Dịch COVID-19 tàn phá kinh tế Trung Quốc hơn năm 2020

Những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt thậm chí còn lớn hơn hồi năm 2020. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, trong khi những chỉ số kinh tế khác đều giảm sút mạnh.
Những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt thậm chí còn lớn hơn hồi năm 2020 - khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước này - Ảnh: Reuters.
Những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt thậm chí còn lớn hơn hồi năm 2020 - khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở nước này - Ảnh: Reuters.

Theo Bloomberg, trong cuộc họp hôm 25/4, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thừa nhận rằng ở một số phương diện, nền kinh tế Trung Quốc đang tồi tệ hơn so với năm 2020. Nói với các quan chức địa phương, doanh nghiệp quốc doanh và tổ chức tài chính, ông kêu gọi giảm tỷ lệ thất nghiệp vốn đã tăng vọt.

"Các chỉ số kinh tế của Trung Quốc đã giảm đáng kể. Ở một số khía cạnh, khó khăn thậm chí còn lớn hơn thời điểm dịch bệnh tấn công vào năm 2020", ông bình luận.

Kể từ đầu tháng 3, Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp chống dịch gắt gao ở hầu hết thành phố lớn. Đáng nói, chiến lược Zero-COVID (đưa số ca nhiễm mới về 0) dường như vẫn chưa có điểm dừng.

Thách thức hơn

Một số nhà phân tích dự báo kinh tế Trung Quốc tăng 4% năm nay, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 5,5% của Bắc Kinh. Trong khi đó, các nhà kinh tế của Bloomberg tin rằng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 2%.

Theo truyền thông Trung Quốc, ông Lý kêu gọi các quan chức tìm cách giảm tỷ lệ thất nghiệp và đảm bảo cho nền kinh tế "hoạt động trong một phạm vi hợp lý" vào quý 2/2022.

Tỷ lệ thất nghiệp trên toàn quốc đã tăng lên 6,1% vào tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Theo ông Lý, Trung Quốc sẽ cố gắng giảm thiểu tác động của các chính sách chống dịch đối với nền kinh tế. Nhưng ông này không nêu chi tiết những biện pháp để đạt được điều này.

"Song song với kiểm soát dịch bệnh, chúng ta cần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế", ông Lý khẳng định.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc đã tăng lên 6,1% vào tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Trung Quốc đã tăng lên 6,1% vào tháng 4, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Theo dữ liệu chính thức, sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc vào tháng 4 đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, doanh số bán lẻ trong tháng 4 đã giảm 11,1% so với một năm trước đó, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Tại Thượng Hải, lệnh phong tỏa khiến doanh số bán xe tháng 4 bằng 0.

Sản xuất công nghiệp tháng 4 đã giảm 2,9% so với một năm trước đó, sau khi tăng 5% vào tháng 3. Sản lượng trong lĩnh vực ôtô giảm 43,5% bởi các đợt bùng dịch ở Thượng Hải và những vùng lân cận.

Tăng trưởng hàng năm của đầu tư tài sản cố định, bao gồm các dự án cơ sở hạ tầng và bất động sản, đã giảm từ 9,3% vào quý 1/2022 xuống 6,8% trong 4 tháng đầu năm.

Khó đạt mục tiêu tăng trưởng

Dựa trên những chỉ số tần suất cao, chẳng hạn lưu lượng xe tải ra vào giữa các thành phố, nền kinh tế thứ 2 thế giới tiếp tục lao dốc trong tháng 5.

Theo G7 Connect, trong tuần kết thúc vào ngày 15/5, chỉ số vận chuyển hàng hóa đường bộ của Trung Quốc đã giảm 18% so với một năm trước. G7 cho biết dòng xe tại Thượng Hải - thành phố bị phong tỏa gắt gao kể từ tháng 3 - chỉ bằng 20% mức bình thường.

Hầu hết hàng hóa của Trung Quốc đều được vận chuyển bằng xe tải. Giới quan sát nhận thấy lưu lượng xe tải và sản lượng kinh tế của nước này có mối tương quan cao.

Hôm 16/5, Citigroup cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong quý II và cả năm xuống lần lượt 1,7% và 4,2%, giảm từ mức 4,7% và 5,1% trước đó.

Vài ngày trước đó, JPMorgan đã giảm dự báo từ 4,6% xuống 4,3%. Vào cuối tháng 4, Morgan Stanley cũng cắt giảm mục tiêu 0,4 điểm phần trăm xuống 4,2%.

Các chỉ số kinh tế của Trung Quốc đã giảm đáng kể. Ở một số khía cạnh, khó khăn thậm chí còn lớn hơn thời điểm dịch bệnh tấn công vào năm 2020

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường

Theo ông Zhaopeng Xing - chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ngân hàng đầu tư ANZ, nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt với hai thách thức. Đó là dư địa nới lỏng tiền tệ bị thu hẹp và tâm lý kinh doanh, tiêu dùng xấu đi.

Theo ông, Trung Quốc khó trở lại đà phục hồi nhanh như sau đợt phong tỏa hồi năm 2020, bởi biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao hơn.

Trước đó, giới quan sát từng cho rằng hoạt động sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ cải thiện trong tháng 5, sau khi số ca nhiễm mới trên cả nước giảm đi. Nhưng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh cam kết theo đuổi chiến lược Zero-Covid. Điều này đè nặng lên hoạt động sản xuất, bán lẻ và thương mại tại đất nước 1,4 tỷ dân.

Hôm 23/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã vạch ra 33 biện pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, bao gồm hơn 140 tỷ NDT ( 21 tỷ USD ) cắt giảm thuế bổ sung và cắt giảm thuế mua xe.

Các chính quyền địa phương được yêu cầu chi phần lớn số tiền thu được từ 3.650 tỷ NDT trái phiếu, sử dụng chủ yếu cho cơ sở hạ tầng vào cuối tháng 8.

Cùng ngày, ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý ngân hàng Trung Quốc cũng đã tổ chức một cuộc họp với các tổ chức tài chính lớn. Giới chức Bắc Kinh thúc giục những tổ chức này đẩy mạnh các khoản cho vay.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE