Dừng tiếp nhận thực tập sinh sang Nhật với doanh nghiệp có tỷ lệ bỏ trốn cao

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã thống nhất với cơ quan chức năng Nhật Bản về việc áp dụng biện pháp xử lý đối với các tổ chức giám sát Nhật Bản và doanh nghiệp phái cử Việt Nam có số lượng, tỷ lệ thực tập sinh bỏ trốn cao.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), căn cứ trên số lượng và tỷ lệ thực tập sinh bỏ trốn trong các năm từ 2016 đến 2019, các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài và các tổ chức giám sát Nhật Bản sẽ bị áp dụng biện pháp phòng chống thực tập sinh bỏ trốn.
Các doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp phòng chống bỏ trốn bao gồm Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thái Nguyên (Batimex); Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu 3-2 Hoà Bình (Hogamex); Công ty cổ phần ITC Quốc tế (International ITC); Công ty cổ phần xúc tiến đầu tư MH Việt Nam (MH Viet Nam).
Trong vòng 2 tháng kể từ ngày 18/6/2021, doanh nghiệp tiếp tục được nộp hồ sơ xin chứng nhận kế hoạch thực tập cho những ứng viên thực tập sinh kỹ năng đã được tuyển chọn và Tổ chức thực tập kỹ năng Nhật Bản (OTIT) sẽ xem xét các hồ sơ này.
Trong vòng 6 tháng kể từ ngày 18/8/2021, OTIT sẽ không tiếp nhận hồ sơ xin chứng nhận kế hoạch thực tập cho các ứng viên thực tập kỹ năng của các doanh nghiệp nêu trên.
Những ứng viên thực tập sinh kỹ năng đã được cấp chứng nhận kế hoạch thực tập vẫn được tiếp tục xin tư cách lưu trú, visa và nhập cảnh làm việc tại Nhật Bản. Doanh nghiệp tiếp tục quản lý số thực tập sinh đang làm việc tại Nhật Bản.
Trong thời gian trên, doanh nghiệp cần thực hiện các biện pháp để giảm tình trạng thực tập sinh bỏ trốn, báo cáo cho OTIT thông qua Cục Quản lý lao động ngoài nước. Biện pháp phòng chống bỏ trốn sẽ được xem xét để dỡ bỏ sau ngày 18/2/2022 nếu doanh nghiệp đã thực hiện được các giải pháp phù hợp.
Trong thời gian bị áp dụng biện pháp phòng chống bỏ trốn, doanh nghiệp cần kiểm tra sự phù hợp của từng mục được mô tả trong tiêu chuẩn chứng nhận doanh nghiệp pháp cử từ phía Việt Nam. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần gửi báo cáo bằng văn bản về những giải pháp đã thực hiện.
OTIT cũng sẽ không tiếp nhận đơn xin cấp giấy phép, đơn xin gia hạn giấy phép và/hoặc đơn xin bổ sung ngành nghề của các Tổ chức giám sát Nhật Bản đang hợp tác với các doanh nghiệp nêu trên.
Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng có văn bản gửi Tổ chức Thực tập kỹ năng Nhật Bản (OTIT) thông báo về việc loại 8 doanh nghiệp khỏi danh sách doanh nghiệp Việt Nam được chứng nhận, do doanh nghiệp đã nộp lại hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Theo đó, 4 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép gồm Công ty Cổ phần Liên kết nhân lực Việt Nhật (Viet Nhat HR); Công ty cổ phần Thương mại và đầu tư JV-System (JV-System); Công ty cổ phần Hữu Nghị Bắc Giang (Hutraserco); Công ty cổ phần Vật tư thiết bị giao thông (Transmeco).
4 doanh nghiệp nộp lại giấy phép gồm Công ty TNHH Dịch vụ quốc tế Sài Gòn (Saigon Inserco); Công ty cổ phần Cung ứng và xuất nhập khẩu lao động hàng không (Alsimexco.,JSC); Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco No 1); Tổng công ty Hàng hải Vinalines (Vinalines).
Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp trên có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo thống kê trong 4 tháng đầu năm 2021, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 34.912 lao động đạt 38,79% kế hoạch năm 2021, trong đó Nhật Bản là thị trường có số lao động sang làm việc đông nhất với 18.355 người.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE