Điều chỉnh quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Bộ Giao thông vận tải bổ sung 3,54 ha diện tích đất quốc phòng quản lý để di dời hệ thống ụ bê tông xi măng.
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được điều chỉnh quy hoạch cục bộ
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được điều chỉnh quy hoạch cục bộ

Ngày 8/8, Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 1078/QĐ-BGTVT về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn 2021-2030.

Theo đó, Bộ điều chỉnh, bổ sung diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý là 3,54 ha để di dời hệ thống ụ bê tông xi măng tại khu vực phía Đông Bắc của Cảng.

Theo Quyết định số 1078/QĐ-BGTVT, tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là 787,46 ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý). Trong đó diện tích đất Cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện hữu là 545,10 ha, diện tích đất quốc phòng tạm bàn giao làm sân đỗ 19,79 ha, diện tích đất quốc phòng liên danh với hàng không dân dụng 15,26 ha, diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam 25,66 ha, diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Bắc là 171,65 ha.

Các nội dung khác của quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được giữ nguyên theo các quyết định trước đó của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Chính phủ cho phép đầu tư vào tháng 4/2020. Đến nay, các hạng của Dự án hoàn thành và đưa vào khai thác từ ngày 30/4.

Hiện tại, 12 ụ bê tông xi măng do Quân chủng Phòng không Không quân - Bộ Quốc phòng quản lý, chưa được phá dỡ. Vì vậy, đường lăn W11A chưa khai thác được máy bay như mục tiêu đầu tư Dự án. Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch Sân bay Tân Sơn Nhất là cơ sở để Bộ Quốc phòng sớm di dời các ụ xi măng về vị trí mới, bàn giao đất cho các đơn vị dân sự quản lý, khai thác.

Cục Hàng không Việt Nam có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu Báo cáo thẩm định của Vụ Kế hoạch - Đầu tư, rà soát, hoàn thiện hồ sơ, bản vẽ quy hoạch đảm bảo phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.

Cục cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch phù hợp với quy định.

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Bất động sản công nghiệp miền Bắc tăng sức hút với các nhà đầu tư lớn

Sự tăng trưởng nhờ vào nền kinh tế vĩ mô, các chính sách liên quan, nhu cầu trong nước và những tiến bộ công nghệ đã giúp Hà Nội và 5 tỉnh trọng điểm miền Bắc tiếp tục giữ vị trí top 10 trung tâm thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất Việt Nam, với lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 16,7 tỷ USD trong năm 2023.

Chat với BizLIVE