Doanh nghiệp xăng dầu than lỗ

Ngày 15/9, Sở Công thương TP.HCM có buổi làm việc với đại diện hệ thống đại lý, thương nhân và doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trên địa bàn về tình hình hoạt động thời gian qua, đặc biệt trước tình trạng nhiều đại lý liên tục “dọa” đóng cửa vì thua lỗ kéo dài.
Đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu Hiệp Quế, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đổ xăng tại cửa hàng xăng dầu Hiệp Quế, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Báo cáo với Sở Công thương TP.HCM, đại diện các đầu mối xăng dầu lớn như Petrolimex Sài Gòn, Saigon Petro… đều khẳng định, thời gian qua đã nỗ lực hết sức để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhưng có thời điểm phải chấp nhận lỗ từ 5.000-6.000 đồng/lít. Do đó, các doanh nghiệp này buộc phải cắt giảm chiết khấu từ khâu phân phối để cầm cự hoạt động kinh doanh, nhằm đảm bảo hệ thống cửa hàng trực thuộc không bị đóng cửa.

Trước khó khăn đó, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan quản lý nên tính toán lại cơ cấu tính giá xăng dầu. Bởi, với cách tính giá hiện nay, doanh nghiệp đầu mối không đủ chi phí hoạt động nên không thể đưa ra mức chiết khấu cao cho các đại lý.

Trước đó, 24 doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu đã có kiến nghị gửi cơ quan chức năng “kêu cứu”, với lý do hiện nay mức chiết khấu hoa hồng trên mỗi lít xăng dầu chỉ 100-200 đồng, thậm chí có thời điểm 0 đồng nên không đủ chi phí để duy trì hoạt động. Trong khi đó, chi phí mặt bằng, chi phí vận tải, kho bãi, nhân viên, điện nước... đã khiến cho việc kinh doanh của các đại lý bán lẻ xăng dầu càng bán càng lỗ nặng.

Trao đổi với các doanh nghiệp xăng dầu, đại diện lãnh đạo Sở Công thương TP.HCM cho biết, hết sức chia sẻ với những khó khăn thời gian qua, đặc biệt do biến động của địa chính trị trên thế giới khiến nguồn cung, giá xăng dầu bất ổn. Tuy vậy, các doanh nghiệp đã nỗ lực để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, không để đứt gãy, gây xáo trộn.

Hiện nay, ở lĩnh vực quản lý xăng dầu, hầu hết thẩm quyền thuộc Bộ Công thương nên Sở Công thương TP.HCM sẽ lắng nghe, ghi nhận tất cả ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, sau đó gửi đến cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

Chiều 15/9, ông Trương Văn Ba, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM, cho biết, các Đội QLTT vẫn theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố; đồng thời báo cáo thông tin mỗi ngày với Tổng Cục QLTT (Bộ Công thương).

Theo đó, các Đội QLTT có nhiệm vụ nắm tình hình hoạt động của các cửa hàng. Nếu phát hiện cây xăng có dấu hiệu vi phạm như ngưng bán, nghỉ kinh doanh không lý do, găm hàng, bán nhỏ giọt, các Đội QLTT kịp thời làm việc ngay để xác định rõ nguyên nhân, xử lý theo quy định.

Tính đến thời điểm hiện tại, TP.HCM có 550 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 60 thương nhân phân phối, 1 thương nhân làm tổng đại lý, 28 đại lý bán lẻ. Ghi nhận đến chiều 15/9, tình hình hoạt động, kinh doanh xăng dầu trên địa bàn TP.HCM vẫn ổn định.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Đọc tiếp

Đất phân lô lại "nóng"

Đất phân lô lại "nóng"

Nhiều khu đất phân lô bán nền có giao dịch đột biến trong 3 tháng đầu năm 2024, tuy vậy diễn biến giao dịch giữa các khu vực không đồng đều.

Chat với BizLIVE