EU áp thuế đánh vào lợi tức của các công ty năng lượng

Ngày 30/9, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí giảm mức tiêu thụ điện vào giờ cao điểm và áp thuế khẩn cấp đối với lợi nhuận thu được của các công ty năng lượng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong nỗ lực kìm hãm đà tăng giá năng lượng vốn khiến lạm phát tăng cao kỷ lục và đe dọa suy thoái kinh tế, ngày 30/9, các nước Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí giảm mức tiêu thụ điện vào giờ cao điểm và áp thuế khẩn cấp đối với lợi nhuận thu được của các công ty năng lượng.

Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, biện pháp trên đã được thông qua tại cuộc họp của các bộ trưởng thuộc 27 quốc gia thành viên EU diễn ra cùng ngày ở thủ đô Brussels (Bỉ).

Gói biện pháp này bao gồm một khoản thuế đánh vào lợi tức của các công ty nhiên liệu hóa thạch được thực hiện trong năm nay hoặc năm tới; một khoản thuế khác nhằm vào các khoản doanh thu chênh lệch mà các nhà sản xuất điện giá rẻ có được do giá điện tăng cao cùng một quy định bắt buộc phải cắt giảm 5% việc sử dụng điện trong giờ cao điểm. Các nước cũng nhất trí giảm 10% mức tiêu thụ điện, nhưng việc này được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

Các bộ trưởng EC cũng xác nhận 2 cơ chế được phát triển để thu lợi nhuận vượt mức từ các công ty năng lượng. Liên quan đến các nhà sản xuất điện chi phí thấp (hạt nhân, tái tạo, than non), được hưởng lợi khi giá điện trên thị trường phù hợp trong hầu hết các trường hợp với chi phí sản xuất từ các nhà máy điện chạy bằng khí đốt, mức trần doanh thu là 180 euro/MWh sẽ được thiết lập.

Doanh thu vượt quá mức trần này sẽ được coi là lợi nhuận vượt quá và có thể bị các quốc gia thành viên thu giữ để phân phối lại cho người tiêu dùng cuối cùng, các cá nhân và doanh nghiệp, những người đang phải đối mặt với các hóa đơn tăng vọt.

Ngoài ra, khoản đóng góp chia sẻ cũng sẽ được áp dụng đối với các công ty năng lượng hoạt động trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên, dầu mỏ, than đá và lọc dầu, áp dụng cho lợi nhuận chịu thuế vượt quá 120% lợi nhuận trung bình trong 4 năm tài chính gần nhất.

Mức đóng góp này ít nhất phải là 33% và số tiền thu được cũng phải được phân bổ để đóng góp vào các biện pháp hỗ trợ cho những người tiêu dùng cuối cùng dễ bị tổn thương nhất.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Kinh tế Croatia Davor Filipovic đánh giá cao tính hiệu quả của tất cả các biện pháp tạm thời trên. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh để tìm ra giải pháp giúp người dân vượt qua cuộc khủng hoảng năng lượng, các nước phải áp mức trần giá bán buôn đối với các giao dịch mua bán khí đốt để kiểm soát lạm phát.

Việc áp mức trần giá bán buôn đối với tất cả các giao dịch khí đốt nhận được sự ủng hộ của 15 quốc gia, trong đó có Pháp, Italy và Ba Lan. Các nước Bỉ, Hy Lạp, Ba Lan và Italy lập luận rằng việc áp mức giá trần nên đảm bảo ở mức "đủ cao và linh hoạt" để cho phép châu Âu thu hút các nguồn lực cần thiết.

Trong khi đó, các quốc gia phản đối cho rằng điều này đòi hỏi "nguồn lực tài chính đáng kể" để tài trợ cho việc mua khí đốt khẩn cấp nếu giá thị trường vượt mức giá trần của EU. Đức, Áo, Hà Lan và những nước khác cũng cảnh báo mức trần giá khí đốt bán buôn có thể khiến các nước gặp khó khăn trong việc mua khí đốt.

Trước đó, trong một tài liệu được chia sẻ với các nước vào ngày 28/9, Ủy ban châu Âu (EC) đã phân tích các lựa chọn khác nhau mà EU có thể xem xét để hạn chế giá khí đốt tăng cao.

Tài liệu cho biết việc áp mức trần giá bán buôn cho các giao dịch trao đổi - bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và nguồn cung thông qua đường ống - có thể làm gián đoạn dòng chảy nhiên liệu giữa các nước EU. Đó là vì các tín hiệu giá cả sẽ không còn giúp thúc đẩy dòng chảy đến các khu vực có nhu cầu cao hoặc nguồn cung khan hiếm.

EU cũng sẽ cần "nguồn lực tài chính đáng kể" để đảm bảo các nước có thể tiếp tục thu hút nguồn cung khí đốt từ các thị trường toàn cầu có tính cạnh tranh cao, nơi những người mua khác sẵn sàng trả giá cao hơn mức giới hạn của EU.

EC cũng nói thêm rằng khả năng việc áp mức trần giá bán buôn khí đốt sẽ gây ra "rủi ro gián đoạn nguồn cung" từ các nhà cung cấp nước ngoài là lớn hơn so với giới hạn chỉ đối với việc giao hàng theo đường ống. Ủy ban khuyến nghị EU đàm phán với các nhà cung cấp "đáng tin cậy" để giảm giá, đồng thời cho biết việc mua khí đốt chung cũng có thể giúp các nước chia sẻ công bằng nguồn cung cấp bổ sung.

Theo Bnews

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE