những giá trị gia tăng là chìa khóa của tăng trưởng, nhưng so với các quốc gia tiên tiến khác trên thế giới, Nhật Bản đang bị đánh giá là “tụt hậu” trong lĩnh vực này. Việc xóa bỏ khoảng cách với các quốc gia tiên tiến là không hề dễ dàng.

Các vấn đề chính mà Nhật Bản cần giải quyết đó là đào tạo lại kỹ năng cho những người đang làm việc, chuyển đổi lao động sang các lĩnh vực tăng trưởng như kỹ thuật số, thúc đẩy các việc làm phụ, và cải thiện môi trường cho giáo dục trọn đời.

Các kỹ năng về công nghệ kỹ thuật số sẽ nâng tỷ lệ các khóa đào tạo nghề từ 20% hiện nay lên hơn 30%. Chính phủ Nhật Bản cũng cần thiết lập một hệ thống bao gồm các nhà tư vấn độc lập để hỗ trợ người lao động có thể dễ dàng chuyển đổi công việc giữa các công ty với nhau.

Tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng thể hiện sức mạnh của kinh tế Nhật Bản tiếp tục ở mức thấp và chỉ đạt chưa tới 1% kể từ năm 2000 đến nay. Theo dữ liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2021, chỉ số này của Nhật Bản là 0,6%, tương đương Hy Lạp (0,4%), Tây Ban Nha (0,6%) và thấp hơn nhiều so với Mỹ (1,8%).

Mặc dù xu hướng lao động là người cao tuổi và nữ giới tăng lên, nhưng kinh tế Nhật Bản có hạn chế là dân số suy giảm tổng thể, phủ bóng đen lên việc đảm bảo nguồn lao động. Trong xu hướng số hóa mang tính toàn cầu, nếu không nâng cao kỹ năng cho người lao động và nâng cao tỷ lệ sinh, Nhật Bản sẽ bị tụt lại so với phần còn lại thế giới.

Thực tế các nỗ lực của Chính phủ Nhật Bản cho đến thời điểm hiện tại là bị đánh giá là mờ nhạt. Theo Văn phòng chính phủ Nhật Bản, khoản đầu tư cho con người của các doanh nghiệp nước này giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014 chỉ dừng ở mức 0,1% so với quy mô Tổng thu nhập quốc dân (GDP), con số này là rất thấp nếu so sánh với Mỹ (2,08%), Pháp (1,78%) và nguy cơ khoảng cách này ngày càng nới rộng nếu Nhật Bản không có những nỗ lực vượt bậc.

Từ trước đến nay, các doanh nghiệp Nhật Bản thường có xu hướng coi trọng tiền công, nhưng cùng với xu hướng số hóa trong những năm gần đây, xu hướng đánh giá nhân viên dựa trên kỹ năng và ý tưởng đang dần mở rộng hơn.

Chuyên gia Masayuki Morikawa thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và công nghiệp đã đưa ra ước tính nếu các doanh nghiệp tăng gấp đôi khoản đầu tư cho lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, năng suất lao động sẽ tăng lên 2,2%, đặc biệt các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ sẽ tăng 2,5%.

Trong kế hoạch thực hiện chủ nghĩa tư bản mới, Chính phủ Nhật Bản đã đề cập nội dung bảo đảm lực lượng lao động và nâng cao năng lực sản xuất, bổ sung khoản ngân sách 400 tỷ yen trong giai đoạn 3 năm tới để đầu tư cho con người, hỗ trợ 1 triệu lao động chuyển đổi việc làm sang các lĩnh vực tăng trưởng cao, thúc đẩy các doanh nghiệp tăng gấp đôi khoản đầu tư đào tạo nguồn nhân lực.

Cũng có quan điểm cho rằng khoản đầu tư của Chính phủ Nhật Bản là không đủ. Theo ước tính của chuyên gia Naoki Hattori thuộc viện nghiên cứu Mizuho, để nâng tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng của Nhật Bản lên mức 1%, tương đương các quốc gia Âu-Mỹ, quy mô đầu tư kết hợp công-tư cho con người cần phải tăng lên mức 3.900 tỷ yen. Hiện tại mức đầu tư chỉ là 1.600 tỷ yen.

Các quốc gia tiên tiến trên thế giới đang đi tiên phong trong việc đầu tư cho con người. Người lao động không chỉ được thảo luận về nội dung tập huấn mà còn được tham gia các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng phù hợp với nguyện vọng cá nhân. Bên cạnh đó, chính sách về lao động kết hợp với khoản hỗ trợ thất nghiệp mạnh tay đang lan rộng tại các quốc gia châu Âu.

Từ năm 1974, Thụy Điển đã ban hành Luật Nghỉ phép giáo dục, trong đó đảm bảo quyền được tham gia các khóa học và quay trở lại làm việc. Điều này đã tạo ra động thúc thúc đẩy người lao động nâng cao tay nghề sau khi có việc làm. Tại Mỹ, việc công bố nguồn vốn đầu tư đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động đang được thúc đẩy và cũng trở thành áp lực đối với đầu tư doanh nghiệp.

Đầu tư vào con người sẽ thúc đẩy tăng trưởng thời kỳ hậu COVID-19. Nhận thức được điều này, năm 2021, Chính phủ Singapore đã hợp tác với Tập đoàn tư vấn Boston của Mỹ để triển khai các hoạt động nhằm đào tạo kỹ năng liên quan đến kỹ thuật số cho những người lao động có nguyện vọng chuyển việc.

Đề cương chính sách tài chính và kinh tế của Chính phủ Nhật Bản năm 2022 đã đưa ra nhiều đề mục nâng tầm các chính sách hiện tại. Trong thời gian tới, câu hỏi đặt ra là liệu Chính phủ Nhật Bản có thể đưa ra hoạch định được các chính sách cụ thể và mang tính thực tế để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, năng lực tăng trưởng của Nhật Bản hay không. Để đẩy nhanh việc chuyển đổi lao động, Chính phủ Nhật Bản sẽ cần mạnh tay đầu tư, đồng thời phối hợp với lĩnh vực tư nhân để điều chỉnh hệ thống lao động mang tính vững chắc.

Theo TTXVN

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE