Doanh nghiệp mong mỏi chờ được hoàn thuế giá trị gia tăng

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, những vướng mắc trong chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Hình minh họa
Hình minh họa

Chậm hoàn thuế GTGT, doanh nghiệp "khó chồng khó"

Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, tổng hợp từ các doanh nghiệp ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, đến nay tổng số tiền thuế GTGT chưa được cơ quan thuế hoàn trả lên tới 6.100 tỷ đồng. Nguyên nhân là do các cơ quan thuế bị vướng quy định bất hợp lý và không thể thực hiện được.

Dẫn chứng, theo ông Hoài, văn bản của Tổng cục Thuế quy định để được hoàn thuế phải thực hiện truy xuất đến tận nguồn gốc của nguyên liệu, tức là đến tận chủ rừng. Trong khi đó, Việt Nam có trên 1 triệu hộ nông dân trồng rừng và bán nguyên liệu cung ứng với đường đi rất phức tạp, qua rất nhiều trung gian và qua nhiều khâu trong chuỗi cung ứng sản phẩm gỗ.

“Không phải các Cục Thuế không làm, mà họ không đủ chức năng, quyền hạn để đi kiểm tra về truy xuất nguồn gốc đến tận người trồng rừng. Doanh nghiệp cũng không thể làm được vì phải qua nhiều khâu trung gian. Kể cả chúng ta có một lực lượng đông đảo như kiểm lâm và công an xã phường cũng không thể thực hiện được.”, ông Hoài nêu rõ.

Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu giảm mạnh, nguồn tài chính thiếu hụt, nhiều doanh nghiệp ngành chế biến gỗ và lâm sản đang rơi vào tình thế rất khó khăn, phải cắt giảm nhân công, thậm chí là thu hẹp, tạm ngừng sản xuất.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam

Nhìn nhận những khó khăn của doanh nghiệp, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, thời gian qua, không chỉ có ngành gỗ, hiệp hội, doanh nghiệp thuộc nhóm các ngành giấy, cao su cũng than thở việc bị "giam" cả nghìn tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT trong thời gian dài khiến họ bị kiệt quệ, đối mặt với tình trạng thiếu vốn, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản.

Trong khi đó, cơ chế hoàn thuế GTGT thể hiện mục tiêu khuyến khích của Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Hoàn thuế GTGT sẽ hỗ trợ doanh nghiệp về dòng tiền, đảm bảo tâm lý an tâm cho doanh nghiệp khi thực hiện nghĩa vụ về thuế.

Do đó, những vướng mắc trong chính sách GTGT đang trở thành điểm nghẽn, tạo ra áp lực về dòng tiền đối với doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, tiếp cận vốn khó khăn và lãi suất cao như hiện nay.

“Nếu tình trạng còn kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tuyên bố phá sản”, bà Thủy quan ngại.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Ban IV
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Ban IV

Khẩn trương thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương kiểm tra, đánh giá đôn đốc Tổng cục Thuế thực hiện ngay, không chậm trễ, hướng dẫn các hồ sơ xem xét xin hoàn thuế giá trị gia tăng (hoàn thuế VAT) một cách nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp (hoàn thành trước ngày 28/5/2023);

Theo ông Hoài, ở thời điểm khó khăn, chính sách tác động nhanh nhất, trực diện nhất là tài chính, thuế khóa. Vì vậy, công điện này là niềm mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp ngành cao su, nhựa, đồ gỗ, sắn… trong suốt nhiều tháng qua.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là khâu triển khai chính sách, truyền thông chính sách và hiệu quả thực thi chưa tương xứng với quyết tâm và hành động của Chính phủ và Thủ tướng.

“Chúng tôi phấn khởi công điện của Thủ tướng đề nghị các cơ quan thuế phải hoàn thuế cho doanh nghiệp, nhưng vừa rồi có văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đến địa phương thì vẫn phải đi vào truy xuất nguồn gốc, vẫn chờ kiểm tra xong thì mới được hoàn thuế. Như vậy, những doanh nghiệp làm ăn trung thực vẫn chưa được hoàn thuế”, ông Hoài quan ngại.

Còn theo bà Thủy, hoạt động điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận là rất quyết liệt, kịp thời, bám sát những khó khăn của doanh nghiệp và của nền kinh tế. Do đó, cần có cải thiện mạnh mẽ trong thời gian tới để nỗ lực của Chính phủ và hệ thống hành chính thực sự đem lại giá trị cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu, vì sự phát triển của đất nước.”, bà Thủy nêu rõ.

Chính vì vậy, trong công văn Ban IV gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng đưa ra kiến nghị Thủ tướng quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp tránh kéo dài như hiện nay.

Một số cơ chế đặc biệt cần được suy nghĩ tới, ví dụ “cho phép doanh nghiệp “ĐƯỢC” hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng” và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa ban hành công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng đến Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho biết thực hiện Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẩn trương thực hiện giải quyết các hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đúng đối tượng, đúng quy định của pháp luật; chỉ đạo ngay các đơn vị có hướng dẫn, thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các hồ sơ hoàn thuế nếu đủ điều kiện hoàn thuế theo quy định của pháp luật.

Đối với những trường hợp không đủ điều kiện hoàn thuế, Bộ Tài chính yêu cầu giải thích, kịp thời thông báo cho người nộp thuế biết một cách công khai, minh bạch.

Bên cạnh đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thực hiện tuyên truyền, hướng dẫn hỗ trợ người nộp thuế trên địa bàn để kịp thời thực hiện các chính sách gia hạn, miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí, tiền thuế đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Cùng đó, Bộ Tài chính đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện việc sử dụng hóa đơn giả, trục lợi trong hoàn thuế nhằm chiếm đoạt ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trường hợp phát hiện các bất cập về chính sách pháp luật trong thực tiễn xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng, Bộ Tài chính yêu cầu khẩn trương tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ để kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Ảnh minh họa

Đồng Nai ưu tiên thu hút các dự án xanh, phát triển bền vững

Đồng Nai là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp mạnh của khu vực và đất nước. Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp giúp Đồng Nai đạt được những thành quả lớn trên lĩnh vực kinh tế. Song, mặt trái của quá trình phát triển này đưa đến tình trạng ô nhiễm môi trường và phát triển thiếu bền vững.

Chat với BizLIVE