Doanh nghiệp kỳ vọng chính sách giảm thuế, lãi suất của Chính phủ thực chất và “sát sườn”

Doanh nghiệp kỳ vọng chính sách giảm thuế, lãi suất của Chính phủ thực chất và “sát sườn”

Theo một phản ánh tại hội nghị với Thủ tướng, thời gian vừa qua mặc dù có 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất nhưng trên thực tế chỉ 4 ngân hàng triển khai và cũng không có chế tài gì...
Như BizLIVE đã thông tin, ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, điểm đáng lưu ý trong các kiến nghị các doanh nghiệp đều nhấn mạnh đến vấn đề đơn giản hóa các thủ tục, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, nhất quán trong thực thi triển khai các quy định, chính sách phòng, chống dịch trên toàn quốc. Cùng với đó là tính công minh và thái độ phục vụ sát cánh cùng doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ cấp thực thi.
"Đây là điều doanh nghiệp mong mỏi nhất từ phía các cơ quan chính quyền hơn là các hỗ trợ bằng tiền", ông Dũng nhấn mạnh.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm hơn nữa trong việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách để tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để ngày càng mở rộng, thiết lập các "vùng xanh" nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng cơ hội, duy trì và phát triển được các hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, đại diện một số hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đề nghị các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 26.000 tỷ, nhất là đối với các tỉnh phía Nam, để kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động, ổn định đời sống...
Doanh nghiệp kỳ vọng chính sách giảm thuế, lãi suất của Chính phủ thực chất và “sát sườn” ảnh 1Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với đại diện một số doanh nghiệp tại Hội nghị. Ảnh: VGP
“3 tại chỗ” là chủ trương đúng đắn nhưng chỉ hiệu quả trong ngắn hạn
Phát biểu Hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương, Phó tổng giám đốc Thường trực VinCommerce (thành viên của Tập đoàn Masan) nhận định, mô hình “3 tại chỗ” là chủ trương đúng đắn nhưng chỉ hiệu quả trong ngắn hạn, khoảng 1-2 tuần.
Theo bà Phương, nếu áp dụng dài hạn, thì “3 tại chỗ” có nguy cơ là ổ lây nhiễm lớn nếu có ca nhiễm. Do vậy, đại diện doanh nghiệp này đề xuất Chính phủ và các địa phương nên cho phép lập “vùng đệm” xung quanh nhà máy, với các cơ sở như trường học, trường dạy nghề, kho, sân vận động, nhà thi đấu... Lao động tại các doanh nghiệp có thể ăn nghỉ, giãn cách và phòng tránh dịch bệnh tại các “vùng đệm” này.
Cùng chung ý kiến trên, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Công ty Acecook Việt Nam cho biết, hiện số lao động đăng ký “3 tại chỗ” của doanh nghiệp chỉ bằng một nửa tổng số lao động, do đó sản lượng sản xuất giảm rất nhiều so với bình thường.
Mô hình "3 tại chỗ" là sáng kiến đã được thực hiện tại một số KCN, Khu chế xuất của Bắc Ninh, Bắc Giang. Tuy nhiên, trên thực tế, khi triển khai tại các tỉnh phía Nam, mô hình này đã cho thấy nhiều điểm bất cập, chưa phù hợp với điều kiện sản xuất của các doanh nghiệp tại đây.
Trước đó, bản kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh, thành phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 30 - 50% trong tổng số lao động. Đồng thời, công suất sản xuất trung bình đã giảm chỉ còn 40 - 50% so với trước.
Và tính đến nay, sau hơn 1 tháng thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp ở phía Nam đã lần lượt đề nghị với chính quyền về việc ngừng mô hình này.
Tại hội nghị, Phó tổng thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam đề xuất đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm và nâng tỷ lệ bao phủ vaccine đối với ngư dân, các doanh nghiệp chế biến; tiếp tục có chính sách hỗ trợ tiền điện; có các hướng dẫn cụ thể hơn về y tế tại chỗ đối với khu vực kinh tế này, nhất là hướng dẫn cách ly y tế khi phát hiện có các ca F0, F1, tránh tình trạng bị đóng cửa toàn bộ nhà máy…
Doanh nghiệp kỳ vọng chính sách giảm thuế, lãi suất của Chính phủ thực chất và “sát sườn” ảnh 2 Doanh nghiệp kỳ vọng chính sách giảm thuế, lãi suất của Chính phủ thực chất và “sát sườn” ảnh 3
Doanh nghiệp kỳ vọng chính sách giảm thuế, lãi suất của Chính phủ thực chất và “sát sườn” ảnh 4 Doanh nghiệp kỳ vọng chính sách giảm thuế, lãi suất của Chính phủ thực chất và “sát sườn” ảnh 5
Đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội ở các cầu và tại Trụ sở Chính phủ nêu ý kiến, đề xuất với Chính phủ.
Hỗ trợ lãi suất phải thực chất doanh nghiệp mới "sống sót" được

Tại Hội nghị với Thủ tướng, một số doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành, hàng không đã nêu lên những khó khăn nội tại và các giải pháp, đề xuất hỗ trợ từ Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air đề nghị Chính phủ sớm hỗ trợ các hãng hàng không bằng các gói vay ưu đãi lãi suất, sẵn sàng cho việc bật tăng trở lại. Ngoài ra, bà Thảo cũng đề xuất thúc đẩy các dự án đầu tư hạ tầng, cầu đường, sân bay, đường sắt, giao thông đô thị, tạo hệ thống logistic hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhất là xuất khẩu...

Tương tự, đại diện Vietravel kiến nghị Chính phủ và Quốc hội xây dựng chính sách xem xét giảm thuế VAT xuống 5% và thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 16% trong 3 năm đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành du lịch và hàng không. Đây được xem là tiền đề để các doanh nghiệp ngành này có thể phục hồi, tăng trưởng trở lại sau khi dịch đi qua.
Theo Vietravel, cần thiết kế các gói vay với lãi suất ưu đãi cho riêng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch và hàng không. Cũng theo phản ánh này, thời gian vừa qua, mặc dù có 16 ngân hàng cam kết giảm lãi suất nhưng trên thực tế chỉ 4 ngân hàng triển khai và NHNN cũng không có chế tài gì nên thỏa thuận thực tế áp dụng không mang lại nhiều hiệu quả.
"Cần ban hành ngay chính sách mới kèm chế tài cụ thể về khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cũng như không hạ bậc tín dụng doanh nghiệp trên kênh liên ngân hàng", đại diện doanh nghiệp này nêu ý kiến.
Ngoài ra, Vietravel cũng đề xuất Chính phủ cần đẩy mạnh chuyển đổi số, tập trung áp dụng và đưa số hóa vào quản lý xã hội và điều hành hoạt động Phòng chống dịch bệnh cũng như sản xuất kinh doanh.
Đồng quan điểm trên, Tổng giám đốc CTCP MISA Ðinh Thị Thúy cho rằng, dịch bệnh cũng mang đến môi trường và cơ hội để thúc đẩy các doanh nghiệp, tổ chức tham gia quá trình chuyển đổi số để nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc hơn, phù hợp với cuộc CMCN 4.0.
"Chưa khi nào hoạt động về chuyển đổi số lại trở nên phù hợp và cấp thiết như lúc này", Thúy nói.

Đọc tiếp

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Việt Nam xuất siêu hơn 8 tỷ USD trong quý I/2024

Quý I/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17%; nhập khẩu tăng 13,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,08 tỷ USD.

Chat với BizLIVE