Đi ngang tuần thứ 2, VN-Index vẫn đứng ngoài cuộc đua của chứng khoán châu Á

Dù đang có một loạt chỉ số chứng khoán châu Á tăng hơn 15% từ đầu năm, VN-Index vẫn nối dài chuỗi phiên đi ngang. Thành tích từ đầu năm hiện còn bị thu hẹp sau tuần giao dịch giảm 0,31%.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Định vị thị trường

Các thị trường chứng khoán châu Á đang có một cuộc đua khá lành mạnh. Sau khi thị trường chứng khoán Nhật Bản có đỉnh mới thì chứng khoán Đài Loan cũng đang đuổi theo khá nhanh. Chỉ số TWSE với phiên tăng 1,31% đã nới thêm thành tích từ đầu năm 2023 lên 16,75%. Hiện NIKKEI 225 vẫn đang dẫn đầu với thành quả 18,48% và KOSPI của Hàn Quốc đạt 14,42%.

Trong khi đó, sau 9 phiên đi ngang liên tiếp, VN-Index vẫn đang giao dịch khá khó chịu. Chỉ số tiếp tục lình xình từ 1.060-1.070 điểm trong phiên cuối tuần, qua đó có trọn vẹn 2 tuần không rõ xu hướng.

Chất xúc tác

Quy mô bán ròng của nhà đầu tư ngoại trên HOSE dù đã thu hẹp nhưng vẫn đang ở mức trên 300 tỷ đồng. Tổng cộng, 5 phiên vừa qua, khối ngoại đã bán ròng hơn 2.300 tỷ đồng trên HOSE. Trong top bán ròng của phiên hôm nay, vẫn có có sự góp mặt của các Bluechips như VHM (-103,1 tỷ đồng), CTG (-33,2 tỷ đồng), HPG (-33,2 tỷ đồng).

Điểm đáng ngại là tiền nội không thể duy trì được trạng thái tốt như các phiên trước. Sau 12 phiên khớp lệnh trên mức bình quân 20 phiên, HOSE đã hụt dưới mức này với khối lượng khớp 595 triệu đơn vị. Tín hiệu này sẽ cần phải theo dõi trong các phiên tuần sau bởi các cổ phiếu sẽ trở nên khó dự báo hơn khi cung cầu bị suy yếu.

Vận động nhóm ngành

Vai trò của các cổ phiếu Bluechips giai đoạn này vẫn đang bị đặt dấu hỏi lớn. VHM (0%), CTG (+0,7%) có vẻ như đã thoát được áp lực từ khối ngoại trong khi HPG cũng giảm giá không đáng kể.

Tuy nhiên, lực đẩy vẫn chưa xuất hiện rõ ràng. Các cổ phiếu tăng tốt nhất trong VN30 là GVR (+2,7%), POW (+1,1%) đang là những gương mặt đầu ngành nhưng lại không phải là trụ cột của thị trường. Diễn biến thuận lợi của các mã này chỉ đến từ những câu chuyện riêng ảnh hưởng tới nhóm Khu công nghiệp và Năng lượng.

Các mã có sức lan tỏa hơn như Ngân hàng hay VNM (0%) lại không có đóng góp đáng kể. Một loạt cổ phiếu Ngân hàng như VCB (-1,3%), BID (-0,8%), VPB (-0,3%), HDB (0%), VIB (+0,7%) chỉ có những biến động trái chiều trong biên độ hẹp.

Top thanh khoản của thị trường hầu hết là những cổ phiếu Midcap như GEX (466 tỷ đồng), DIG (326 tỷ đồng), DXG (287 tỷ đồng), VND (279 tỷ đồng) cũng phản ánh trạng thái thiếu dòng tiền lớn dẫn dắt.

VN-Index có phiên thứ 10 liên tiếp đi ngang, giảm 0,87 điểm xuống 1.063,76 điểm (-0,08%). Tổng giá trị giao dịch đạt 10.888 tỷ đồng.

Cách vận động cầm chừng và thiếu thanh khoản cũng diễn ra trên HNX. Chỉ số HNX-Index tăng 0,4% lên 217,64 điểm, giá trị giao dịch đạt 1.355 tỷ đồng.

Trong khi đó, UPCoM có sự dậy sóng của một số cổ phiếu như VGI (+3,6%), BSR (+4,2%), OIL (+7,4%). Nếu không có những vận động khác thường của VEF (-12,1%), chỉ số thực tế đã có thể đóng cửa trong sắc xanh thay vì giảm 0,16% xuống 80,58 điểm. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.300 tỷ đồng.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Ảnh minh họa.

Vàng đồng loạt tăng giá mạnh

Cùng chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, giá vàng trong nước đồng loạt tăng cao và giá bán tại SJC lại vượt lên trên 81 triệu đồng một lượng.

Chat với BizLIVE