Diện tích ngày một giảm, đe dọa vị trí nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới của Việt Nam

Việt Nam đã kết thúc vụ thu hoạch hạt tiêu nên nguồn cung ra thị trường không còn dồi dào, trong khi nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng buộc doanh nghiệp gia tăng mua hàng dự trữ, giúp giá tiêu vẫn neo cao dù nhu cầu từ thị trường Hoa Kỳ và EU vẫn chậm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Diện tích ngày một giảm, đe dọa vị trí nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới của Việt Nam
Diện tích ngày một giảm, đe dọa vị trí nước xuất khẩu hồ tiêu số 1 thế giới của Việt Nam

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), giá tiêu hôm nay tiếp tục đi ngang và đang neo ở mức cao.

Cụ thể, giá tiêu cao nhất là tại Bà Rịa – Vũng Tàu với ngưỡng 76.000 đồng/kg, thấp nhất tại Đắk Lắk, Đắk Nông và Gia Lai với mức 73.000 đ/kg.

Nhu cầu nhập khẩu tiêu từ Trung Quốc đang gia tăng

Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công thương cho biết, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2023 đạt 102,5 nghìn tấn, trị giá 316,64 triệu USD, giảm 12,4% về lượng và giảm 33,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu đạt mức 3.088 USD/tấn, giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hạt tiêu sang hầu hết các thị trường chủ lực như: Hoa Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ, Đức, Anh… giảm so với cùng kỳ năm ngoái, ngoại trừ Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập.

Cục XNK dẫn số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, quý 1/2023, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu đạt 1,58 nghìn tấn, trị giá 7,25 triệu USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 9,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện 5 thị trường cung cấp hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc lần lượt là Indonesia, Việt Nam, Malaysia, Brazil và Ấn Độ.

“Việt Nam vừa kết thúc vụ thu hoạch hạt tiêu với sản lượng 200 nghìn tấn, tăng 9% so với năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng là yếu tố khiến doanh nghiệp gia tăng mua hàng để dự trữ ở trong kho, mặc dù nhu cầu từ thị trường Hoa Kỳ và EU vẫn chậm”, đại diện Cục XNK nói.

Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, hiện Việt Nam có sáu địa phương trồng tiêu trọng điểm, chiếm 90% diện tích hồ tiêu cả nước. Ở Đông Nam Bộ có Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Phước. Tây Nguyên có ba tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai.

Cuối tháng 4/2023, Việt Nam vừa kết thúc vụ thu hoạch tiêu và giá thành sản xuất dao động từ 70.000 - 80 000 đồng/kg, nhưng giá tiêu đang ở mức 76.000 đồng/kg so với giá thành là không cao, và bán giá này nông dân vẫn còn lỗ, nếu nói giá tiêu ở mức cao thì phải từ 100.000 đồng/kg trở lên.

“Năm nay, đúng ra giá tiêu phải ở mức 100.000đ/kg nhưng do biến động xã hội, chiến sự Nga - Ukraina gây ra lạm phát cộng lãi suất ngân hàng quá cao nên các nhà nhập khẩu lớn của châu Âu, Mỹ không có dám vay tiền mua tiêu dự trữ do lãi suất quá cao dù biết rằng sắp tới đây giá tiêu sẽ cao hơn bây giờ”, ông Bính nói.

Các vườn tiêu ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đang mất dần diện tích

Ở các vùng trồng tiêu trọng điểm, cây tiêu bị cây sầu riêng và chanh dây cạnh tranh rất gây gắt nên diện tích đang giảm dần, vì phần lớn nông dân đang phá vườn tiêu để tập trung phát triển cây sầu riêng.

Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê nhận định, khi diện tích cây tiêu giảm sẽ mở chu kỳ tăng giá mới, có thể vào năm 2030 hay 2032, giá tiêu có thể lên tới 150.000 đồng/kg. Diện tích cây tiêu càng giảm thì sản lượng càng ít giá bán sẽ càng tăng, giống như giai đoạn 2005 – 2006, nhu cầu thị trường nhập khẩu tăng mạnh, diện tích trồng tiêu nhỏ, sản lượng thấp đẩy giá tiêu tăng cao trên 200.000 đồng/kg, còn bây giờ cung vượt cầu giá tiêu đang đi xuống.

Lúc đó những nông dân có điều kiện sẽ rục rịch trồng tiêu lại, nhưng trồng mới tiêu trong những năm tới sẽ khó hơn trước nhiều, vì không có đất để trồng, nông dân bị ám ảnh bởi dịch bệnh trên cây tiêu làm mất mùa, giá bán tiêu và cuối cùng là khó thuê nhân công thu hoạch tiêu và giá thuê lại cao.

Tại tại Chư Sê, năm 2016 bị nắng hạn, đến năm 2018 chịu một đợt mưa dầm hơn 3 tháng khiến nhiều vườn tiêu bị chết, nên hiện giờ diện tích cây tiêu ở đây không còn bao nhiêu vì vậy nông dân không phá vườn tiêu để trồng sầu riêng như những nơi khác. Trong khi đó, những địa phương như Đắk Song đã trồng xen cây sầu riêng vào vườn tiêu, có nơi cây sầu riêng đã được 4 tuổi và nông dân đang cưa bỏ cây tiêu để cho cây sầu riêng phát triển, mặc dù vườn tiêu đang rất đẹp.

Hiện tại, Việt Nam vẫn là nước số 1 xuất khẩu hồ tiêu ra thế giới và chiếm hơn 50% sản lượng tiêu toàn cầu, nhưng trước xu hướng diện tích cứ giảm dần thì vị trí này sẽ mất về tay Brazil. Song, Brazil đang bị vướng Quy định Chống mất rừng và suy thoái rừng của châu Âu (EUDR), trong đó, họ cấm nhập khẩu một số nông sản liên quan tới mất rừng nhập khẩu vào EU như hồ tiêu. Mặt khác, tiêu của Brazil không thơm, không cay nên không được người tiêu dùng châu Âu, Mỹ chấp nhận vì không hợp khẩu vị, vì vậy, tiêu Brazil không đáng ngại.

Theo Thời Đại

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE