Doanh nghiệp "nín thở" trông chờ tăng doanh số dịp Black Friday

Dù kinh tế còn nhiều khó khăn, chuyên gia và các doanh nghiệp vẫn đánh giá cao sức mua của người dân trong dịp mua sắm khuyến mãi lớn nhất năm nay.
Doanh số bán hàng của doanh nghiệp vẫn có khả năng bùng nổ trong năm nay. Ảnh: Phạm Ngôn.
Doanh số bán hàng của doanh nghiệp vẫn có khả năng bùng nổ trong năm nay. Ảnh: Phạm Ngôn.

Black Friday đang trở thành tâm điểm của mùa mua sắm cuối năm. Không đơn thuần là một đợt khuyến mãi, Black Friday còn là cơ hội để người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm ưng ý với giá cả phải chăng trong bối cảnh lạm phát, kinh tế khó khăn đè nặng lên ngân sách chi tiêu.

Sự kiện ưu đãi lớn nhất năm còn là dịp để các doanh nghiệp bán lẻ kích cầu, xả hàng tồn kho và cải thiện dòng tiền. Đây được xem là một trong những biện pháp giúp khơi thông nguồn vốn, hạn chế rủi ro tài chính khi đứng trước áp lực lãi suất tăng cao.

Tuy nhiên, khác với mọi năm, xu hướng mua sắm quý IV được dự đoán sẽ có nhiều xáo trộn, buộc doanh nghiệp và cơ quan quản lý phải triển khai nhiều chương trình, chính sách để củng cố niềm tin lẫn sức mua của người tiêu dùng.

Doanh nghiệp mong chờ

Trao đổi với Zing, đại diện CellphoneS cho biết Black Friday luôn là mùa sale lớn nhất năm. Thông thường, doanh thu bán hàng qua các năm vào dịp này thường tăng tối thiểu 50% so với cùng kỳ năm trước đó. Thậm chí năm 2021 ghi nhận doanh thu tăng gấp đôi so với 2020.

Ngoài doanh thu, lượng truy cập vào website của chuỗi bán lẻ cũng tăng trên dưới 50%. Doanh số online thường xuyên tăng gấp đôi so với cùng kỳ tháng trước đó. Kênh bán hàng này chiếm khoảng 30% tổng đơn hàng trong dịp Black Friday.

Nhu cầu đối với các mặt hàng công nghệ hậu giãn cách năm 2021 từng bùng nổ với sức tăng trưởng tính bằng lần phủ khắp lên mọi ngành hàng. Song bước vào cuối năm 2022, CellphoneS đánh giá tình hình chung của thị trường không còn mấy khả quan.

Các hãng bán lẻ trông chờ dịp sale cuối năm để đẩy mạnh doanh số. Ảnh: Quỳnh Danh.

“Thị trường đang có dấu hiệu giảm sút, đặc biệt phân khúc tầm trung và thấp. So với tháng 10 thì doanh số chung của hệ thống giảm khoảng 15%”, đại diện chuỗi này lưu ý.

Dẫu vậy, CellphoneS vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 50% so với năm ngoái và coi đây là dịp quan trọng để giảm hàng tồn kho trong giai đoạn thị trường chững lại.

Lý giải con số này, chuỗi cho biết nhu cầu mua sắm của khách hàng vẫn rất cao. Việc lượng truy cập, tìm kiếm từ khóa tăng mạnh so với cùng kỳ cho thấy người dùng vẫn chờ đợi các ưu đãi cuối năm.

Đồng quan điểm, đại diện Công ty AEONMALL Việt Nam cho rằng tuy tình hình kinh tế hiện tại còn nhiều khó khăn, nhưng so với 2 năm dịch, nhu cầu mua sắm của khách hàng đã được cải thiện đáng kể.

Thay vì mua sắm đại trà như những năm trước, sau dịch, khách hàng có xu hướng quan tâm đến những sản phẩm thiết thực cho cá nhân, gia đình, những sản phẩm có chất lượng tốt và mức ưu đãi hấp dẫn. Ngoài ra, trong giai đoạn chuyển mùa, các sản phẩm quần áo cho mùa đông cũng săn đón nhiều hơn.

Để đảm bảo sự kiện mua sắm diễn ra thuận lợi, toàn bộ 6 trung tâm thương mại AEONMALL đều được tăng cường lực lượng phụ trách an ninh, vệ sinh trong và ngoài nhằm tối ưu việc vận hành bãi gửi xe, hạ tầng điện, quy định phòng chống cháy nổ.

Bên cạnh đó, thời gian hoạt động của các trung tâm thương mại được kéo dài thêm 2 tiếng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nhận định về không khí sale tại các gian hàng trực thuộc, AEONMALL Việt Nam cho biết các gian hàng thường áp dụng sale phổ biến 50-70%, có gian hàng lên tới 90% hoặc ưu đãi đồng giá.

Sức mua trong dân vẫn lớn

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, đợt sale Black Friday là mũi tên trúng nhiều đích, đóng vai trò tăng doanh số/lợi nhuận, kích cầu tiêu dùng, nộp ngân sách Nhà nước, thúc đẩy sản xuất, du lịch cũng như giúp không khí mua sắm sôi động.

"Sự xuất hiện của Black Friday rất đúng, rất trúng. Ai cũng mong đợi sự kiện này, từ cơ quan quản lý như Bộ Công Thương, sở công thương các tỉnh, đặc biệt là người tiêu dùng khi túi tiền đang eo hẹp, chưa nói đến hàng vạn công nhân bị nghỉ việc, giãn việc, tiền thưởng Tết còn đang thấp thỏm", ông nhấn mạnh.

Bộ Công Thương cũng triển khai chương trình “Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia” kéo dài đến ngày 22/12 nhằm khai thác thị trường nội địa đang hồi phục tốt để nâng cao tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng dịp cuối năm.

Không chỉ phối hợp với doanh nghiệp để thực hiện mức ưu đãi, cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, tổ chức và người dân cũng sẽ tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động khuyến mãi.

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết sau 2 năm đại dịch, nhiều gia đình chọn đây là dịp mua sắm sau giai đoạn tích cóp phòng cơ. Sự bùng nổ của du lịch nội địa thời gian qua có thể xem là ví dụ điển hình phản ánh nhu cầu của người dân, chứng tỏ túi tiền của người dân vẫn có.

Một thuận lợi khác là hàng hóa của Việt Nam tương đối dồi dào, nông sản phong phú. Việc Việt Nam chủ động sản xuất hàng nông sản trong nước, hạn chế phụ thuộc nhập khẩu cũng là yếu tố giúp CPI được kiểm soát.

“Một số nhóm hàng xuất khẩu, sản xuất trong nước ăn nên làm ra giúp tiền lương, tiền thưởng rủng rỉnh. Như thế rõ ràng cầu là có, cầu tương đối mạnh dù không phải tất cả”, ông Phú kết luận.

Song, một bộ phận dân cư thu nhập thấp còn khó khăn. Tình trạng giá nhiên liệu gia tăng vào quý II cũng hình thành mặt bằng giá mới cho hàng hóa và ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của người dân.

Do đó, vị chuyên gia dự báo người dân sẽ tập trung chi tiêu vào lĩnh vực sức khỏe hay mặt hàng thiết yếu nói chung.

Cần giữ niềm tin cho người tiêu dùng

Trên thực tế, ông Phú đánh giá người dân đang lung lay niềm tin vào khuyến mãi. Ngoài ra, một số mặt hàng thiết yếu như thịt lợn tại một số siêu thị vẫn có giá cao. Thời gian gần đây, giá lợn hơi đã giảm xuống khoảng 52.000 đồng/kg, tức 30% so với đầu năm. Tuy vậy, loại thực phẩm này ở một số siêu thị vẫn được bày bán với giá trên 200.000 đồng/kg trong khi giá ở chợ truyền thống đã giảm xuống 120.000 đồng/kg.

Nên có thêm những đợt sale mặt hàng thiết yếu, phổ biến như thịt lợn. Ảnh: N.S.

Ngoài ra, các đợt khuyến mại thường có báo cáo hoành tráng, nhưng hoàn toàn theo định tính chứ thay vì định lượng. Trong khi đó, chuyên gia này cho rằng cần làm rõ đợt Black Friday đem lại cho người tiêu dùng bao nhiêu tiền.

Đối với những giải thưởng rủi ro giá trị lớn như trúng thưởng ôtô, cần công khai kết quả với sự kiểm soát của sở công thương địa phương.

“Nếu không có người trúng thì doanh nghiệp chỉ được nhận phép nhận về 50% giá trị giải thưởng. Phần còn lại nộp lên quỹ xúc tiến thương mại quốc gia. Tránh xảy ra tình trạng kéo xe đến nhưng khi mùa khuyến mãi qua lại kéo đi”, ông Phú nhấn mạnh.

Một trong những “hạt sạn” còn phổ biến trong mùa khuyến mãi là tình trạng nâng giá lên đặt giá xuống, sale ảo, sale lừa dối. Thực tế cho thấy vấn đề này tràn lan cả trên kênh bán hàng truyền thống lẫn thương mại điện tử.

Theo ông Phú, trách nhiệm nếu thực hiện khuyến mại toàn quốc phải giao cho địa phương và sở công thương các tỉnh, thành phố. Cần làm rõ ai làm tốt, ai làm xấu, chỉ mặt điểm tên công khai.

Việc Black Friday mang lại điều gì cho doanh nghiệp tùy thuộc vào chính doanh nghiệp bán lẻ. “Hãy bán hàng, hãy khuyến mại như khuyến mại cho người thân của mình. Nếu không là thất bại”, vị chuyên gia nhắn nhủ.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Giá chung cư ở Hà Nội tăng liên tục do đâu?

Giá chung cư ở Hà Nội tăng liên tục do đâu?

Khi so sánh giữa các dòng sản phẩm, người mua có nhu cầu ở thực có thể nhận thấy giá căn hộ vẫn ở mức hợp lý hơn so với những sản phẩm liền thổ trong dự án như biệt thự và nhà liền kề. Từ đó, dẫn đến câu chuyện ghi nhận mức tăng về nhu cầu và giá sơ cấp của phân khúc căn hộ trong quý I/2024.

Chat với BizLIVE