Doanh nghiệp xây dựng quý 1/2023: Lợi nhuận bết bát nhưng dòng tiền đã có sự cải thiện

Quý 1/2023, doanh thu của một số “ông lớn” xây dựng tăng trưởng trái chiều, tuy nhiên, lợi nhuận nhìn chung vẫn bết bát. Điểm sáng duy nhất là dòng tiền kinh doanh đã dương trở lại từ mức âm nặng của cùng kỳ năm ngoái.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn đang chật vật đối phó với nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)
Doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn đang chật vật đối phó với nhiều khó khăn (Ảnh minh họa)

Giá vốn và chi phí lãi vay “bào mòn” lợi nhuận doanh nghiệp xây dựng

Trong quý 1/2023, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) chứng kiến quý thua lỗ thứ hai liên tiếp, sau khi lỗ kỷ lục hơn 1.200 tỷ đồng trong quý 4/2022.

Quý đầu năm, Xây dựng Hoà Bình ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.194 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn dẫn đến lợi nhuận gộp của “ông lớn” xây dựng này âm 203 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi 198 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính của công ty giảm tới 96% xuống còn 2,5 tỷ đồng, trong khi, chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) lại tăng vọt 46%, lên 137 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng nhẹ lên 7,7 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 29%, còn gần 100 tỷ đồng.

Kết quả, Xây dựng Hòa Bình báo lỗ sau thuế gần 445 tỷ đồng quý 1/2023, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi gần 11 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/3/2023, lỗ lũy kế của công ty là 1.137 tỷ đồng.

Năm 2023, Hòa Bình đặt mục tiêu doanh thu 12.500 tỷ đồng, giảm 11,5% so với thực hiện năm 2022 và có lãi sau thuế trở lại 125 tỷ đồng, sau khi lỗ sau thuế kỷ lục 1.141 tỷ đồng vào năm ngoái. Như vậy, hết quý 1, doanh nghiệp mới thực hiện chưa tới 10% mục tiêu doanh thu năm và lợi nhuận sau thuế (LNST) càng lùi xa mục tiêu.

Đến cuối quý 1, tổng tài sản của Hòa Bình đạt gần 15.700 tỷ đồng, giảm 1.229 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt và tiền gửi giảm hơn một nửa so với đầu năm, còn 247 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 824 tỷ đồng so với đầu kỳ, xuống 11.286 tỷ đồng (riêng các khoản phải thu khách hàng ngắn hạn đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng); tồn kho gần như đi ngang ở mức 2.395 tỷ đồng.

Điểm sáng trong quý 1 của Hòa Bình là nợ phải trả giảm gần 800 tỷ đồng so với đầu năm, xuống 13.503 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ ngắn hạn giảm 7%, xuống 4.754 tỷ đồng, vay nợ dài hạn giảm 25%, xuống 772 tỷ đồng. Bên cạnh đó, dòng tiền kinh doanh của công ty đã dương trở lại 276 tỷ đồng (cùng kỳ âm hơn 1.050 tỷ đồng).

Quý 1/2023 cũng là quý thua lỗ thứ hai liên tiếp của CTCP Hưng Thịnh Incons (mã HTN) kể từ khi lên sàn. Theo đó, doanh thu thuần quý 1 của công ty giảm 71% so với cùng kỳ, xuống 429 tỷ đồng và LNST âm 17,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 43,2 tỷ đồng.

Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Hưng Thịnh Incons đạt 9.198 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm; tuy nhiên, khoản tiền mặt và tiền gửi lại giảm gần 30% so với đầu năm, còn 118 tỷ đồng; hàng tồn kho tăng 16,3% lên 2.118 tỷ đồng.

Đến cuối quý 1, nợ phải trả của công ty tăng nhẹ lên 7.752 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 7.348 tỷ đồng; tổng nợ vay giảm nhẹ xuống 2.427 tỷ đồng, trong đó dư nợ trái phiếu ngắn hạn 195 tỷ đồng và chịu lãi suất năm là 17,75%/năm. Dòng tiền kinh doanh chuyển từ âm 1.426 tỷ đồng vào cuối quý 1/2022 sang dương 66 tỷ đồng vào cuối quý 1/2023.

Không đến mức thua lỗ như Hòa Bình hay Hưng Thịnh Incons, song chi phí giá vốn tăng cao trong quý 1/2023 cũng khiến lợi nhuận gộp của CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) giảm 17%, còn gần 56 tỷ đồng, dù doanh thu tăng hơn 60% so với cùng kỳ, lên 3.130 tỷ đồng.

Bên cạnh giá vốn tăng, chi phí tài chính tăng cũng bào mòn hết lợi nhuận của Conteccons. Cụ thể, trong quý 1, chi phí tài chính của công ty lên gần 32 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay là hơn 24,8 tỷ đồng, tăng lần lượt 168% và 127% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ khoản doanh thu tài chính tăng 12%, đạt 84,5 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi và lãi cho vay/chậm trả đã giúp Coteccons thoát lỗ. Kết quả, công ty báo lãi sau thuế hơn 22 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ 2022.

Năm 2023, Coteccons đặt kế hoạch doanh thu cả năm 16.249 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với 2022 và LNST kỳ vọng 233 tỷ đồng, gấp hơn 11 lần cùng kỳ. Như vậy, sau quý đầu năm công ty đã thực hiện được 19,3% kế hoạch doanh thu và 9,4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Về tình hình tài chính, tại thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của Coteccons tăng 6% so với đầu năm, lên mức 20.042 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi đang nắm giữ tăng 52%, lên hơn 4.000 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn đi ngang ở mức trên 11.300 tỷ đồng.

