Để du lịch đột phá, Việt Nam cần làm cái nước khác chưa làm

"Để tạo sự đột phá cho ngành du lịch và thu hút khách quốc tế thì Việt Nam phải làm điều mà các nước khác chưa làm, thậm chí các nước khác phải đến Việt Nam học hỏi", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội nêu quan điểm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022, với mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế và 60 triệu lượt khách nội địa năm 2022, Việt Nam được tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới.

Tuy nhiên, kết thúc năm 2022, lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam chỉ đạt 70% kế hoạch đặt ra, khoảng 3,5 triệu lượt khách. Ngành du lịch Việt Nam dần đánh mất ưu thế dẫn đầu khi tỷ lệ phục hồi du lịch chỉ đạt 18,1%, xếp sau nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, quốc gia mở cửa cùng thời điểm có tốc độ phục hồi đạt 22% và những quốc gia mở cửa du lịch muộn hơn như Singapore đạt 30,9% hay Malaysia là 27,5%.

Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế. Con số này liệu có phải là mục tiêu lớn đối với ngành du lịch khi mà số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 không được như kỳ vọng?

Cần thu hút lượng khách chi trả cao

Đánh giá về mục tiêu này, tại tọa đàm "Hiến kế hút khách quốc tế" do Báo Đầu tư tổ chức sáng 22/3, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho rằng, con số này không phải quá cao bởi dưới góc độ của những doanh nghiệp làm du lịch, doanh nghiệp luôn phải đặt mục tiêu cao hơn, thậm chí là tham vọng cho ngành du lịch Việt Nam để phấn đấu.

"Tôi thấy rằng với tốc độ tăng trưởng trong 3 tháng đầu năm 2023 thì có thể tự tin với mục tiêu này. Cũng tương tự Thái Lan, ban đầu đặt một mục tiêu thấp hơn nhưng đến nay nước bạn đã tự tin hơn trong việc đặt mục tiêu đạt 30 triệu khách quốc tế trong năm 2023. Vậy thì tại sao chúng ta không tự tin vượt con số 8 triệu này", ông Chính đặt vấn đề và cho biết Việt Nam thậm chí có thể đặt và đạt mục tiêu trên 10 triệu khách quốc tế hoặc trên 12 triệu trong năm nay.

Bên cạnh con số, ông Chính cho rằng cũng cần tập trung vào chất lượng. Đây là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam có thể cơ cấu lại thị trường khách du lịch để gia tăng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung. Theo ông con số đóng góp 9,2% tổng GDP cả nước (tương đương với 32,8 tỷ USD) của ngành du lịch năm 2019 là con số cao kỷ lục nhưng hiện nay đang thấp hơn rất nhiều. Dù vậy, ông tin chắc ngành du lịch sẽ quay trở lại đóng góp nhiều hơn mức 9,2% trong các năm tiếp theo.

Muốn làm được như vậy, ông Chính nhấn mạnh cần phải thu hút lượng khách chi trả cao. Việt Nam không cần học tập đâu xa, chỉ cần nhìn vào các nước xung quanh. Năm 2019, Việt Nam đón được 18 triệu lượt khách, tỷ lệ chi tiêu trung bình của khách quốc tế đến Việt Nam khoảng 1.200 USD/người, thời gian ở lại Việt Nam trung bình 9,1-9,2 ngày/khách. Trong khi cùng năm Thái Lan không chỉ đón được 40 triệu lượt khách quốc tế, mà còn đón được những khách có khả năng chi trả đến 2.400 - 2.500 USD/khách cũng trong một khoảng thời gian 9 ngày như ở Việt Nam.

Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch

Ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng Ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch

Theo ông Chính, ngành du lịch Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm nhưng trước tiên cần hiểu được khách hàng, cần phải tìm hiểu thị trường, trước COVID-19 thị trường khác, sau COVID-19 thị trường có những vận động khác. Sau khi hiểu được thị trường thì sẽ có những sản phẩm phù hợp, tiếp thị sản phẩm phù hợp, còn nếu không hiểu thị trường thì chúng ta sẽ còn loay hoay để đưa ra các định hướng có thể không đúng.

Ông Chính cũng đồng tình với một đề xuất tại một hội nghị gần đây là nới lỏng chính sách visa kết hợp với những đường bay thẳng, nếu làm vậy thì trong vòng ba năm tới số lượng khách du lịch quốc tế có thể tăng lên gấp đôi, tương đương với mức tăng trưởng khoảng 25% mỗi năm. "Với những thống kê trước đây, đây là một con số rất lớn, nhưng Việt Nam có thể đạt được", ông nói.

Trong khi đó, ông Martin Koerner, Trưởng tiểu Ban Du lịch, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch tiểu ban Du lịch và Khách sạn, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) nhấn mạnh, Việt Nam cần cải thiện chính sách visa.

Theo ông Koerner, chính sách visa của Việt Nam so với Thái Lan, Singapore quá hạn chế và phức tạp. Tuần trước Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có kết luận mở rộng visa cho du khách quốc tế, tuy nhiên mọi thứ đang diễn biến rất chậm.

"Các bạn có thể học Thái Lan, khi họ muốn thực hiện một biện pháp nào thì triển khai rất nhanh", ông đề xuất và lưu ý thêm ngành du lịch Việt Nam cũng cần cải thiện chất lượng dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ sân bay để khi du khách vừa đặt chân đến Việt Nam đã có cảm giác được chào đón và có ấn tượng tốt đẹp, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến quyết định quay trở lại của họ lần sau.

