Fed tăng lãi suất: Kịch bản khủng hoảng tài chính châu Á 1997 có lặp lại?

Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng mạnh lãi suất và đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền chủ chốt khác, nền kinh tế thế giới có thể đang đối mặt với những điều kiện bất lợi tương tự như trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1997.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhưng các nhà phân tích nhận định lịch sử khó có thể lặp lại, mặc dù họ cảnh báo rằng một số nền kinh tế trong khu vực đặc biệt dễ bị tổn thương bởi tình trạng mất giá tiền tệ - điều gợi nhớ giới quan sát về thời điểm đó.

Một châu Á “khỏe mạnh” hơn

Ngày 21/9 Fed đã tăng lãi suất 75 điểm cơ bản lần thứ ba trong năm nay, nâng lãi suất của nền kinh tế lớn nhất thế giới lên khoảng 3 - 3,25%. Lần cuối cùng Fed tăng mạnh lãi suất như vậy là vào những năm 1990. Khi đó, dòng vốn đã chảy khỏi các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sang Mỹ. Đồng baht của Thái Lan nhiều đồng tiền châu Á khác sụp đổ, gây ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và dẫn đến sự lao dốc trên các thị trường chứng khoán khu vực.

Tuy nhiên các nhà phân tích cho biết trong vòng 25 năm qua, các thị trường châu Á mới nổi đã trưởng thành hơn. Nền kinh tế của họ đã lành mạnh hơn và có khả năng chịu áp lực tỷ giá hối đoái tốt hơn.

Ông Louis Kuijs, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P Global Ratings, cho rằng chính sách của các thị trường châu Á mới nổi hiện đã mạnh hơn, còn giới hoạch định chính sách cũng đã chuẩn bị tốt hơn. Các ngân hàng trung ương hiện có chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn nhiều, khi họ chủ yếu để tỷ giá "hấp thụ" áp lực bên ngoài thay vì hỗ trợ tiền tệ bằng cách bán dự trữ ngoại hối.

Ngoài ra, các chính phủ châu Á đã theo đuổi nhiều chính sách kinh tế vĩ mô thận trọng hơn trong những năm gần đây so với trước cuộc khủng hoảng năm 1997.

Tương tự, ông Manishi Raychaudhuri, một chiến lược gia chứng khoán châu Á tại ngân hàng BNP Paribas, cho biết tình hình hiện tại không thể so sánh với những gì các nền kinh tế châu Á phải đối mặt trong cuộc khủng hoảng 1997. Điều này chủ yếu do bảng cân đối kế toán của các nước đã lành mạnh hơn và dự trữ ngoại hối cũng tăng đáng kể. Dự trữ ngoại hối cạn kiệt là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của đồng baht Thái Lan trong cuộc khủng hoảng năm 1997.

Một số nền kinh tế châu Á cũng đang duy trì thặng dư cán cân thanh toán và dự trữ ngoại hối được cải thiện nhờ những nỗ lực như Sáng kiến Đa phương hóa Chiang Mai năm 2010, một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương giữa các thành viên ASEAN + 3, gồm các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và ba quốc gia Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Quản lý cấp cao phụ trách thị trường ngoại hối châu Á - Thái Bình Dương và chiến lược gia kinh tế vĩ mô Tan Teck Leng thuộc công ty quản lý tài sản UBS Global Wealth Management cho hay, vì số lượng nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ các loại tài sản châu Á không tăng trong giai đoạn này, bất kỳ cuộc “chảy máu” dòng vốn nào cũng sẽ gây ít tổn hại cho nền tài chính các nước trong khoảng thời gian này.

Đánh giá chung tình hình, ông cho rằng diễn biến hiện thời gợi lại những kỷ niệm đáng quên của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Song chế độ tỷ giá hối đoái hiện thời của các nước đã linh hoạt hơn rất nhiều so với hồi đó. Do vậy, chuyên gia của UBS không nghĩ rằng các nền kinh tế châu Á đang trên đà hướng tới một sự sụp đổ về tiền tệ.

Dù vậy, ông cũng thận trọng nêu rằng tình hình còn phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm Fed đạt được mục tiêu và bắt đầu đảo hướng chính sách.

Vẫn có những đồng tiền dễ tổn thương

Hoạt động giao dịch đổi tiền đôla Mỹ tại Tahtakale ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP/TTXVN

Dù lạc quan hơn về tình hình chung của châu Á, ông Tan vẫn chỉ ra rằng có một số đồng tiền đang gặp nhiều rủi ro hơn. Trong số này, đồng peso của Philippines thuộc nhóm dễ bị tổn thương nhất do cán cân vãng lai của nước này khá yếu.

Giữa bối cảnh lãi suất đang tăng cao ở Mỹ, các đồng tiền châu Á sẽ thể hiện sự khác biệt rõ rệt về nguồn vốn huy động được từ bên ngoài. Điều đó khiến đồng nội tệ của các nước như Philippines, Ấn Độ và Thái Lan dễ bị suy yếu trong ngắn hạn nhất ở châu Á.

Ngày 22/9 Ngân hàng trung ương Philippines cũng “nối gót” Fed tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Họ cũng báo hiệu rằng sẽ tiếp tục thực hiện các đợt tăng lãi suất tiếp theo. Động thái này sẽ giúp đồng peso Philippines giảm chênh lệch so với đồng USD, qua đó giúp làm giảm rủi ro”chảy máu” vốn và sụp đổ tỷ giá hối đoái.

Trong khi đó, ông Kuijs của S&P Global Ratings cho biết các nền kinh tế có chính sách tiền tệ thích nghi - tức là những nước không tăng lãi suất song hành với Mỹ, chẳng hạn như Nhật Bản – vẫn có thể gặp nguy cơ đồng nội tệ tiếp tục suy yếu hơn nữa.

Ông cảnh báo rằng áp lực giảm giá đối với các đồng tiền châu Á có thể tăng lên, đặc biệt là do kỳ vọng rằng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong nửa đầu năm 2023. Tuy nhiên, ông cũng không cho rằng sẽ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khác.

Trong khi đó, ông Vishnu Varathan, người đứng đầu bộ phận kinh tế và chiến lược của ngân hàng Mizuho, cho biết những bất an và nỗi lo trên thị trường có thể đang bị thổi phồng. Tuy nhiên, sự hỗn loạn trên thị trường ngoại hối đối với các nền kinh tế châu Á mới nổi sẽ vẫn còn đáng kể. Nhiều khả năng chúng sẽ dẫn tới những khó khăn tương tự như hồi năm 2013 - khi thị trường phản ứng mạnh mẽ với nỗ lực giảm định lượng của Fed thông qua bán tháo trái phiếu và cổ phiếu.

Theo chuyên gia này, rủi ro tỷ giá hối đoái suy giảm sâu hơn vẫn không thể bị loại bỏ một cách bất cẩn với lối suy nghĩ “lần này sẽ khác trước”.

Bên cạnh đó, thị trường tiền tệ châu Á vẫn còn những mặt tích cực.

Ông Dwyfor Evans, Trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty môi giới đầu tư State Street Global Markets, cho biết đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang cho thấy khả năng phục hồi tốt, dù nhiều người đã nhắc tới sự yếu đi của đồng tiền này. Theo chuyên gia Evans, đây là một đồng tiền rất ổn định so với rổ các đồng tiền chủ chốt khác.

Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ thêm rằng khả năng suy thoái kinh tế ở Trung Quốc vẫn có thể ảnh hưởng đến dòng vốn chảy ra và vào nước này. Điều đó hoàn toàn có thể có tác động đáng kể đến đồng nội tệ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo Báo Tin tức

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE