Fitch: Đến năm 2026, người Việt có thể dành đến hơn 60 tỷ USD cho thực phẩm, đồ uống không cồn

Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tận dụng cơ hội phát triển này bằng cách đưa ra kế hoạch mở rộng kinh doanh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng.
Ảnh: Fitch
Ảnh: Fitch

Fitch mới đây đã công bố báo cáo mới nhất về ngành bán lẻ Việt Nam trong đó Fitch đưa ra một số nhận định và dự báo về tiềm năng phát triển của quy mô dân số đô thị cũng như thu nhập người dân, hai yếu tố rất quan trọng tạo điều kiện phát triển tốt cho tiêu dùng.

Khi mà kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi từ sau những khó khăn của đại dịch COVID-19, thu nhập của người tiêu dùng tăng lên, nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang cố gắng giành lấy cơ hội phát triển của ngành hàng thực phẩm.

Tỷ lệ đô thị hóa tăng cao, tầng lớp trung lưu ngày một phình to hơn cũng như tỷ lệ sử dụng điện thoại cao cũng giúp cho dịch vụ vận chuyển hàng hóa tại các khu vực đô thị như Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh tăng lên. Người không có nhiều thời gian vẫn có thể hưởng thụ dịch vụ vận chuyển hàng hóa với chi phí phù hợp nhất có thể.

Ngoài ra, trong nhóm người tiêu dùng trung lưu và thu nhập cao (vốn được định nghĩa là tổng thu nhập khả dụng của cả gia đình ước tính khoảng 10.000USD/năm trở lên), xu thế sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe ngày một phổ biến hơn.

Ngành bán lẻ đồ ăn thức uống tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong trung hạn (giai đoạn 2022-2026) tại Việt Nam. Cũng giống như người dân phần lớn các nền kinh tế mới nổi khác, số tiền người dân tiêu vào thực phẩm và các đồ uống không có cồn hiện vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng chi tiêu của các hộ gia đình tại Việt Nam, tỷ lệ lên đến 21,2% trong năm 2022.

Tỷ lệ cao như trên được dự báo sẽ vẫn duy trì cho đến năm 2026, thế nhưng mức chi tiêu của người dân vào các loại sản phẩm này được tin sẽ vẫn tăng trưởng nhanh, trung bình đạt 10,7%/năm trong 5 năm tới, từ 44,2 tỷ USD năm 2022 lên 63,8 tỷ USD vào năm 2026.

Nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực tận dụng cơ hội phát triển này bằng cách đưa ra kế hoạch mở rộng kinh doanh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Tháng 8/2022, Emart của Hàn Quốc thông báo sẽ mở thêm 2 siêu thị tại thành phố Hồ Chí Minh và dự kiến sẽ mở đến 20 siêu thị tại Việt Nam trước năm 2026. Công ty đồng thời có kế hoạch phát triển dịch vụ bán thực phẩm trực tuyến cũng như vận chuyển siêu nhanh trong vòng 1 tiếng với người mua hàng trong bán kính 5km.

“Đại gia” ngành bán lẻ Việt Nam WinCommerce vào tháng 7/2022 cũng đã thông báo về kế hoạch sẽ mở thêm 720 cửa hàng, siêu thị mới trước thời điểm cuối năm 2022, trong đó bao gồm hơn 700 cửa hàng tiện lợi WinMart+ và hơn 20 siêu thị WinMart.

Thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Việt Nam được tính toán tăng trưởng tốt trong năm 2022, tiêu dùng người dân như vậy cũng sẽ tăng theo. Năm 2022, thu nhập khả dụng bình quân các hộ gia đình được dự báo tăng 9,7% so với cùng kỳ lên 5.605USD/năm. Trong trung hạn (2022-2026), thu nhập khả dụng trung bình đối với các hộ gia đình Việt Nam được dự báo tăng trưởng trung bình 9,3%/năm lên 7.572USD/năm vào năm 2026.

Tất nhiên, Việt Nam không hề miễn nhiễm trong “cơn bão” lạm phát năm 2022 và dù rằng chỉ số giá tiêu dùng được dự báo tăng 3,7% trong năm nay, cao hơn nhiều so với trung bình 2,6%/năm trong giai đoạn 2015 – 2019, nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng thu nhập 9,7% cũng trong năm nay.

Kịch bản của năm 2023 cũng tương tự khi mà xu thế tăng của chỉ số giá tiêu dùng thấp hơn nhiều so với mức tăng thu nhập khả dụng. Như vậy thu nhập của người dân Việt Nam thực sự tăng, thực tế này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà bán lẻ.

Quy mô dân số sống ở khu vực thành thị tăng trưởng tốt cũng mang đến môi trường phát triển thuận lợi cho các nhà bán lẻ, đặc biệt ở giai đoạn phát triển đầu tiên của thị trường bởi nó giúp mang đến thị trường mục tiêu tập trung. Tại Việt Nam, cộng đồng dân cư sống tại khu vực đô thị dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong 3 thập kỷ tới.

Đến năm 2030, 44,5% người Việt Nam sẽ sống tại các khu vực đô thị, tỷ lệ cao đáng kể so với con số 38,8% vào năm 2022. Như vậy các khu vực đô thị như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Đà Nẵng sẽ có thêm hơn 8 triệu người nữa đến sinh sống.

Dân số khu vực đô thị phình to, như vậy các doanh nghiệp sẽ có thêm các khách hàng giàu có. Khu vực đô thị cũng sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của ngành bán lẻ hiện đại cũng như sự suy thoái dần của mô hình chợ truyền thống nơi hàng hóa được bán trong không gian mở.

Cuối cùng, người tiêu dùng tại các khu vực đô thị có trình độ sử dụng công nghệ cao, đặc biệt với các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh nhằm tiếp cận với các nền tảng thương mại trực tuyến, như vậy doanh nghiệp sẽ có nhiều kênh đa dạng nhằm tiếp cận với người tiêu dùng mục tiêu.

Đọc tiếp

Chat với BizLIVE