Nợ phải trả tại Coteccons tăng 10%, lên hơn 11.805 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng nợ vay tính đến ngày 31/3 tăng 8%, lên 1.163 tỷ đồng, do tăng các khoản vay ngân hàng ngắn hạn tăng thêm 111 tỷ đồng lên 665 tỷ đồng và vay nợ dài hạn đi ngang ở mức 498 tỷ (bao gồm 471 tỷ dư nợ trái phiếu).

Cuối quý 1/2023 dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Coteccons cũng đã dương trở lại, tăng mạnh lên 1.239 tỷ, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 325 tỷ đồng.

Với Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã VCG) tình hình cũng không khá hơn là bao. Trong quý 1, dù doanh thu thuần của Vinaconex tăng 47% so với cùng kỳ lên 1.965 tỷ đồng nhưng doanh thu tài chính chỉ đạt gần 93 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 737 tỷ của cùng kỳ. Ngược lại, chi phí tài chính của công ty lại tăng 15% lên 227 tỷ đồng. Kết quả, LNST của Vinaconex chỉ đạt vỏn vẹn gần 19 tỷ đồng, “bốc hơi” 98% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2023, Vinaconex đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu hợp nhất 16.340 tỷ đồng và lãi sau thuế hợp nhất 860 tỷ đồng. Như vậy, sau quý đầu năm, công ty đã hoàn thành lần lượt 12% và 2% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đề ra.

Cũng như các doanh nghiệp trên, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của Vinaconex đến hết quý 1 đã dương lại, dù mới đạt 44 tỷ đồng song đã cải thiện so với số âm 2.445 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.

Doanh nghiệp xây dựng trong trạng thái “bi đát” nhất từ trước tới nay

Có thể thấy, dù dòng tiền kinh doanh của các “ông lớn” ngành xây dựng đã có cải thiện trong quý đầu năm 2023. Tuy nhiên nhìn chung hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn và chưa có dấu hiệu khởi sắc, dù trong thời gian gần đây đã có một số tín hiệu tháo gỡ khó khăn cho ngành bất động sản và việc đẩy mạnh đầu tư công được kỳ vọng sẽ gián tiếp giúp hoạt động của các nhà thầu khởi sắc hơn năm 2022.

Theo báo cáo xu hướng sản xuất kinh doanh ngành xây dựng quý 1/2023 và dự báo quý 2/2023 của Tổng cục Thống kê, trong quý 1/2023, ngành xây dựng vẫn bị ảnh hưởng bởi những khó khăn như giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, thị trường bất động sản trầm lắng, thiếu vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong đó, hai yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động của doanh nghiệp xây dựng là “giá nguyên vật liệu tăng cao” và “không có hợp đồng xây dựng mới”. Có 56,4% doanh nghiệp cho rằng “giá nguyên vật liệu tăng cao” là yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp trong quý 1/2023. Tương tự, có 51,8% doanh nghiệp nhận định “không có hợp đồng xây dựng mới” là yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong quý đầu năm 2023.

Bên cạnh đó, sự trầm lắng của thị trường bất động sản từ cuối năm 2022 kéo dài sang đầu năm 2023 với nhiều dự án bị đình trệ đã khiến cho tình trạng bị nợ đọng vốn tại các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn ở mức cao. Các tổng thầu hiện rơi vào cảnh bị kẹp giữa một bên là không thể đòi được tiền từ các chủ đầu tư để hoàn vốn đã ứng, mặt khác lại không thể không thanh toán cho các nhà thầu phụ và nhà cung cấp.

Nợ đọng tăng cao cũng khiến cho dòng vốn kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng gặp khó khăn và buộc phải tăng cường vay nợ để có tiền bù đắp cho hoạt động kinh doanh. Hệ lụy tất yếu của tình trạng gia tăng vay nợ là chi phí lãi vay cũng tăng đáng kể, ăn mòn hết lợi nhuận có được.

Chia sẻ tại một hội thảo hồi đầu tháng 4/2023, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP Invest cho biết, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, quý 1/2023, ngành xây dựng tăng trưởng âm 3% so với cùng kỳ năm ngoái, còn theo Hiệp hội nhà thầu Việt Nam, quý 1, các doanh nghiệp chỉ thực hiện được 8% kế hoạch 2023. Đây là trạng thái bi bét nhất từ trước tới nay.

“Chưa có năm nào nhà thầu xây dựng trải qua tình trạng khốc liệt như năm nay. Nhiều đơn vị trong top 10 ngành xây dựng đang ở trạng thái báo động tài chính, thậm chí không có tiền trả nhà thầu phụ, trả nhân công, trả vật tư,… khả năng phá sản hoặc dừng sản xuất kinh doanh rất dễ xảy ra”, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam nhận định và cho rằng “với tình trạng này, nếu không có cơ chế bảo vệ nhà thầu xây dựng Việt Nam, thì 5 năm nữa không có nhà thầu xây dựng nào dám làm”.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Việt Nam kiến nghị không chỉ bên cạnh tháo gỡ pháp lý cho bất động sản cũng cần tháo gỡ pháp lý cho cả ngành xây dựng, cần cơ chế để bảo vệ nhà thầu.

Theo Lao động Công đoàn

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE