Diễn biến thị trường gạo trong nước trước tin Philippines tính nhập khẩu thêm nhiều gạo

Diễn biến thị trường gạo trong nước trước thông tin Philippines tính đến việc nhập khẩu thêm nhiều gạo trước tháng 12, với chi phí cao hơn đáng kể do đồng peso tiếp tục suy yếu so với đồng USD.
Diễn biến thị trường gạo trong nước trước tin Philippines tính nhập khẩu thêm nhiều gạo

Siêu bão Noru đã tàn phá 141.312 ha diện tích nông nghiệp của Philippines, riêng đất trồng lúa có đến 138.843 ha bị ảnh hưởng và 63.115 tấn gạo trị giá 959,8 triệu peso bị mất trắng, khiến Philippines tính đến việc nhập khẩu thêm gạo cho tiêu dùng trong nước.

Philippines có thể phải nhập khẩu thêm gạo cho tiêu dùng trong nước

Ngày 8/9, Ấn Độ áp 20% thuế đối với một chủng loại gạo xuất khẩu, và cấm xuất khẩu gạo tấm nhưng cho phép vận chuyển một số lô hàng nhất định trong thời gian từ ngày 9-15/9. Vào ngày 28/9, nước này đã gia hạn thời gian xuất khẩu gạo tấm đến ngày 15/10.

Lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ khiến nguồn cung gạo trên toàn cầu giảm. Đặc biệt, những nước lâu nay mua nhiều gạo của Ấn Độ như Trung Đông và châu Phi sẽ quay sang mua gạo của Việt Nam và Thái Lan, dẫn đến sự cạnh tranh giữa các nước nhập khẩu gạo sẽ đẩy giá gạo tăng ảnh hưởng đến các nước nhập khẩu gạo lớn, như Philippines. Đây là điều mà Philippines đang lo ngại.

Và mới đây, siêu bão Noru đã tàn phá 141.312 ha diện tích nông nghiệp ở các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Philippines, gây thiệt hại lên tới 2,29 tỷ peso. Riêng đất trồng lúa có đến 138.843 ha bị ảnh hưởng và 63.115 tấn gạo trị giá 959,8 triệu peso bị mất trắng, bắt buộc quốc gia này phải tính đến việc nhập khẩu thêm gạo trước so với dự kiến (tháng 12/2022).

“Gạo là loại hàng hóa bị ảnh hưởng nhiều nhất. Dựa trên điều này, chúng tôi đang xem xét ảnh hưởng như thế nào đối với tình hình cung cấp, không chỉ nguồn cung cấp, mà quan trọng hơn là nguồn cung cấp đủ gạo cho Metro Manila, vì cơn bão đổ bộ vào miền Trung Luzon, nơi cung cấp rau và gạo chính của chúng tôi”, phát ngôn viên Bộ Nông nghiệp Philippines (DA)DA, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị và tiêu dùng Kristine Evangelista nói.

Theo ông Raul - Giám đốc Quốc gia của Liên đoàn Nông dân Tự do (FFF), dự trữ gạo vẫn còn đầy đủ nhờ lượng gạo nhập khẩu lớn trước đó, và việc thu hoạch đang diễn ra ở những khu vực không bị ảnh hưởng bởi siêu bão, triển vọng dự trữ cuối năm cho năm 2023 có thể khác.

Tuy nhiên, vấn đề lớn là dự trữ hàng tồn kho thấp vào năm 2023. Thu hoạch đã được dự báo sẽ giảm do giá phân bón và nhiên liệu tăng cao nên thiệt hại về mùa màng do bão sẽ làm giảm thêm nguồn cung.

Ông Leonardo Montemayor - Chủ tịch FFF, cựu Bộ trưởng DA dự báo cả nước có lượng gạo tồn kho cuối năm trong 60-70 ngày, nhưng để đảm bảo an toàn cho năm tới, cần lượng gạo dự trữ đệm cho 100 ngày sẽ phải được xây dựng trước mùa gieo trồng khô.

“Chúng tôi chưa biết mức độ nhập khẩu sẽ diễn ra như thế nào… Nhưng kho đệm thoải mái là 100 ngày. Các kho dự trữ cuối kỳ có nghĩa là sẽ trang trải cho ba tháng đầu năm sau trước khi vụ mùa khô trong quý II.

Nếu thiệt hại đối với đất trồng lúa ở Trung Luzon trở nên tồi tệ hơn dự kiến, chắc chắn sẽ phải nhập khẩu lớn, và sự mất giá của đồng peso sẽ khiến gạo nhập khẩu đắt hơn”, ông Leonardo Montemayor nói.