"Nếu cứ xem người ta làm gì, ta làm đấy thì sẽ luôn luôn đi sau"

Bàn thêm về giải pháp giúp Việt Nam "hút" khách quốc tế, ở góc độ của một người làm chính sách, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, tư duy phát triển ngành du lịch cần phải suy nghĩ một cách rất rộng, không chỉ là sự thuận lợi, dễ dàng trong di chuyển mà khi khách quốc tế đến, cần có những chính sách và hạ tầng có liên quan cả về phần cứng và phần mềm để họ có thể nghỉ lại và vui chơi dài ngày hơn, chi tiêu nhiều hơn.

"Tôi cho rằng chính sách về phát triển du lịch không chỉ liên quan đến luật du lịch, cũng không chỉ liên quan luật xuất nhập cảnh mà tôi hình dung ra rất nhiều chính sách khác", ông Hiếu nói và lấy ví dụ, vấn đề về nghỉ dưỡng liên quan nhiều đến chính sách đất đai, nhà ở, vấn đề quy hoạch, hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển hệ thống lưu trú nghỉ dưỡng, hay hệ thống giao thông,…

Cũng theo ông Hiếu, nhìn sang Thái Lan trong kế hoạch "Sand box", họ triển khai rất mạnh mẽ và quyết liệt, đặc biệt đặt ra mục tiêu phải mở cửa du lịch trong vòng 120 ngày thì họ làm mọi cách để đạt được mục tiêu. Tức là họ đặt ra mục tiêu rất rõ ràng, còn chúng ta nếu tư duy mở cửa hoàn toàn du lịch khi đủ điều kiện về mặt an toàn và kiểm soát được dịch bệnh thì hành động của chúng ta sẽ hoàn toàn khác.

Nhưng cũng từ bài học của Thái Lan, ông Hiếu đặt vấn đề tại sao Việt Nam lại cứ phải đi học các nước, sao phải đặt mục tiêu thấp hơn các nước, trong khi đang thảo luận về việc Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng du lịch không thua kém gì các nước.

Điều này theo ông Hiếu sẽ thay đổi chính sách rất lớn ở hai điểm. Thứ nhất là Việt Nam cần tự tin hơn trong đặt mục tiêu, tất nhiên là mục tiêu không quá tham vọng. "Nếu cứ xem người ta làm gì, ta làm đấy thì sẽ luôn luôn đi sau và đương nhiên không bao giờ đạt được mục tiêu", ông Hiếu nói.

"Thứ hai, để thực sự đột phá, Việt Nam cần làm cái mà người khác, các nước phải đến đây học", ông Hiếu đề xuất và lấy ví dụ, trong vấn đề visa có nguyên tắc đối đẳng,… nước nào miễn cho ta, ta miễn cho họ, điều này là bình thường nhưng nếu khi làm du lịch chúng ta "nhún nhường", bỏ qua nguyên tắc đối đẳng trong một phạm vi nào đó, nếu bên kia chưa miễn thị thực cho ta, ta chủ động miễn trước cho họ, nếu họ thấy ta miễn cho công dân của họ, họ thấy tốt, họ quay lại miễn cho ta,…

"Chúng ta đang rất cần những chính sách vượt trội như vậy, tất nhiên trong phạm vi kiểm soát", ông Hiếu nhấn mạnh.

Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an

Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an

Cũng tại tọa đàm, nói rõ hơn về vấn đề visa, Đại tá Đặng Tuấn Việt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, từ ngày 15/3/2022 chính sách thị thực của Việt Nam đã khôi phục như trước đại dịch.

Hiện tại, Bộ Công an đang gấp rút hoàn thiện dự án Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để lấy ý kiến đóng góp từ nhân dân và đã đăng tải lên website của Bộ từ ngà 14/3/2023 để lấy ý kiến rộng rãi.

Trong dự thảo luật có hai nội dung nổi bật là miễn thị thực đơn phương và chính sách thị thực điện tử. Cụ thể, Bộ Công an đề xuất mở rộng diện các quốc gia cấp thị thực điện tử từ 80 nước lên mức tối đa các nước được cấp thị thực nhưng phải đảm bảo các yêu cầu luật định. Yêu cầu tiên quyết là phải đảm bảo an ninh trật tự và chủ quyền của Việt Nam.

"Việt Nam là bạn của tất cả các quốc gia trên thế giới nên số lượng các nước bị hạn chế không đáng kể", Đại tá Việt nói.

Thứ hai là đề xuất nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp visa điện tử từ 30 lên 90 ngày, giá trị của thị thực điện tử là một lần hoặc nhiều lần, căn cứ theo nhu cầu của người nước ngoài, khách du lịch, đảm bảo cho người nước ngoài, khách du lịch có thể xuất nhập cảnh nhiều lần thực hiện việc kinh doanh hoặc các tour kết nối.

Thứ ba là kéo dài thời gian tạm trú đối với người nước ngoài được hưởng quy chế miễn thị thực đơn phương từ 15 ngày lên 30 ngày và có thể được gia hạn thị thực, cấp thị thực thẻ tạm trú nếu đáp ứng được các yêu cầu khác.

"Trong khi Luật xuất nhập cảnh chưa được sửa đổi thì Bộ Công an đã dự kiến đề xuất Quốc hội đưa các nội dung trên vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại kỳ họp gần nhất vào tháng 5", ông Việt cho biết và khẳng định đây sẽ là căn cứ quan trọng để Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay các chính sách nhằm tranh thủ được thời gian cao điểm đón khách du lịch quốc tế trong năm 2023.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE