"Đầu tư sân bay Nội Bài tầm cỡ, thể hiện vị thế đất nước"

Phó thủ tướng Lê Văn thành cho rằng sân bay Nội Bài phải được đầu tư hiện đại với quy mô lớn, tầm cỡ, xứng tầm thủ đô Hà Nội và thể hiện vị thế đất nước.
Sân bay Nội Bài có công suất khai thác 25 triệu khách một năm
Sân bay Nội Bài có công suất khai thác 25 triệu khách một năm

Chiều 21/9, Phó thủ tướng Lê Văn Thành kiểm tra tình hình thực hiện đồ án Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Nội Bài thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi thị sát phía bắc sân bay, quan sát toàn cảnh từ đài kiểm soát không lưu, ông cho rằng sân bay Nội Bài phải được đầu tư hiện đại với quy mô lớn, tầm cỡ, xứng tầm thủ đô Hà Nội và thể hiện vị thế đất nước.

Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, với tốc độ phục hồi, tăng trưởng nhanh của ngành hàng không, việc sân bay Nội Bài đạt 50 triệu khách một năm vào năm 2030 là hoàn toàn có thể. Do đó, nếu không đầu tư kịp thời, dễ dẫn tới quá tải, ùn tắc.

Phó thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, đơn vị liên quan thực hiện công việc, phấn đấu khởi công xây dựng đường băng và nhà ga hành khách trong năm 2024-2025.

Phó thủ tướng khảo sát quy hoạch sân bay Nội Bài chiều 21/9. Ảnh: Báo Chính phủ

Phó thủ tướng khảo sát quy hoạch sân bay Nội Bài chiều 21/9. Ảnh: Báo Chính phủ

Cục trưởng Cục Hàng không (Bộ Giao thông vận tải - GTVT) Đinh Việt Thắng cho biết, Nội Bài được xác định là sân bay trọng yếu của quốc gia. Cùng với sân bay Long Thành, Nội Bài là trung tâm trung chuyển hàng không lớn nhất cả nước. Một trong những khó khăn lớn nhất trong việc mở rộng sân bay ở thủ đô là giải phóng mặt bằng.

Hiện nay sân bay Nội Bài có 2 nhà ga hành khách công suất khai thác đạt 25 triệu khách một năm. Trong đó, nhà ga T1 là 15 triệu khách một năm, nhà ga T2 là 10 triệu khách một năm. Nhà ga hàng hóa công suất 403.000 tấn hàng hóa một năm.

Tốc độ tăng trưởng vận tải hành khách giai đoạn 2010-2019 trung bình khoảng 13,4%, vận tải hàng hóa trung bình khoảng 14,5%. Năm 2019, sân bay Nội Bài phục vụ hơn 29 triệu lượt hành khách, 695.325 tấn hàng hóa.

Tập đoàn ADPi (Pháp), đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới, là đối tác tư vấn xây dựng quy hoạch sân bay Nội Bài. ADPi bắt đầu thực hiện xây dựng quy hoạch từ tháng 6/2019. Đến cuối năm 2020, đơn vị tư vấn hoàn thành báo cáo cuối kỳ.

Quy hoạch được Bộ GTVT xin ý kiến các bộ, ngành, UBND TP Hà Nội. Đến nay, Bộ GTVT nhận được ý kiến của 7/9 bộ và Hà Nội. Theo đó, Hà Nội cơ bản thống nhất với phương án quy hoạch phát triển sân bay Nội Bài với quy mô công suất khoảng 100 triệu khách một năm vào 2050.

Theo quy hoạch của tư vấn, giai đoạn đến năm 2030, sân bay Nội Bài có 3 đường cất hạ cánh, 3 nhà ga hành khách. Trong đó mở rộng nhà ga hàng khách T2 để hệ thống nhà ga T1 và T2 đạt công suất tổng công suất 30-40 triệu khách một năm, xây mới nhà ga hành khách T3 phía Nam đạt công suất 30 triệu khách một năm.

Đến năm 2050 xây dựng 4 đường cất hạ cánh và xây mới thêm 1 đường cất hạ cánh phía Nam, 4 nhà ga hành khách. Hệ thống đường lăn và sân đỗ tàu bay được xây dựng đồng bộ.

Các ý kiến tại cuộc họp cơ bản nhất trí với nội dung quy hoạch, trong đó việc mở rộng sân bay Nội Bài đáp ứng 100 triệu khách một năm là cần thiết.

Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt đề nghị sớm đầu tư nâng cấp sân bay trong giai đoạn chuyển tiếp chờ quy hoạch để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách, có xu hướng ngày càng tăng. Trong khi Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết Hà Nội sẵn sàng tham gia công tác giải phóng mặt bằng.

Trước mắt, dự án mở rộng nhà ga T2 Nội Bài đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2025.

Dự án thực hiện mở rộng phần thân nhà ga T2 hiện hữu ra 2 bên và kéo dài 2 bên cánh ra phía Đông và Tây. Các công việc gồm xây dựng mở rộng nhà ga khoảng 61.100 m2 sàn, chuyển đổi công năng khoảng 16.800 m2 sàn, xây dựng mở rộng các hệ thống cơ khí, điện, cấp thoát nước và giao thông… đáp ứng công suất nhà ga sau khi mở rộng.

Sau khi được mở rộng, nhà ga T2 sân bay Nội Bài đảm bảo công suất phục vụ 15 triệu khách một năm. Nhà ga mới có thêm 24 quầy làm thủ tục hàng không truyền thống và 24 quầy làm thủ tục tự động, 36 kios check-in, 2 băng tải hành lý, 15 cầu ống lồng ra máy bay, 16 hệ thống dẫn đỗ máy bay, bổ sung hệ thống máy soi chiếu an ninh, hệ thống lưu trữ hành lý check-in sớm và quá cảnh… Tổng mức đầu tư dự án hơn 4.983 tỷ đồng.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm doanh nghiệp xăng dầu không xuất hóa đơn bán lẻ điện tử

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và UBND các tỉnh, thành chỉ đạo các lực lượng chức năng xem xét xử lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử, kể cả việc yêu cầu tạm dừng hoạt động kinh doanh và thu hồi giấy phép.

Chat với BizLIVE