Theo Nhà lập pháp Albay Joey Salceda, Philippines nên cân nhắc đặt hàng trước gạo nhập khẩu, đề phòng giá tăng đột biến, đặc biệt là trong bối cảnh đồng nội tệ suy yếu. Có thể ứng trước gạo mà doanh nghiệp Philippines đã đặt hàng gạo nhập khẩu ... từ những người anh em châu Á”, ông Albay Joey Salceda nói.

Philippines sẽ nhập khẩu thêm gạo trước tháng 12?

Philippines dự kiến sẽ nhập khẩu gạo vào tháng 12, sau khi thu hoạch lúa trong nước kết thúc, nhưng nay do tình hình sản xuất lúa bị bão lũ tàn phá nặng nề, đặt Philippines trước quyết định nhập khẩu thêm gạo trước dự kiến.

Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Việt Hưng cho biết, trước đây Philippines dự kiến nhập khẩu gạo vào tháng 12, khi vụ mùa ở nước này kết thúc, nhưng nay do tình hình bão lũ tàn phá nặng nề các vùng nông nghiệp trọng điểm, nên chính phủ nước này đang tính đến chuyện nhập khẩu thêm gạo để đủ tiêu dùng trong nước, và tồn kho dự trữ quốc gia.

Rất có thể họ sẽ triển khai vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 và sớm hơn dự kiến một tháng. Thời điểm này lúa Thu Đông 2022 ở Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch sẽ giúp đầu ra lúa Thu Đông thuận lợi hơn về mặt giá cả.

Hiện nay, giá gạo ở thị trường gạo trong nước đang đứng ở giá cao. Cụ thể:

Gạo lứt ĐT 8, OM 5451 ... doanh nghiệp đang mua vào hơn 9.000 đồng/ kg, gạo ĐT 8, OM 5451 loại 5% giá 10.200 đồng/kg. Tương đương giá gạo xuất khẩu là 480 USD/tấn, dù vậy vẫn còn thấp hơn so với năm 2019, 2020 có giá bán từ 570 USD đến 580 USD/tấn.

So với thời điểm hiện tại gạo xuất khẩu các loại của Việt Nam vẫn còn rẻ hơn từ 60 - 100 USD/tấn, và vẫn ở mức trung bình thấp so với giá xuất khẩu gạo trước đây nên chưa gọi là cao.

Gạo của Việt Nam đang cao hơn gạo Thái Lan khoảng 10 USD/tấn

Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết, năm nào cũng vậy khi vào mùa thu hoạch lúa Philippines sẽ tạm dừng nhập khẩu gạo, hoặc nhập khẩu ít lại để xem thu hoạch trong nước như thế nào mới quyết định lượng gạo (trắng thường) nhập khẩu theo hạn nhập chính phủ. Đó là đối với gạo trắng thông thường, còn đối với các loại gạo cao cấp như: Japonica, thơm cao cấp, dòng gạo ST... các thương nhân vẫn nhập khẩu bình thường.

“Bây giờ đã là tháng 10, nếu Philippines nhập khẩu sớm hơn cũng bình thường, và nhập khẩu chính của họ vẫn là loại gạo trắng thơm nhẹ có giá rẻ hơn một chút. Song, diện tích trồng các loại lúa này hiện không nhiều do nông dân chuyển sang trồng các loại lúa OM 18, ĐT 8, ST 21, ST 25…

Gạo 5% tấm của Việt Nam chào giá cho cuối tháng 10, đầu tháng 11 mức 455 - 450 USD /tấn (FOB), hàng container, cao hơn gạo của Thái Lan khoảng 10 USD/tấn. Tuy nhiên, giá chào này là khá cao nên khách hàng đang xem xét lại.

Gạo OM 18, ĐT 8 chào mức 480 USD - 490 USD/tấn tùy theo chất lượng có sortex hay không. Gạo Jasmine chào bán đi các thị trường cơ bản có giá từ 540 USD - 550 USD/tấn. Gạo Jasmine vẫn giao dịch bình thường, còn với gạo thơm nhẹ hay gạo trắng thường giao dịch khá trầm lắng, do giá mức khá cao nên khách hàng tỏ ra e dè. Ở thị trường trong nước mua các loại gạo này muốn mua với số lượng lớn cũng không mua được vì đã qua mùa vụ.

Theo ông Có hiện có yếu tố hỗ trợ giá gạo trong nước: Một là tỷ giá USD/VNĐ đang tăng cao; hai là Philippines và Malaysia đang có nhu cầu nhập khẩu lại, nên giá gạo xuất khẩu có thể tăng thêm hơn so với hiện tại.

Như vậy giá lúa Thu Đông sẽ tốt hơn tạo tâm lý phấn khởi để bà con đầu tư cho vụ lúa Đông Xuân tới, là vụ lúa chính có lượng hàng hóa rất dồi dào, các nước sẽ tăng nhập hàng để tiêu dùng hoặc dự trữ.

Theo Nhịp sống Doanh nghiệp

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE