EU thống nhất chi 46 tỷ USD hỗ trợ sản xuất chip

Liên minh châu Âu đã thống nhất kế hoạch hỗ trợ sản xuất chip trị giá 45 tỷ euro (46,6 tỷ USD), tiến gần hơn tới mục tiêu giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất Mỹ và châu Á.
EU thống nhất chi 46 tỷ USD thúc đẩy sản xuất chip. Ảnh: Reuters.
EU thống nhất chi 46 tỷ USD thúc đẩy sản xuất chip. Ảnh: Reuters.

CH Czech, chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU), ngày 23/11 cho biết các đặc phái viên EU đã nhất trí ủng hộ bản đề xuất sửa đổi về kế hoạch hỗ trợ sản xuất chip của Ủy ban châu Âu, theo Reuters.

Kế hoạch này vẫn cần được thảo luận với Nghị viện châu Âu vào năm 2023, trước khi có thể trở thành luật.

Các lãnh đạo cấp cao của EU hy vọng khoản hỗ trợ sẽ giúp khối này giành được 20% thị phần sản xuất chip toàn cầu vào năm 2030. Mục tiêu này được đưa ra sau khi tình trạng thiếu chip và tắc nghẽn chuỗi cung ứng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất ôtô, nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và đơn vị khai thác viễn thông.

Thị phần sản xuất chip của châu Âu hiện ở mức 8%, giảm so với mức 24% vào năm 2000.

Bản đề xuất sửa đổi của Ủy ban châu Âu bao gồm việc cho phép nhà nước trợ cấp nhiều loại chip hơn, thay vì chỉ tập trung vào những loại tiên tiến nhất. EU sẽ đầu tư vào các loại chip mang lại sự đổi mới trong lĩnh vực máy tính, sử dụng năng lượng hiệu quả, lợi ích về môi trường và trí tuệ nhân tạo.

Các nhà lập pháp EU vẫn cần thảo luận về nguồn tài chính cho kế hoạch này. Ủy ban châu Âu dự định sử dụng quỹ từ các chương trình nghiên cứu và kế hoạch khác để phục vụ mục tiêu hỗ trợ sản xuất chip.

Tuy nhiên, một số quốc gia EU chỉ trích hành động này có thể mang lại lợi ích không công bằng cho các quốc gia đã có cơ sở sản xuất chip hoặc muốn thu hút các nhà sản xuất chip.

Theo Zing News

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE